Hotline: 0941068156
Thứ sáu, 22/11/2024 23:11
Thứ năm, 13/04/2023 04:04
TMO - Việt Nam đã trở thành nước cung cấp tôm hàng đầu với giá trị xuất khẩu chiếm 13 - 14% tổng giá trị xuất khẩu tôm trên toàn thế giới. Tuy nhiên, hiệu quả sản xuất và sức cạnh tranh của sản phẩm tôm Việt Nam vẫn còn hạn chế và ngành vẫn còn đối mặt nhiều khó khăn.
Tôm là mặt hàng xuất khẩu chủ lực, đóng vai trò rất quan trọng cho sự phát triển ngành thủy sản và nền kinh tế Việt Nam, giúp tạo công ăn việc làm cho hàng triệu lao động. Trong giai đoạn từ năm 2010 - 2022, tỷ trọng giá trị xuất khẩu tôm luôn chiếm ở mức cao, từ 36,8 - 50,4% trong tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản. Năm 2022, diện tích tôm nước lợ thả nuôi của cả nước đạt 747.000 ha; sản lượng đạt hơn 1 triệu tấn, tăng 8,5% so với năm 2021; kim ngạch xuất lập kỷ lục khi đạt 4,3 tỷ USD, tăng 11,2% so với năm 2021. Với kết quả này, Việt Nam là quốc gia xuất khẩu tôm đứng thứ 3 thế giới, sau Ecuador (6,7 tỷ USD) và Ấn Độ (5,5 tỷ USD).
Việt Nam là quốc gia cung cấp tôm lớn nhất cho Nhật Bản và Hàn Quốc. Tại Mỹ, tôm Việt Nam đứng thứ 5 (sau Ấn Độ, Indonesia, Ecuador, Canada) và tại Trung Quốc là thứ 4 (sau Ecuador, Ấn Độ, Canada)... Trong năm 2023, ngành tôm nước ta đặt mục tiêu diện tích đạt 750.000 ha; sản lượng tôm các loại hơn 1 triệu tấn; kim ngạch xuất khẩu trên 4,3 tỷ USD.
Ngành hàng tôm nước ta cần triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm gia tăng sức cạnh tranh tại các thị trường xuất khẩu. Ảnh: BĐK.
Tổng cục Thủy sản cho biết, hiện tôm Việt nam đã xuất khẩu sang 108 thị trường; trong đó xuất khẩu sang 9 thị trường chính gồm: EU, Hoa Kỳ Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc... chiếm hơn 97% tổng giá trị. Tuy nhiên, dù hoạt động xuất khẩu đứng trong Top đầu thế giới, ngành tôm Việt Nam vẫn phải đối mặt với không ít những khó khăn, thách thức ở cả đầu vào và đầu ra liên quan đến nguồn cung nguyên liệu (chất lượng con giống, kiểm soát dịch bệnh, kiểm soát vùng nuôi; tỷ lệ diện tích và sản lượng tôm nuôi theo tiêu chuẩn chứng nhận GAP, hữu cơ...còn thấp.
Ngoài ra, ngành hàng này vẫn còn phải đối mặt với nguy cơ phát triển không bền vững do hiệu quả sản xuất còn hạn chế, dẫn đến thu nhập của người nuôi tôm còn thấp, việc phân chia lợi nhuận và trách nhiệm trong chuỗi giá trị con tôm cũng còn tồn tại bất cập, các thách thức như lạm phát toàn cầu, phí logostics cao; cạnh tranh mạnh từ tôm Ecuador, Ấn Độ; thuế chống bán phá giá, rào cản thị trường như hạn ngạch của thị trường Hàn Quốc…
Những năm qua, ngành tôm Việt Nam đã có nhiều đổi mới và phát triển, đặc biệt nhiều hộ dân, doanh nghiệp đã tăng cường ứng dụng các công nghệ mới vào nuôi tôm để nâng cao hiệu quả sản xuất và thích ứng với biến đổi khí hậu. Dù vậy, hiệu quả sản xuất và sức cạnh tranh của sản phẩm tôm Việt Nam vẫn còn hạn chế và ngành vẫn còn đối mặt nhiều khó khăn. Để con tôm Việt Nam gia tăng sức cạnh tranh trên thị trường tất yếu phải nâng tầm chuỗi giá trị. Theo đó, phát triển bền vững chuỗi giá trị con tôm là rất cần thiết. Để làm được điều này cần sự tham gia tích cực của tất cả bên liên quan trong chuỗi ngành tôm nhằm hạ giá thành sản xuất, nâng cao chất lượng và sức cạnh tranh cho con tôm Việt Nam.
Năm 2023, dù được dự báo vẫn tiếp tục phải đối mặt với nhiều khó khăn, ngành tôm cả nước vẫn đặt mục tiêu duy trì về sản lượng và kim ngạch xuất khẩu. Để vượt qua những thách thức và đạt được các mục tiêu đề ra, cần có sự tham gia tích cực của tất cả bên liên quan trong chuỗi giá trị tôm nhằm hạ giá thành sản xuất, nâng cao chất lượng và sức cạnh tranh cho con tôm Việt.
Các chuyên gia cho rằng, người nuôi tôm nên thay đổi tư duy từ sản xuất nông nghiệp thành kinh tế nông nghiệp. Bởi hiện nay, sản xuất là để cạnh tranh với thị trường quốc tế. Vì vậy, giá thành sản xuất đủ độ cạnh tranh, chất lượng sản phẩm và truy xuất nguồn gốc minh bạch. Bên cạnh đó, người nuôi tôm nên xem xét tối ưu sử dụng: vốn, lao động, diện tích nuôi, nguồn nước, con giống,...Từ đó, sẽ giúp mô hình nuôi tôm tăng về sản lượng, giá thành, giảm yếu tố rủi ro,...
Hoạt động nuôi tôm cần xây dựng các quy trình nuôi tôm tối ưu giá thành thấp bằng cách quy hoạch những vùng nuôi tập trung lớn có kênh cấp - thoát nước riêng và có cơ sở hạ tầng giao thông điện nước hoàn chỉnh; ứng dụng số hóa trong nuôi tôm để quản lý truy xuất và giảm chi phí nhân công,... Người nuôi tôm phải làm tốt quan trắc môi trường và phòng chống dịch bệnh trên tôm nuôi. Các doanh nghiệp cần giữ vững thị trường truyền thống và tiếp tục mở rộng thị trường xuất khẩu.
Hạnh Nguyễn
Bình luận