Hotline: 0941068156
Thứ tư, 02/04/2025 06:04
Thứ hai, 31/03/2025 15:03
TMO - Tỉnh Thái Nguyên triển khai đồng bộ các giải pháp tăng cường công tác quản lý khoáng sản trên địa bàn qua đó góp phần bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, mà còn đảm bảo nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội theo hướng bền vững.
Thái Nguyên là tỉnh có nhiều loại khoáng sản với trữ lượng lớn và đã được tiến hành khai thác theo quy mô công nghiệp từ nhiều năm qua. Trong đó, có một số loại khoáng sản như: Than đá, sắt, volfram, thiếc, vàng, đá vôi xi măng được khai thác hiệu quả, đem lại nguồn thu lớn cho kinh tế địa phương, giải quyết việc làm cho hàng nghìn lao động; hỗ trợ tích cực cho hoạt động sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp của tỉnh.
Khoáng sản có trữ lượng lớn nhất của tỉnh Thái Nguyên chính là than. Hiện trên địa bàn tỉnh có 11 mỏ than nằm trong quy hoạch phát triển khoáng sản, với tổng trữ lượng trên 95 triệu tấn. Một số mỏ than trên địa bàn tỉnh được khai thác đem lại giá trị hàng trăm tỷ đồng mỗi năm như: Phấn Mễ (trữ lượng gần 10 triệu tấn); Núi Hồng (trữ lượng khoảng 15 triệu tấn); Khánh Hoà (trữ lượng 70 triệu tấn). Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh còn có một số khoáng sản kim loại như: Chì, kẽm, thiếc... đã được quy hoạch, phê duyệt điểm mỏ khai thác.
Để triển khai hiệu quả Đề án tăng cường công tác quản lý Nhà nước về tài nguyên khoáng sản trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2021 – 2025, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên yêu cầu các Sở, ban, ngành thuộc tỉnh, UBND các huyện, thành phố tiếp tục tổ chức thực hiện, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các nhiệm vụ được phân công tại đề án đảm bảo hoàn thành đúng thời hạn.
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật về tài nguyên khoáng sản đến mọi đối tượng có liên quan; triển khai các giải pháp chống thất thu, tăng thu ngân sách trong lĩnh vực tài nguyên khoáng sản. Cùng với đó, rà soát tồn tại, hạn chế, nguyên nhân đã được chỉ ra và chủ động triển khai thực hiện các biện pháp giải quyết, khắc phục. Tổng hợp khó khăn vướng mắc trong công tác quản lý Nhà nước về tài nguyên khoáng sản trên địa bàn hoặc thuộc chức năng, nhiệm vụ của ngành quản lý; báo cáo UBND tỉnh, đề xuất giải pháp tháo gỡ.
Tỉnh Thái Nguyên triển khai đồng bộ các giải pháp tăng cường công tác quản lý khoáng sản trên địa bàn.
Ngoài ra, tăng cường phối hợp giữa các Sở, ngành, UBND các cấp địa phương trong công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật trong hoạt động khoáng sản, kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi vi phạm; tăng cường nguồn lực, phương tiện, thiết bị cho các lực lượng trực tiếp đấu tranh với hành vi khai thác, chế biến, sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu, buôn bán, vận chuyển trái phép tài nguyên khoáng sản.
UBND tỉnh yêu cầu Sở Nông nghiệp và Môi trường chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi khai thác khoáng sản trái phép. Đồng thời, rà soát, tham mưu UBND tỉnh điều chỉnh quy hoạch khoáng sản phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và công tác bảo vệ môi trường. Việc giám sát chặt chẽ hoạt động khai thác sẽ góp phần hạn chế tình trạng khai thác bừa bãi, gây thất thoát tài nguyên.
Cùng với đó, Công an tỉnh được giao trách nhiệm tăng cường kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm trong khai thác, vận chuyển và kinh doanh khoáng sản trái phép. Các lực lượng chức năng cần chủ động nắm bắt tình hình, phối hợp kiểm tra đột xuất, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm, nhất là tại các khu vực có nguy cơ xảy ra khai thác trái phép.
UBND tỉnh cũng yêu cầu các huyện, thành phố đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân và doanh nghiệp thực hiện đúng quy định về khai thác khoáng sản. Việc nâng cao nhận thức của cộng đồng, doanh nghiệp về trách nhiệm bảo vệ tài nguyên, môi trường sẽ góp phần tạo sự đồng thuận, hạn chế vi phạm. Đồng thời, các địa phương cần tăng cường kiểm tra thực tế, kịp thời phát hiện và báo cáo các trường hợp vi phạm để có hướng xử lý phù hợp./.
Lê Thanh
Bình luận