Hotline: 0941068156
Thứ hai, 20/01/2025 05:01
Chủ nhật, 31/12/2023 06:12
TMO - Mục tiêu tới năm 2030, cả nước có 5.000km đường bộ cao tốc, tuy nhiên việc triển khai đồng loạt các dự án dẫn tới tình trạng khan hiếm nguồn cung cho các mỏ vật liệu đang khai thác.
Thời gian qua, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã phối hợp với các cơ quan liên quan tham mưu cho chính phủ ban hành các nghị quyết cho phép khai thác các mỏ vật liệu khoáng sản làm vật liệu san lấp. Đồng thời, phối hợp với Bộ Giao thông vận tải chủ trì, hướng dẫn giải quyết các khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai quá trình khai thác mỏ vật liệu.
Các địa phương có các dự án đi qua cũng chủ động trong cấp phép mỏ vật liệu theo thẩm quyền, điều tiết và phân bổ vật liệu. Bộ TN&MT đã có nhiều văn bản hướng dẫn các địa phương, ngành trong khai thác mỏ vật liệu. Đồng thời, rà soát các dự án về nguồn cung ứng vật liệu tại các địa phương. Trong việc điều phối vật liệu, các cơ quan liên quan đã rà soát nhu cầu của các dự án, nguồn cung ứng từ các địa phương và báo cáo Thủ tướng Chính phủ đề nghị các địa phương cân đối, bố trí nguồn vật liệu.
Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đã có văn bản đồng ý giao cho các tỉnh An Giang, Đồng Tháp, Vĩnh Long ưu tiên bố trí nguồn đất đắp cho các dự án cao tốc Cần Thơ - Hậu Giang, Hậu Giang - Cà Mau với khối lượng 9,1 triệu m3 trong năm 2023. Với nhiệm vụ này, Bộ TN&MT đã làm việc trực tiếp với các địa phương để giải quyết việc điều phối vật liệu. Bộ TN&MT cũng đề nghị địa phương áp dụng hướng dẫn của Bộ để giải quyết thủ tục liên quan tới thu hồi đất, giải phóng mặt bằng, bãi đổ thải, huy động mỏ vật liệu để đủ trữ lượng, chất lượng cung cấp cho các dự án.
Việc triển khai đồng loạt các dự án thành phần trên tuyến cao tốc Bắc-Nam dẫn tới tình trạng khan hiếm nguồn cung cho các mỏ vật liệu đang khai thác (Ảnh minh họa).
Đến nay, tỉnh Đồng Tháp đã cung cấp xong cát cho tuyến Mỹ Thuận – Cần Thơ. Với chỉ tiêu 7 triệu m3 cho cao tốc Cần Thơ – Hậu Giang – Cà Mau, tỉnh đã phối hợp với Bộ GTVT đặc biệt là Ban Mỹ Thuận đã giới thiệu 7 mỏ cát với sản lượng trên 7 triệu m3 cho 7 nhà thầu. Đến nay đã có 5 nhà thầu đi vào khai thác với sản lượng khoảng 1,3 triệu m3. Bên cạnh đó, tỉnh cân đối trữ lượng cho các tuyến cao tốc trên địa bàn tỉnh như Cao Lãnh – An Hữu, Cao Lãnh – Mỹ An với khoảng 6,5 triệu m3 trên, Đồng Tháp đã có đánh giá trữ lượng từng mỏ để giao cho nhà thầu theo cơ chế đặc thù của Quốc hội. Lượng cát của Đồng bằng Sông Cửu Long còn rất hạn chế, địa phương này đề nghị Bộ GTVT sớm chỉ đạo thay thế bằng cát biển để hạn chế việc khai thác cát sông.
Liên quan đến vấn đề khai thác cát biển, đáp ứng nhu cầu san lấp các dự án đường cao, Bộ Tài nguyên và Môi trường, tại vùng biển Sóc Trăng đã khoanh định được 6 vùng (ký hiệu B1 - B6) phân bố cát có khả năng làm vật liệu xây dựng. Theo đó, dự án "Đánh giá tài nguyên cát biển phục vụ các dự án đường cao tốc và hạ tầng giao thông vùng Đồng bằng sông Cửu Long" do Cục Địa chất Việt Nam chủ trì thực hiện từ năm 2023 - 2024; trong đó năm 2023 đã hoàn thành đánh giá tài nguyên cát biển tại khu vực khu B1 và triển khai một số công tác đánh giá khoáng sản tại khu vực B2 - B4.
Kết quả cho thấy, diện tích B1 đủ điều kiện chuyển giao cho đơn vị khai thác theo Nghị quyết của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Đơn vị khai thác phải sử dụng công nghệ khai thác hợp lý, đảm bảo giảm thiểu thiệt hại đối với môi trường và nuôi trồng thủy sản trong khu vực. Quá trình khai thác cần thực hiện công tác quan trắc, giám sát tài nguyên và môi trường khu vực biển Sóc Trăng và các tỉnh lân cận, đăng ký công suất khai thác, chỉ khai thác đến độ sâu 3m, nếu xảy ra tác động môi trường phải ngừng việc khai thác.
Dự thảo Luật Địa chất và Khoáng sản đã bổ sung quy định về phân nhóm khoáng sản. Khoáng sản được xác định là vật liệu thông thường, được xếp vào nhóm 3,4 và giao cho Chính phủ quy định cấp phép thăm dò theo hướng đơn giản hóa, tối đa thủ tục hành chính, phù hợp với thực tiễn. Đề tháo gỡ những vướng mắc về vật liệu xây dựng trong thời gian tới, Cục Khoáng sản đề nghị các Bộ, ngành, địa phương phối hợp triển khai các Nghị quyết của Quốc hội, đáp ứng nhu cầu đột phá cơ sở hạ tầng.
Bộ GTVT kiến nghị Quốc hội cho phép kéo dài thời thực hiện cơ chế đặc thù về khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường đến hết năm 2024.
Bộ GTVT cho biết, đối với dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2, các dự án thành phần từ Hà Tĩnh đến Khánh Hòa được xác định sử dụng cát từ 79 mỏ đang khai thác và 14 mỏ mở mới. Tính đến cuối tháng 11/2023 Theo Bộ GTVT, chính sách đặc thù về khai thác mỏ khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường theo Nghị quyết số 43/2022/QH15 được áp dụng trong hai năm 2022 và 2023.
Trong quá trình thực hiện có nhiều cách hiểu và quan điểm chưa thống nhất. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương đã phải tiếp tục hướng dẫn, chỉ đạo, hỗ trợ các chủ đầu tư, nhà thầu thi công xây dựng thực hiện các công việc liên quan về khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường.
Trong đó, Bộ TN&MT đã phải ban hành nhiều văn bản hướng dẫn triển khai chính sách đặc thù. Lãnh đạo Chính phủ đã nhiều lần trực tiếp kiểm tra các dự án, làm việc với các địa phương và ban hành các công điện yêu cầu các địa phương tập trung tháo gỡ khó khăn về vật liệu xây dựng cho các dự án. Song, thực tế, nguồn vật liệu vẫn chưa được các địa phương cấp đủ và cần phải tiếp tục xem xét và thời gian còn lại của năm 2023 không đủ để hoàn thành các thủ tục cấp các mỏ còn lại.
Các nhà thầu đã khai thác được 8/14 mỏ. Đất được sử dụng từ 21 mỏ đang khai thác và 74 mỏ mở mới; các nhà thầu đã khai thác được 27/74 mỏ. Với dự án thành phần đoạn Cần Thơ - Hậu Giang và Hậu Giang - Cà Mau, các tỉnh An Giang, Đồng Tháp, Vĩnh Long đã bố trí nguồn cung cát đắp được gần 17/19 triệu m3. Thực tế, đến nay, nhà thầu mới khai thác được 0,7 triệu m3. Hiện vẫn còn hơn 2 triệu m3 chưa xác nhận được nguồn cung cấp và công suất khai thác của các mỏ hiện nay rất thấp.
Tại dự án Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột, nguồn cung cấp vật liệu xây dựng trong khu vực đáp ứng nhu cầu, đã trình 14 mỏ đất, 6 mỏ đá, 1 mỏ cát nhưng chưa được xác nhận bản đăng ký khối lượng khai thác. Với dự án Biên Hòa - Vũng Tàu, nguồn cung vật liệu trong khu vực đáp ứng nhu cầu. Song, khu vực đang triển khai đồng loạt các dự án có thể gây thiếu hụt về công suất cung cấp đất đắp. Trong khi đó, phục vụ thi công dự án Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, tỉnh Hậu Giang và Cần Thơ sử dụng nguồn cát từ An Giang nhưng mới xác định được nguồn khai thác của 7,5 triệu m3 (55% nhu cầu) và đang hoàn thiện thủ tục khai thác. Tỉnh An Giang và Sóc Trăng đã xác định đủ nguồn cung vật liệu, đang hoàn thiện thủ tục khai thác.
Để tháo gỡ những vướng mắc về vật liệu xây dựng trong thời gian tới, Cục Khoáng sản (Bộ Tài nguyên và Môi trường) đề nghị các Bộ, ngành, địa phương phối hợp triển khai các Nghị quyết của Quốc hội trong tháo gỡ khó khăn nguồn vật liệu làm cao tốc nhằm đáp ứng nhu cầu đột phá cơ sở hạ tầng. Bộ GTVT kiến nghị Quốc hội cho phép kéo dài thời thực hiện cơ chế đặc thù về khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường đến hết năm 2024 hoặc đến khi hoàn thành các dự án thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội.
Đỗ Hương
Bình luận