Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 24/11/2024 08:11
Chủ nhật, 11/06/2023 06:06
TMO - Nhằm tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản và phát triển nhà ở trên địa bàn, UBND TP. Cần Thơ giao nhiệm vụ cho các Sở, ngành liên quan đôn đốc, theo dõi, xử lý vướng mắc của các dự án.
Theo đó, Chủ tịch UBND TP. Cần Thơ giao Sở Xây dựng tiếp tục theo dõi, quản lý 32 dự án, chủ động hướng dẫn, đôn đốc chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án và bàn giao hạ tầng về cho địa phương quản lý theo quy định. Định kỳ báo cáo tình hình, tiến độ thực hiện của dự án và những khó khăn, vướng mắc (nếu có), để tổng hợp và tham mưu cấp có thẩm quyền xem xét, chỉ đạo thực hiện.
Đồng thời, Sở Kế hoạch và Đầu tư Cần Thơ khẩn trương tham mưu UBND thành phố công tác rà soát pháp lý dự án theo Quyết định số 805/QĐ-UBND ngày 16/4/2021 đảm bảo đúng quy định. Tiếp tục chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, địa phương tăng cường công tác kiểm tra, giám sát tiến độ thực hiện các dự án đang theo dõi, quản lý. Tổng hợp, tham mưu cấp thẩm quyền xem xét, chỉ đạo thực hiện đối với trường hợp phát sinh khó khăn, vướng mắc vượt thẩm quyền.
Sở Tài nguyên và Môi trường rà soát, xử lý theo thẩm quyền hoặc trình cấp thẩm quyền xử lý đối với các dự án vi phạm pháp luật về đất đai. Chủ trì, phối hợp Sở Tài chính và các đơn vị liên quan tham mưu UBND thành phố xử lý dứt điểm vấn đề chậm ban hành giá đất cụ thể theo quy định.
UBND quận, huyện đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án tái định cư từ nguồn ngân sách nhà nước; hỗ trợ đẩy nhanh công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; công tác lập, phê duyệt quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500. Về phía Trung tâm Phát triển quỹ đất TP đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án tái định cư từ nguồn ngân sách nhà nước; hỗ trợ đẩy nhanh công tác giải phóng mặt bằng. Ngoài ra, UBND TP. Cần Thơ cũng đề nghị Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TP. Cần Thơ quan tâm, sớm có giải pháp hỗ trợ cho nhà đầu tư tiếp cận nguồn vốn tín dụng; có giải pháp xử lý phù hợp đối với các khó khăn hiện nay của nhà đầu tư.
UBND TP. Cần Thơ giao nhiệm vụ cho các Sở, ngành liên quan đôn đốc, theo dõi, xử lý vướng mắc của các dự án.
Trước đó, Sở Kế hoạch và Đầu tư TP. Cần Thơ đã có những đề xuất về việc tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản và phát triển nhà ở trên địa bàn thành phố. Sở Kế hoạch và Đầu tư TP. Cần Thơ cho biết, tính đến thời điểm hiện tại, trên địa bàn thành phố hiện có 72 dự án đang triển khai thực hiện thuộc lĩnh vực phát triển nhà ở. Trong đó, Sở Xây dựng theo dõi, quản lý 32 dự án. Trong số này, 4 dự án có khả năng hoàn thành, bàn giao về địa phương quản lý trong năm 2023; 27 dự án cam kết sau năm 2024 hoàn thành, bàn giao về thành phố quản lý và 1 dự án đang thực hiện thủ tục chấm dứt hoạt động dự án.
Sở Kế hoạch và Đầu tư theo dõi, quản lý 40 dự án, gồm 5 dự án được UBND TP. Cần Thơ chấp thuận chủ trương đầu tư trước Nghị định 30/2015/NĐ-CP ngày 17/3/2015 (có hiệu lực ngày 5/5/2015). Đa số các dự án hiện nay đã đầu tư và đưa vào vận hành khai thác một phần, phần diện tích còn lại (diện tích nhỏ) chưa giải phóng mặt bằng. Hiện tại, các dự án này đã hết thời gian thực hiện.
Ngoài ra, còn có 35 dự án được UBND TP. Cần Thơ quyết định chủ trương đầu tư sau Nghị định 30/2015/NĐ-CP ngày 17/3/2015. Các dự án này triển khai chậm so với quyết định chủ trương đầu tư. Chủ yếu còn trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư, thực hiện thủ tục đầu tư như lập và phê duyệt quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500, thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư. Các dự án chủ trương giai đoạn 2015 - 2018 đa số đã hết thời gian thực hiện, một số dự án đã được UBND thành phố điều chỉnh thời gian thực hiện (gia hạn thời gian).
Một số dự án cơ bản hoàn thành giải phóng mặt bằng như: Khu Đô thị mới STK An Bình tại phường An Bình, quận Ninh Kiều; Chung cư nhà ở xã hội Nam Long - Hồng Phát; Khu dân cư phường Phước Thới, khu vực Thới Thuận, phường Phước Thới, quận Ô Môn; mở rộng Khu tái định cư sau Trường dân tộc nội trú quận Ô Môn; mở rộng, phát triển đô thị mới và nâng cấp chợ Thới Lai hiện hữu (giai đoạn 2), công tác đầu tư xây dựng còn chậm so với quyết định chủ trương đầu tư được duyệt.
Sở Kế hoạch và Đầu tư TP. Cần Thơ đã có những đề xuất về việc tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản và phát triển nhà ở trên địa bàn thành phố.
Sở Kế hoạch và Đầu tư Cần Thơ cũng đã chỉ ra nguyên nhân dẫn đến khó khăn, vướng mắc của các dự án bất động sản: Một là, do thực hiện các quy định phòng chống dịch bệnh Covid-19 (nguyên nhân khách quan), đặc biệt là thực hiện quy định giãn cách xã hội, do đó đa số các dự án chậm tiến độ, việc triển khai dự án bị đình trệ trong thời gian dài.
Hai là, nhìn chung các dự án gặp khó khăn trong công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư do việc thỏa thuận thu hồi đất, áp giá bồi hoàn không được sự đồng thuận của người dân, cơ chế chính sách thay đổi, có những trường hợp phải lập lại thủ tục về giải phóng mặt bằng. Thiếu nền tái định cư ở các quận, huyện để bố trí cho các hộ dân chịu ảnh hưởng của dự án.
Một số nhà đầu tư chưa phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương để thực hiện các hồ sơ, thủ tục pháp lý của dự án, nhất là về công tác giải phóng mặt bằng. Trình tự thủ tục quy định nhiều bước như: thành lập hội đồng, đo đạc, kiểm kê, xác định giá đất cụ thể để tính bồi thường, xét tính pháp lý, áp giá bồi thường, phê duyệt thì mới thu hồi đất được, từ đó dẫn đến diện tích đất thu hồi còn thấp và dự án triển khai chậm. Thời gian thu hồi đất của một số dự án đầu tư kéo dài so với thời gian quy định tại chủ trương đầu tư, dẫn đến triển khai chậm tiến độ so với chủ trương đầu tư, do các dự án trong kế hoạch rà soát của Tổ công tác theo Quyết định số 805.
Ba là, công tác xác định giá đất để tính thu tiền sử dụng đất, giao nền tái định cư còn chậm, chưa đáp ứng kịp thời tiến độ do khó khăn, vướng mắc trong quá trình tổ chức thực hiện (sự phối hợp giữa các cơ quan liên quan đến định giá đất chưa kịp thời), phương pháp định giá đất còn hạn chế. Bốn là, do bị ảnh hưởng việc rà soát pháp lý các dự án nên nhiều dự án trong giai đoạn sau Nghị định số 30/2015/NĐ-CP đang chậm tiến độ. Năm là, nhà đầu tư gặp nhiều khó khăn trong tiếp cận nguồn vốn vay tín dụng và huy động vốn dẫn đến thiếu vốn để thực hiện dự án (phải giãn tiến độ, dừng triển khai thực hiện dự án).
Trước đó, tại buổi làm việc giữa Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà với Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ về giải quyết tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện dự án bất động sản vào tháng 5/2023, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh thông tin, một trong những nguyên nhân của các khó khăn, vướng mắc mà dự án bất động sản gặp phải, là do việc tổ chức thực thi pháp luật của địa phương.
Cụ thể, liên quan đến quy hoạch chưa có sự đồng bộ, thống nhất giữa quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết xây dựng của dự án đang triển khai thực hiện, với quy hoạch chung của địa phương. Một số dự án trong quá trình triển khai đầu tư xây dựng vẫn sai lệch, chưa phù hợp quy hoạch chi tiết xây dựng tỉ lệ 1/500 được phê duyệt. Ngoài ra, các dự án còn gặp khó khăn liên quan tới quy định pháp luật về bố trí quỹ đất để phát triển nhà ở xã hội. Một số trường hợp do địa phương chậm triển khai việc xác định giá đất, tính tiền sử dụng đất và cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của dự án…
Phó Thủ tướng cho rằng nguyên nhân của những tồn tại, vướng mắc của dự án bất động sản đã dần được nhận diện. Vì vậy, thời gian tới yêu cầu địa phương khẩn trương, nghiêm túc giải quyết các nhóm vấn đề tồn tại thuộc thẩm quyền, nhằm hoàn thành thủ tục pháp lý cho các dự án bất động sản như: điều chỉnh cục bộ quy hoạch chi tiết dự án bất động sản phù hợp quy hoạch phân khu, quy hoạch chung, quy định về quỹ đất, để phát triển nhà ở xã hội, xác định giá đất…; đồng thời tiếp tục rà soát, kiểm tra, báo cáo những vấn đề mới phát sinh. Đối với sai phạm của doanh nghiệp khi thực hiện đầu tư, xây dựng dự án bất động sản không đúng theo quy hoạch chi tiết 1/500, phải khắc phục theo hướng bảo đảm chỉ tiêu về hạ tầng, cây xanh, công trình công cộng…
Thị trường bất động sản có vai trò quan trọng trong hệ sinh thái kinh tế: công nghiệp, dịch vụ, du lịch, lưu trú, sản xuất vật liệu, tài chính, ngân hàng…, tác động đến chuỗi sản xuất như vật liệu, sắt thép, đồ gia dụng, thị trường vốn, tín dụng, thị trường lao động, tác động đến ổn định kinh tế vĩ mô. Do đó, tháo gỡ vướng mắc liên quan thị trường bất động sản là hết sức quan trọng đối với sự ổn định, phát triển của nền kinh tế.
Nguyễn Nga
Bình luận