Hotline: 0941068156
Thứ sáu, 22/11/2024 02:11
Thứ ba, 20/08/2024 07:08
TMO - Nhờ triển khai thực hiện hiệu quả, chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng (DVMTR), những năm qua, các địa phương trên địa bàn tỉnh Sơn La đã làm tốt công tác bảo vệ rừng, từng bước cải thiện thu nhập, xóa đói, giảm nghèo bền vững, góp phần nâng cao nhận thức về công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng.
Ngày 10/4/2008, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 380/QĐ-TTg về chính sách thí điểm chi trả dịch vụ môi trường rừng triển khai tại tỉnh Sơn La và Lâm Đồng. Sau 2 năm thí điểm, được tổng kết rút kinh nghiệm và đánh giá là thành công, ngày 24/9/2010 Chính phủ đã ban hành Nghị định số 99/2010/NĐ-CP về chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng có hiệu lực từ ngày 1/11/2011, tạo cơ sở cơ sở pháp lý, hình thành nguồn lực tài chính xã hội hóa bền vững phục vụ bảo vệ, phát triển rừng.
Để triển khai thực hiện chính sách, ngày 8/6/2009, UBND tỉnh có Quyết định số 1535/QĐ-UBND thành lập Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Sơn La. Mục tiêu là huy động các nguồn lực của xã hội để bảo vệ và phát triển rừng, góp phần thực hiện chủ trương xã hội hóa nghề rừng; nâng cao nhận thức, trách nhiệm đối với công tác bảo vệ, phát triển rừng của những người được hưởng lợi từ rừng, hoặc có các hoạt động ảnh hưởng trực tiếp đến rừng; nâng cao năng lực và hiệu quả quản lý, sử dụng và bảo vệ rừng cho các chủ rừng, góp phần thực hiện chiến lược phát triển lâm nghiệp bền vững.
Nếu như năm 2010, thu dịch vụ môi trường rừng chỉ đạt trên 115 tỷ, thì đến năm 2023 đã tăng lên 224 tỷ đồng, xếp thứ 5 toàn quốc. Tổng thu 15 năm đạt 2.262 tỷ đồng, trung bình mỗi năm trên 150 tỷ đồng; riêng giai đoạn 2019-2023 đạt bình quân 235 tỷ đồng/năm. Nguồn tiền chi trả cũng tăng dần qua từng năm. Nếu như năm 2009 đơn giá chi trả bình quân toàn tỉnh chỉ đạt 100.000đ/ha/năm, thì đến năm 2023 tăng lên 360.000đ/ha/năm, tăng gấp hơn 3 lần; đặt biệt, có lưu vực nhỏ mức chi lên đến 2 triệu đồng/ha/năm, tăng gấp 20 lần.
Chính sách chi trả DVMTR phát huy hiệu quả trong công tác bảo vệ,phát triển rừng tại các địa phương trên địa bàn tỉnh.
Với gần 670.000 ha rừng và là tỉnh có diện tích rừng lớn nhất miền Bắc, Sơn La đã triển khai nhiều chính sách để thực hiện tốt công tác bảo vệ, phát triển rừng. Địa phương này có hơn 2.000 cộng đồng dân cư, nhóm hộ, tổ chức thôn bản, đang quản lý trên 350.000 ha rừng, chiếm khoảng 54% tổng diện tích rừng được chi trả. Số tiền chi trả hàng năm cho các cộng đồng trung bình trên 100 tỷ đồng. Tuy nhiên, trước đây do chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng chưa hướng dẫn rõ việc sử dụng tiền đối với cộng đồng, dẫn tới việc một số cộng đồng chi tiền chưa đúng với mục đích.
Trước thực tế trên, năm 2021, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng Sơn La đã tham mưu UBND tỉnh ban hành Kế hoạch 273 về xây dựng, nhân rộng mô hình quy chế quản lý và sử dụng tiền dịch vụ môi trường rừng tại thôn, bản, nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng tiền dich vụ môi trường rừng phù hợp với điều kiện thực tiễn với phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra và dân thụ hưởng”. Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Sơn La, đơn vị đã phối hợp với các cấp, các ngành tổ chức tuyên truyền, vận động người dân tại các thôn, bản tự nguyện tham gia xây dựng dự thảo quy chế, đảm bảo đúng đối tượng, phạm vi và các nguyên tắc thực hiện, triển khai đầy đủ nhiệm vụ và các nội dung của Kế hoạch 273.
Từ 10 mô hình điểm, đến nay, toàn tỉnh Sơn La có 1.073 cộng đồng bản là chủ rừng đã xây dựng quy chế sử dụng tiền dịch vụ môi trường rừng, vượt 541,9% so với kế hoạch giao. Theo quy chế, hàng năm, dựa trên tổng số tiền được chi trả, các cộng đồng bản sẽ trích 25% phục vụ công tác tuần tra, bảo vệ, chữa cháy rừng, mua cây giống trồng rừng, trồng cây phân tán, mua sắm trang thiết bị phục vụ quản lý, bảo vệ rừng; trích 38% đầu tư xây dựng, sửa chữa nhà văn hóa, đường nội bản, công trình thủy lợi, nhà lớp học... 17% hỗ trợ sản xuất, nâng cao thu nhập cho các hộ gia đình và trích 20% thực hiện công tác tuyên truyền, khen thưởng...
Nhờ xây dựng quy chế, các cộng đồng đã sử dụng hơn 722 tỷ đồng tiền dịch vụ môi trường rừng đầu tư cho trên 13.670 công trình hạ tầng nông thôn như nhà văn hóa, đường giao thông nông thôn, sửa chữa lớp học, kênh mương thủy lợi. Trên 200 tỷ đồng phục vụ công tác quản lý, bảo vệ rừng; 190 tỷ đồng chi cho các hộ gia đình nâng cao thu nhập và các hoạt động khác; hỗ trợ 18,8 tỷ đồng trồng cây phân tán và các dự án khác.
Thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng, hơn 10 năm qua huyện Mai Sơn đã huy động các tổ chức, cộng đồng tham gia quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, giúp các bản có thêm nguồn lực xây dựng nông thôn mới và tăng thu nhập cho người dân, tạo sinh kế bền vững từ rừng. Mai Sơn hiện có trên 43.000ha đang được chi trả dịch vụ môi trường rừng.
Năm 2024, Quỹ đã chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng cho 5.975 chủ rừng là hộ gia đình, cá nhân, nhóm hộ, cộng đồng, tổ chức chính trị xã hội của bản và UBND xã trên địa bàn huyện Mai Sơn. Từ nguồn kinh phí này, các bản đã xây dựng được nhiều công trình phục vụ đời sống sinh hoạt của nhân dân, như làm đường, xây dựng nhà văn hóa bản, công trình nước sinh hoạt, sân thể thao...
Thông qua các chính sách phát triển lâm nghiệp bền vững đã góp phần hiện thực hóa chủ trương xã hội hóa nghề rừng, tạo được việc làm, nâng cao thu nhập, cải thiện sinh kế cho người dân, đặc biệt là đồng bào các dân tộc thiểu số sống gần rừng. Đến nay, huyện Mai Sơn đang tập trung quản lý 56.000ha rừng hiện có; chăm sóc 300ha rừng trồng phòng hộ; khoanh nuôi tái sinh khoảng 500ha rừng tự nhiên; tỷ lệ che phủ rừng năm 2024 đạt 39%.
Tại huyện Mường La, chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng là một khoản tiền để chủ rừng, người dân, cộng đồng bản trên địa bàn huyện có một nguồn kinh phí tái tạo, bảo vệ, phòng cháy, chữa cháy rừng, phát triển rừng. Cùng với đó, đây là một nguồn kinh phí để góp phần vào phát triển kinh tế hộ gia đình và đầu tư các công trình công cộng phục vụ cho hạ tầng kinh tế của cộng đồng bản...
Chính sách chi trả DVMTR phát huy hiệu quả trong công tác bảo vệ rừng tại các cộng đồng dân cư.
Để tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả chính sách dịch vụ môi trường rừng trên địa bàn tỉnh, trong thời gian tới các cấp, các ngành, địa phương, đơn vị, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng cần tập trung triển khai một số nhiệm vụ trọng tâm: Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng sâu rộng đến các cấp, các ngành và các tầng lớp nhân dân tạo sự đồng thuận cao trong xã hội, trong đó tập trung tuyên truyền, phổ biến cho đồng bào vùng cao, vùng sâu, vùng xa, đồng bào dân tộc thiểu số.
Mở rộng, nuôi dưỡng nguồn thu dịch vụ môi trường rừng, gắn với quản lý, sử dụng hiệu quả tiền dịch vụ môi trường rừng phục vụ quản lý rừng bền vững, nâng cao đời sống người dân. Phối hợp bổ sung, hoàn thiện quy chế phù hợp với Luật thực hiện dân chủ ở cơ sở và Nghị định số 61/2023/NĐ-CP ngày 16/8/2023 về xây dựng và thực hiện hương ước, quy ước của cộng đồng dân cư. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về dịch vụ môi trường rừng. Rà soát kiến nghị cấp thẩm quyền bổ sung, hoàn thiện hệ thống pháp luật, cơ chế về dịch vụ môi trường rừng.
Đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ và công nghệ thông tin, thực hiện chuyển đổi số trong quản lý, thực hiện chi trả dịch vụ môi trường rừng. Tổ chức quản lý đồng bộ về dữ liệu đất đai, dữ liệu rừng trên địa bàn tỉnh, trong đó tập trung cho công tác triển khai thực hiện rà soát, điều chỉnh, cấp đổi, cấp lại giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp của chủ rừng để phục vụ chi trả dịch vụ môi trường rừng chính xác, đúng đối tượng.
Tăng cường công tác tập huấn, hướng dẫn để quản lý, sử dụng tiền DVMTR đảm bảo đúng quy định, đúng mục đích; thường xuyên, kiểm tra, giám sát việc sử dụng tiền DVMTR của các chủ rừng đạt hiệu quả cao nhất, bảo đảm mục tiêu cải thiện sinh kế cho người dân tham gia giữ rừng, phục vụ công tác bảo vệ, phát triển và quản lý rừng bền vững.
Hồng Anh
Bình luận