Hotline: 0941068156
Thứ bảy, 23/11/2024 10:11
Thứ bảy, 02/03/2024 07:03
TMO - Với nguồn kinh phí bổ sung khá lớn từ việc bán tín chỉ carbon rừng sẽ giúp tạo thêm việc làm, thu nhập và nâng cao trách nhiệm của người dân trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên - Huế trong công tác bảo vệ những cánh rừng tự nhiên.
Thừa Thiên - Huế là một trong 6 địa phương triển khai Nghị định số 107/2022/NĐ-CP ngày 28/12/2022 của Chính phủ về thí điểm chuyển nhượng kết quả giảm phát thải và quản lý tài chính thỏa thuận chi trả giảm phát thải khí nhà kính vùng Bắc Trung Bộ. Thời gian triển khai chính sách này trong giai đoạn 2023 – 2025 đang tạo thêm nguồn kinh phí khá lớn phục vụ việc quản lý, bảo vệ rừng và hỗ trợ phát triển sinh kế cho người dân sống gắn bó với rừng trên địa bàn tỉnh.
Ngoài Thừa Thiên - Huế còn có các tỉnh: Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Trị và Quảng Bình, với số tiền dự kiến sẽ chi trả khoảng 51,5 triệu USD cho giai đoạn 2018-2024, với lượng giảm phát thải mà khu vực này chuyển nhượng dự kiến khoảng 10,3 triệu tấn CO2e (đơn vị được dùng để thể hiện dấu vết carbon của tất cả các loại khí gây hiệu ứng nhà kính, với giả định tất cả khí thải ra đều là CO2). Riêng việc hỗ trợ sinh kế liên quan đến hoạt động bảo vệ, phát triển rừng, người dân còn được hỗ trợ mức 50 triệu đồng/cộng đồng dân cư/năm.
Thừa Thiên-Huế có diện tích rừng tự nhiên khoảng 205.000 ha, với 800 chủ rừng gồm các ban quản lý rừng, cộng đồng dân cư, nhóm hộ gia đình...
Đến nay, địa phương này đã thực hiện 4/5 dịch vụ môi trường rừng (DVMTR) nhằm bảo vệ xói mòn đất đai; điều tiết, duy trì nguồn nước cho sản xuất phát triển kinh tế; hấp thụ, lưu trữ carbon của rừng, giảm phát thải khí nhà kính từ hạn chế mất rừng, suy thoái rừng; tạo vẻ đẹp cảnh quan, bảo tồn đa dạng sinh học hệ sinh thái rừng cho kinh doanh dịch vụ du lịch…
Giai đoạn từ năm 2011 - 2022, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng Thừa Thiên Huế đã chi trả hơn 320 tỷ đồng cho gần 600 chủ rừng quản lý (đơn vị, tổ chức, hộ cá nhân, gia đình). Tổng diện tích rừng được chi trả gần 160.000ha/283.000ha rừng của tỉnh (chiếm hơn 54%). Điều này góp phần giữ vững độ che phủ rừng của tỉnh (57,4%); đồng thời tạo thêm nhiều việc làm, mang lại thu nhập đáng kể cho hàng nghìn lao động địa phương. Theo Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Thừa Thiên -Huế, giai đoạn 2023 – 2025, địa phương được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phân bổ về 130 tỷ đồng từ nguồn bán tín chỉ carbon rừng; trong đó, năm 2023, địa phương đã hoàn thành việc giải ngân 37 tỷ đồng việc chi trả đến các chủ rừng, cộng đồng nhận giao khoán bảo vệ rừng theo quy định.
Thừa Thiên-Huế có diện tích rừng tự nhiên khoảng 205.000 ha, với 800 chủ rừng gồm các ban quản lý rừng, cộng đồng dân cư, nhóm hộ gia đình và các tổ chức khác. Điểm mới của Nghị định số 107/2022/NĐ-CP là ưu tiên dành nguồn lực chi trả cho nhóm chủ rừng là cộng đồng dân cư tham gia bảo vệ rừng, ngoài định mức chi trả cho hoạt động bảo vệ theo quy định, hàng năm 108 cộng đồng dân cư sống ven rừng tự nhiên của tỉnh còn được hỗ trợ 50 triệu đồng/cộng đồng để phát triển sinh kế hoặc đầu tư làm các công trình phúc lợi.
Với nguồn kinh phí bổ sung khá lớn từ việc bán tín chỉ carbon góp phần quan trọng trong công tác bảo vệ, phát triển rừng tại địa phương này.
Năm 2024, tỉnh Thừa Thiên – Huế sẽ tiếp tục giải ngân 45 tỷ đồng theo Nghị định số 107/2022/NĐ-CP dựa trên số liệu theo dõi diễn biến rừng của tỉnh. Với nguồn kinh phí bổ sung khá lớn từ việc bán tín chỉ carbon rừng sẽ giúp tạo thêm việc làm, thu nhập và nâng cao trách nhiệm của người dân trong tuần tra, bảo vệ những cánh rừng tự nhiên.
Thời gian tới, địa phương này tiếp tục mục tiêu trồng mới 1 tỷ cây xanh trên địa bàn giai đoạn 2021-2025, đồng thời nâng cao chất lượng trồng rừng tốt hơn. Thừa Thiên-Huế trồng rừng gỗ lớn, bản địa, hỗn giao đa loài không chỉ đảm bảo mục tiêu xuất khẩu, nâng cao hiệu quả kinh tế, thu nhập cho người dân mà còn ứng phó biến đổi khí hậu, chống xói lở, lũ lụt, điều hòa không khí… Việc nâng cao ý thức trong việc bảo vệ môi trường, giảm thải khí nhà kính và mở rộng diện tích đi kèm với nâng chất lượng rừng trồng - hướng đến là mua bán, chuyển nhượng chứng chỉ carbon cho người dân, cộng đồng, doanh nghiệp là việc cấp thiết, cần sớm được triển khai lâu dài và bền vững.
Trước đó, ngày 22/10/2020, Thỏa thuận chi trả giảm phát thải khí nhà kính vùng Bắc Trung Bộ (ERPA) được ký kết giữa Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Ngân hàng Tái thiết và Phát triển quốc tế (IBRD) - đơn vị nhận ủy thác của Quỹ Đối tác carbon lâm nghiệp (Quỹ FCPF). Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là đại diện chủ sở hữu, quản lý, sử dụng, chuyển nhượng 10,3 triệu tấn CO2 kết quả giảm phát thải từ rừng tự nhiên tại 6 tỉnh vùng Bắc Trung Bộ cho Quỹ FCPF ủy thác qua Ngân hàng IBRD, thu về khoảng 51,5 triệu USD. Thỏa thuận này đã được thể chế hóa tại Nghị định số 107/2022/NĐ-CP ngày 28/12/2022 của Chính phủ.
Theo các chuyên gia, tín chỉ carbon rừng được tạo ra từ các hoạt động dự án giảm phát thải nhà kính, như giảm mất rừng và suy thoái rừng; tăng cường hoạt động trồng rừng, tái trồng rừng, tái tạo thảm thực vật và hoạt động tăng cường quản lý rừng. Ở khu vực Bắc Trung Bộ là nơi có trữ lượng carbon rừng rất cao. Hiện nay khu vực này có 16,21 triệu tấn CO2, lượng chuyển nhượng kết quả giảm phát thải theo ERPA đã ký là 10,3 triệu tấn CO2, lượng giảm phát thải còn dư: 5,91 triệu tấn CO2. Với lượng còn thừa hiện tại có thể thỏa thuận để bán thu nguồn kinh phí cho quốc gia. Vừa qua Việt Nam chỉ mới thực hiện bán tín chỉ carbon rừng đối với thị trường tự nguyện quốc tế, còn chưa thực hiện thị trường bắt buộc ở trong nước đối với các cơ sở, đơn vị phát thải lớn.
Minh Phương
Bình luận