Hotline: 0941068156
Thứ hai, 20/01/2025 18:01
Thứ bảy, 09/09/2023 07:09
TMO - Tỉnh Kon Tum đang nỗ lực triển khai, tiến tới hoàn thành việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lần đầu với những trường hợp đủ điều kiện theo quy định của pháp luật.
Theo đánh giá của ngành chức năng tỉnh Kon Tum, đến nay nhiều địa phương đã cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) lần đầu đạt từ 70% trở lên, có nơi đạt trên 90%. Như ở thành phố Kon Tum, tổng diện tích đất nông nghiệp do hộ gia đình, cá nhân quản lý, sử dụng là 26.576,2ha, đến nay đã cấp GCNQSDĐ được 24.603,77ha, đạt 93%; tổng diện tích đất phi nông nghiệp do hộ gia đình, cá nhân quản lý, sử dụng là 3.347,83ha, đến nay đã cấp được 3.163,08ha, đạt 94%. Tại huyện Đăk Tô, tổng diện tích đất nông nghiệp do các hộ gia đình, cá nhân đang quản lý, sử dụng khoảng 28.392,8ha,đã được cấp GCNQSDĐ khoảng 24.590,41ha, đạt tỷ lệ 86,6%; tổng diện tích đất phi nông nghiệp trên địa bàn huyện là 573,4ha; đã cấp được khoảng 520ha, đạt tỷ lệ 90,7%...
Tuy nhiên, việc cấp GCNQSDĐ trên địa bàn tỉnh vẫn còn không ít khó khăn cần tháo gỡ. Cụ thể, việc thực hiện trình tự, thủ tục cấp GCNQSDĐ lần đầu có lúc, có nơi chưa đảm bảo quy định, chưa đúng quy trình, chậm trễ, kéo dài thời gian giải quyết. Việc luân chuyển hồ sơ thiếu chặt chẽ, không có sự theo dõi kiểm soát; trình ký GCNQSDĐ khi chưa ghi đầy đủ các cơ quan tham gia (xảy ra tại các huyện Ia H’Drai, Đăk Glei, Đăk Tô, Sa Thầy).
Ngoài ra, công tác kiểm tra, thẩm định hồ sơ cấp GCNQSĐ ở một số địa phương chưa chặt chẽ, có trường hợp đã thực hiện xong nghĩa vụ tài chính in phôi trình ký mới phát hiện ra chồng diện tích đất quy hoạch. Phiếu lấy ý kiến dân cư xác minh nguồn gốc đất đai là thành phần cơ bản, quan trọng của hồ sơ nhưng chưa được chú trọng. Có hồ sơ ghi chung chung, có hồ sơ ghi thời điểm ban đầu để xác định nguồn gốc đất chưa trùng khớp với thời điểm đưa vào sử dụng, mục đích sử dụng đất. Tình trạng chồng lấn đất canh tác, đất ở kéo dài, chưa được xử lý, giải quyết dứt điểm cho người dân (tại huyện Sa Thầy, thành phố Kon Tum).
Tình trạng tồn đọng hồ sơ cấp GCNQSDĐ lần đầu, hồ sơ cấp GCNQSDĐ lần đầu trễ hẹn tại nhiều địa phương vẫn chưa được giải quyết. Thậm chí, có địa phương, cả thôn chưa được cấp GCNQSDĐ, trong đó phải kể đến là làng Đăk Nớ (xã Đăk Pét, huyện Đăk Glei), hiện 85/85 hộ dân chưa được cấp GCNQSDĐ lần đầu (thời điểm Hội đồng nhân dân tỉnh Kon Tum giám sát).
Ngoài ra, còn một số vấn đề khác như: việc xét duyệt, cấp GCNQSDĐ đất theo dự án cho nhân dân đạt tỷ lệ rất thấp so với số lượng hồ sơ kê khai đăng ký đất đai; việc cấp GCNQSDĐ cho diện tích đất có nguồn gốc từ đất thu hồi của các nông, lâm trường chậm; năng lực chuyên môn, khả năng áp dụng các quy định pháp luật về đất đai của một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức làm công tác quản lý nhà nước về đất đai, cấp GCNQSDĐ lần đầu còn hạn chế.
Tỉnh Kon Tum đang nỗ lực triển khai, tiến tới hoàn thành việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lần đầu với những trường hợp đủ điều kiện theo quy định của pháp luật. Ảnh: TH.
Để đẩy nhanh, tiến tới hoàn thành việc cấp GCNQSDĐ lần đầu đối với diện tích đủ điều kiện theo quy định của pháp luật, UBND tỉnh đã tăng cường chỉ đạo các sở, ngành liên quan và chính quyền địa phương tiếp tục rà soát các tồn tại, vướng mắc với phương châm “mắc ở đâu gỡ ở đó, vướng ở ngành nào tháo gỡ ở ngành đó” từ đó đưa ra giải pháp cụ thể để tháo gỡ. Đoàn giám sát Hội đồng nhân dân (HĐND) tỉnh Kon Tum yêu cầu UBND tỉnh cần ban hành kế hoạch cụ thể về cấp GCN lần đầu, trong đó xác định rõ giải pháp, lộ trình thực hiện và trách nhiệm của từng đơn vị, các địa phương.
HĐND tỉnh Kon Tum cũng yêu cầu UBND tỉnh nhanh chóng ban hành quy chế tiếp nhận, luân chuyển và giải quyết, trả kết quả giải quyết thủ tục đăng ký đất đai và thủ tục cấp mới, cấp đổi và cấp lại GCNQSDĐ trên địa bàn tỉnh theo quy định. Với các sở ngành, địa phương phải khắc phục tình trạng chậm trễ xét duyệt, cấp GCNQSDĐ. Tổ chức thanh tra công tác quản lý nhà nước về đất đai, việc thực hiện trình tự, thủ tục đăng ký, cấp GCNQSDĐ lần đầu tại địa phương, đơn vị, nhất là ở các đơn vị cấp xã. Qua đó làm rõ trách nhiệm của tập thể, và cá nhân liên quan đến những chậm trễ, sai sót, vi phạm trong công tác cấp GCNQSDĐ lần đầu trên địa bàn để xử lý, chấn chỉnh kịp thời.
Theo HĐND tỉnh Kon Tum, UBND tỉnh và UBND cấp huyện cần cân đối ngân sách, bố trí dự toán kinh phí từ nguồn thu tiền sử dụng đất và một phần của ngân sách địa phương (ngoài phần ngân sách tỉnh giao) để thực hiện đo đạc lập bản đồ địa chính, cắm mốc giới đất đai, lập hồ sơ địa chính, hoàn thành cơ sở dữ liệu đất đai, bản đồ khép kín phục vụ cho công tác quản lý đất đai, cấp GCNQSDĐ lần đầu cho tổ chức, hộ gia đình, cá nhân.
Cùng đó, việc lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất phải bảo đảm phù hợp, thống nhất, đồng bộ với các quy hoạch của ngành, lĩnh vực và gắn kết chặt chẽ trong quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Kịp thời điều chỉnh các quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cho phù hợp với thực tế; huỷ bỏ các quy hoạch không thực hiện và công bố công khai để nhân dân biết.
Thu Hà
Bình luận