Hotline: 0941068156
Thứ bảy, 18/01/2025 09:01
Thứ ba, 03/12/2024 16:12
TMO - Hội đồng Cây Di sản Việt Nam (thuộc Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam) mới đây đã công nhận thêm 49 cây cổ thụ của 10 tỉnh, thành phố đủ điều kiện, tiêu chí là Cây Di sản Việt Nam. Trong đợt xét duyệt lần này, tỉnh Hoà Bình có số lượng Cây Di sản nhiều nhất với 25 cây, đặc biệt có cây lên tới gần 2.200 tuổi.
Theo đó, sau khi rà soát, xem xét các điều kiện, Hội đồng Cây Di sản Việt Nam (thuộc Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam) đã thống nhất đưa 49 cây cổ thụ vào danh sách đề nghị công nhận Cây Di sản Việt Nam.
Đứng đầu trong đợt xét duyệt Cây Di sản lần này, tỉnh Hòa Bình là địa phương dẫn đầu cả về số lượng cũng như độ tuổi của các cây cổ thụ. Cụ thể, quần thể 25 cây gỗ nghiến ở các lô 23, 24, 25, 26, khoảnh 19, tiểu khu 13, thuộc khu Bảo tồn thiên nhiên Phu Canh (trên địa phận xóm Nhạp, xã Đồng Chum, huyện Đà Bắc) đã đủ điều kiện công nhận Cây Di sản. Những cây nghiến cổ thụ này có tuổi từ 417 đến 2.190 năm. Với chu vi thân từ 3 đến hơn 16 m.
Xếp thứ hai là thành phố Hồ Chí Minh với 8 cây cổ thụ. Đó là những cây cổ thụ trong khuôn viên Thảo Cầm Viên Sài Gòn (địa chỉ tại số 02 Nguyễn Bỉnh Khiêm, phường Bến Nghé, quận 1). Cụ thể là cây giáng hương quả to và cây tung (đều có tuổi hơn 200 năm, chu vi thân gần 10m và cao hơn 30m).
Ngoài ra, tại đây còn có 06 cây xà cừ cũng đủ điều kiện công nhận Cây Di sản. Những cây cổ thụ này do các nhà Lâm học người Pháp đưa từ Sênêgal về trồng cách đây trên 120 năm. Những cây này có chu vi thân hơn 7 m (có cây 12,5 m) và cao hơn 45 m.
Tỉnh Cao Bằng là địa phương xếp thứ 3 về số lượng cây cổ thụ được công nhận Cây Di sản trong đợt xét lần này, với số lượng 4 cây, trong đó có 3 cây nghiến. Cụ thể là 1 cây nghiến hơn 400 năm, chu vi thân gần 5m ở xóm Bản Rạc – Nà Thúng, (xã Cô Ngân, huyện Hạ Lang) và 02 cây nghiến ở Khu di tích Hang Kéo Quảng (xóm Đông Sơn, xã Minh Tâm, huyện Nguyên Bình). 2 cây nghiến tại Khu di tích Hang Kéo Quảng một cây có tuổi hơn 500 năm và một cây có tuổi gần 250 năm.
Bên cạnh đó còn có cây kháo hơn 250 năm, chu vi thân hơn 3m trong khu di tích này cũng được Hội đồng nhất trí đề nghị công nhận Cây Di sản Việt Nam.
Xếp sau Cao Bằng là thành phố Hà Nội và tỉnh Tuyên Quang (mỗi nơi có 03 cây); Vĩnh Phúc, Long An, Phú Thọ (mỗi nơi có 02 cây) và các tỉnh: Bắc Giang, Quảng Nam (mỗi nơi có 01 cây) đủ tiêu chuẩn công nhận Cây Di sản Việt Nam.
(Ảnh minh hoạ).
Cụ thể ở Tuyên Quang có 02 cây đa hơn 260 năm ở thôn Tân Lập (xã Tân Trào, huyện Sơn Dương) và một cây đa ở Ao Rừm (thuộc lô 3, khoảnh 43B và một cây ở khu vực Ba Khe - Núi Hồng, lô 2, khoảnh 42). Khu vực Đồng Lủm, thôn Tân Lập, xã Tân Trào còn có 01 cây sanh hơn 250 năm cũng được công nhận Cây Di sản trong đợt này.
Cả 3 cây của thành phố Hà Nội đều nằm trên địa phận xứ Đoài xưa. Cụ thể là 02 cây muỗm hơn 300 năm trong khuôn viên chùa Phúc Lâm (thôn Nhân Hòa, xã Tả Thanh Oai, huyện Thanh Trì) và cây thị 213 năm tuổi ở xã Ngọc Hòa (huyện Chương Mỹ).
Tại tỉnh Phú Thọ, 2 cây hoa đại cổ thụ được công nhận Cây Di sản nằm trong khuôn viên Đền thờ Thánh mẫu, ở xã Dân Quyền, huyện Tam Nông (Phú Thọ). Đây đều là cây Đại hoa màu trắng và có tuổi hơn 1.000 năm, chu vi thân hơn 3,5 m.
Còn tại huyện Lập Thạch tỉnh Vĩnh Phúc, cây trôi khổng lồ (đường kính thân 1m) ở Đình Ba Làng, (thôn Yên Thích, xã Bắc Bình) và cây đa hơn 250 năm ở chợ Đầm, (thôn Đồng Làng, xã Thái Hòa) cũng đủ điều kiện công nhận Cây Di sản. Những cây cổ thụ này đều gắn với những sự kiện lịch sử trọng đại của địa phương.
Tại tỉnh Long An, 2 cây cổ thụ đủ tiêu chuẩn là Cây Di sản Việt Nam trong đợt xét lần này đều ở Đình Bình Lục, (ấp 2, xã Phước Tân Hưng, huyện Châu Thành). Đó là cây sộp và cây me hơn 200 năm.
Hai tỉnh: Bắc Giang và Quảng Nam, mỗi nơi chỉ có 01 cây cổ thụ đủ điều kiện công nhận Cây Di sản Việt Nam. Cụ thể là cây gạo hơn 360 năm của làng Tân Mỹ (xã Lãng Sơn, huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang) có chu vi thân 5,9 m, cao 36 m.
Tại tỉnh Quảng Nam, cây rỏi mật ơn 500 năm ở thôn Thạch Tân, (xã Tam Thăng, thành phố Tam Kỳ) có chu vi thân tới 4,5 m cũng được công nhận là Cây Di sản.
Bên cạnh đó, Hội đồng Cây Di sản Việt Nam cũng yêu cầu một số địa phương cung cấp thêm ảnh mẫu hoa, lá để xác định chính xác tên khoa học; đồng thời mở rộng không gian sống cho cây trước khi trình Chủ tịch Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam phê duyệt.
Việc công nhận, vinh danh Cây Di sản Việt Nam có ý nghĩa to lớn đối với cộng đồng và người dân. Góp phần nâng cao ý thức bảo vệ cây xanh, bảo tồn nguồn gen quý của các loài thực vật. Các hoạt động bảo tồn, vinh danh cây di sản còn thể hiện góc nhìn văn hóa, lịch sử, quan điểm sâu sắc, nhân văn, từ đó tô đậm đời sống văn hóa tinh thần cũng như đời sống tâm linh của cộng đồng nơi có Cây Di sản.
Thu Phương
Bình luận