Hotline: 0941068156
Thứ tư, 22/01/2025 13:01
Chủ nhật, 06/10/2024 06:10
TMO - Trước tình trạng, chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU), tỉnh Thanh Hóa đã kiên quyết xử lý nghiêm, đồng thời đưa ra nhiều giải pháp nhằm hạn chế tình hình này. Vì vậy, chỉ trong 9 tháng của năm 2024, toàn tỉnh đã xử phạt 121 trường hợp vi phạm với tổng số tiền gần 1,3 tỷ đồng.
Nhiều kết quả đáng ghi nhận
Toàn tỉnh Thanh Hóa hiện có 6.104 tàu cá khai thác thủy sản. Trong đó, có 1.085 tàu có chiều dài trên 15m, 758 tàu có chiều dài từ 12m đến 15m, 946 tàu có chiều dài từ 6m đến 12m và 3.315 tàu có chiều dài dưới 6m.
Tính đến thời điểm hiện tại, 100% tàu cá đã đăng ký (2.760 tàu cá), cập nhật thông tin lên Hệ thống cơ sở dữ liệu nghề cá quốc gia Vnfishbase và đánh dấu tàu cá theo quy định. 1.080/1.080 tàu cá lắp đặt thiết bị GSHT (đạt 100%), 1.471/1.814 tàu cá còn hạn đăng kiểm (đạt 81,1%). Bên cạnh đó, có 838/1.080 tàu cá được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm (đạt 77.6%). Đồng thời, cấp giấy phép khai thác thủy sản cho 2.531/2.760 tàu cá (đạt 91,7%).
Các lực lượng chức năng trong tỉnh đã tập trung lực lượng, thành lập các đoàn tuần tra, kiểm tra, kiểm soát, trên biển, các của lạch, tại cảng cá. Tổ chức kiểm tra, xác minh tàu cá vi phạm qua hệ thống giám sát và theo đề nghị của lực lượng cảnh sát biển Việt Nam. Đồng thời, trực tiếp tuyên truyền, ký cam kết với các chủ tàu không vi phạm các quy định chống khai thác IUU, nhất là không vi phạm vùng biển nước ngoài để khai thác.
Tỉnh Thanh Hóa triển khai đồng bộ các giải pháp trong chống khai thác IUU.
Mặt khác, các cơ quan chức năng Thanh Hóa đã bố trí lực lượng thường trực 24/24h để thực hiện việc thanh tra, kiểm tra, kiểm soát tàu cá cập bến, xuất bến. Tại 3 cảng cá chỉ định là Cảng cá Lạch Hới (thành phố Sầm Sơn), Cảng cá Lạch Bạng (thị xã Nghi Sơn) và Cảng cá Hòa Lộc (huyện Hậu Lộc) có 2.267 lượt tàu rời cảng, 1.475 lượt tàu cập cảng, thu nhập ký khai thác thủy sản 1.210 tàu, sản lượng thủy sản bốc dỡ qua cảng được ghi nhận, thống kê đạt 8.845,56 tấn. Giám sát sản lượng tại các cảng cá do cấp huyện quản lý, bến cá truyền thống là 4.417,85 tấn.
Chỉ trong 9 tháng của năm 2024, các lực lượng chức năng tỉnh Thanh Hóa đã xử phạt 121 trường hợp vi phạm với tổng số tiền gần 1,3 tỷ đồng. Không có tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài bị xử lý và bắt giữ.
Kiên quyết xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, vẫn còn tồn tại, hạn chế trong công tác đăng ký, đăng kiểm, cấp giấy phép khai thác hải sản, giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm... Hiện vẫn còn 29 tàu cá “3 không” đang làm thủ tục đăng ký.
Trong 9 tháng của năm 2024, ngành chức năng và các địa phương tại Thanh Hóa đã xây dựng nội dung, in và treo 32 băng zôn, tờ phớn; cấp phát 15.000 sổ tay, 9.000 tờ rơi. Đồng thời, tổ chức 12 lớp huấn luyện, hội nghị tuyên truyền cho 1.200 cán bộ, ngư dân. Xây dựng 10 phóng sự, đưa tin về Luật Thủy sản, quy định chống khai thác IUU. Cùng với đó, vận động chủ tàu, thuyền trưởng ký cam kết không khai thác vi phạm chủ quyền vùng biển nước ngoài.
Đoàn kiểm tra liên ngành của tỉnh Thanh Hóa về chống khai thác hải sản bất hợp pháp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU) kiểm tra, xử lý các vi phạm khai thác IUU tại Cảng cá Hòa Lộc, huyện Hậu Lộc.
Tại Hội nghị giao ban công tác chỉ đạo chống khai thác IUU, lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa, cho biết: Dự kiến trong tháng 10, ngành thủy sản sẽ đón đoàn thanh tra của Ủy ban châu Âu (EC) đến Việt Nam để kiểm tra lần thứ 5 và xem xét khả năng gỡ bỏ "thẻ vàng" đối với hoạt động đánh bắt không theo quy định IUU.
Lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa cũng yêu cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, phối hợp với các địa phương, lực lượng Biên phòng hoàn thành đăng ký, đăng kiểm, cấp phép, cấp giấy chứng nhận an toàn thực phẩm cho tàu cá trước ngày 15/10. Tăng cường tuần tra, kiểm soát khu vực ven biển, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Các địa phương, đơn vị, lực lượng liên quan theo chức năng, nhiệm vụ kiểm soát chặt chẽ tàu cá ra vào cảng cá, cửa lạch, bến cá, khu neo đậu tự phát.
Mặt khác, điều tra, xác minh, xử lý nghiêm các tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài (nếu có). Hoàn thành công tác đăng ký, cấp phép tàu cá thuộc phân cấp quản lý trên địa bàn, thống kê cụ thể danh sách tàu cá dưới 6m để quản lý chặt chẽ. Xử lý dứt điểm các sai phạm về thực hiện chính sách thiết bị giám sát hành trình. Đến ngày 15/10 phải kết nối 100% thiết bị giám sát hành trình. Đồng thời, có biện pháp yêu cầu các tàu cá vào cảng cá bốc dỡ sản phẩm để giám sát sản lượng.
UBND các huyện tiếp tục kiểm điểm trách nhiệm của tổ chức, cá nhân để xảy ra tình trạng phát sinh nhiều tàu cá “2 không”, hoàn thành đăng ký cho tàu cá “3 không” trước ngày 15/10.
Công an tỉnh Thanh Hóa tiếp tục theo dõi, hướng dẫn UBND các huyện, thị xã, thành phố ven biển xử lý dứt điểm các sai phạm trong thực hiện chính sách hỗ trợ của tỉnh về lĩnh vực thủy sản. Mặt khác, tiếp tục nắm chắc tình hình, xử lý nghiêm các hành vi môi giới, móc nối, đưa tàu, ngư dân đi khai thác hải sản bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài.
Hoài Thu
Bình luận