Hotline: 0941068156
Thứ hai, 20/01/2025 23:01
Thứ ba, 02/05/2023 06:05
TMO - UBND tỉnh Thái Nguyên tăng cường chỉ đạo các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố tập trung đảm bảo nguồn cung vật liệu xây dựng cho các công trình trọng điểm của tỉnh, để đẩy nhanh tiến độ đầu tư.
Theo số liệu thống kê, nhu cầu các dự án sử dụng nguồn vật liệu san lấp mặt bằng ở các địa phương trong tỉnh Thái Nguyên hiện nay khá lớn. Trong đó, tập trung tại những địa phương có tốc độ phát triển kinh tế cao, như: Thành phố Phổ Yên, thành phố Sông Công, thành phố Thái Nguyên và các huyện Phú Bình, Đại Từ…
Bên cạnh đó, nhu cầu vật liệu san lấp cũng đang rất cấp thiết đối các dự án trọng điểm của tỉnh như: Khu công nghiệp Sông Công II, Khu công nghiệp Yên Bình, Khu công nghiệp Điềm Thụy, tuyến đường đô thị động lực, tuyến đường liên vùng Bắc Giang - Thái Nguyên - Vĩnh Phúc và nhiều công trình giao thông, khu dân cư, khu đô thị đang trong quá trình thi công tại các địa phương…Tuy nhiên, trên thực tế nguồn cung cấp vật liệu thông thường phục vụ san lấp mặt bằng của các dự án luôn là vấn đề nóng, bức thiết đặt ra với tỉnh Thái Nguyên trong những năm qua.
Trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên đã có nhiều điểm mỏ đất nằm trong quy hoạch vật liệu xây dựng và được cơ quan có thẩm quyền cấp phép nhưng chủ yếu tập trung tại các địa bàn như: Thành phố Phổ Yên, thành phố Sông Công, huyện Phú Bình và huyện Đồng Hỷ. Không những thế, các điểm mỏ vật liệu thông thường này phân bố không đều, trữ lượng nhỏ và thời gian khai thác ngắn nên khả năng cung cấp vật liệu cho các dự án đang triển khai trên địa bàn tỉnh còn hạn chế.
Nhằm tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của người dân, doanh nghiệp thực hiện các dự án đầu tư, xây dựng, công trình giao thông... Tỉnh ủy, UBND tỉnh Thái Nguyên đã tăng cường chỉ đạo các Sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố tập trung ưu tiên nguồn lực cho các công trình trọng điểm của tỉnh, trong đó chủ yếu là các công trình giao thông phải dành sự ưu tiên cao nhất để đẩy nhanh tiến độ đầu tư.
Tỉnh Thái Nguyên triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn về nguồn cung vật liệu xây dựng cho các dự án trọng điểm trên địa bàn.
Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu: Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành, địa phương liên quan nghiên cứu tham mưu cấp phép khai thác mỏ vật liệu cho chủ đầu tư, nhà thầu thi công các công trình trọng điểm của tỉnh.
Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành, địa phương liên quan nghiên cứu tham mưu làm việc với nhà cung ứng vật liệu, chủ mỏ để có cam kết việc cung ứng vật liệu theo giá đã công bố, niêm yết. Sở Tài chính thường xuyên theo dõi, bám sát diễn biến giá cả của thị trường vật liệu xây dựng để kịp thời cập nhật, tham mưu công tác quản lý nhà nước về giá; phối hợp với Sở Xây dựng công bố giá vật liệu xây dựng thông thường đảm bảo phù hợp với thực tế và quy định của pháp luật.
UBND các huyện, thành phố có trách nhiệm cùng với các chủ đầu tư, nhà thầu thỏa thuận với các chủ sở hữu về giá bồi thường, hỗ trợ về đất, bồi thường cây cối, hoa màu đối với các mỏ mới nằm trong quy hoạch vật liệu xây dựng của tỉnh đảm bảo phù hợp với mặt bằng giá bồi thường của Nhà nước quy định.
Các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố dành sự ưu tiên cao nhất các điều kiện về nguồn lực, vật liệu để cung cấp cho hoạt động xây dựng công trình, dự án giao thông trọng điểm của tỉnh; chủ động nghiên cứu, nâng cao hơn nữa trách nhiệm trong công tác phối hợp, thực hiện xử lý các nội dung thuộc thẩm quyền; kịp thời tham mưu, báo cáo cấp có thẩm quyền xử lý đối với trường hợp vượt quá thẩm quyền; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, quản lý chặt chẽ giá vật liệu xây dựng, đặc biệt là giá vật liệu tại các mỏ đang khai thác để không xảy ra tình trạng nâng giá, ép giá, bán với giá cao hơn mức đã được công bố.
Về công tác giao đất, thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất và xác định giá đất cụ thể, Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính và các đơn vị liên quan khẩn trương rà soát, tổng hợp các dự án đang vướng mắc thủ tục pháp lý liên quan đến việc xác định giá đất cụ thể, giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất để kịp thời chỉ đạo giải quyết, tháo gỡ, nêu cao tinh thần trách nhiệm, không né tránh, không đùn đẩy.
Theo kế hoạch, năm 2023, tỉnh Thái Nguyên bố trí hơn 7.900 tỷ đồng vốn đầu tư công xây dựng các công trình, dự án tạo đột phá trong xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ. Để đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công thì việc chủ động về nguồn vật liệu xây dựng là điều kiện rất quan trọng, góp phần đảm bảo tiến độ các dự án.
Ngọc Ánh
Bình luận