Hotline: 0941068156
Thứ bảy, 18/01/2025 14:01
Thứ tư, 25/05/2022 08:05
TMO - UBND tỉnh Thái Nguyên vừa ban hành văn bản chỉ đạo triển khai thực hiện nghiêm nội dung theo văn bản của Bộ Tài nguyên và Môi trường về tăng cường công tác bảo vệ tài nguyên nước dưới đất.
Theo đánh giá của cơ quan chuyên môn, nước ngầm của tỉnh Thái Nguyên có 12 phức hệ, chứa 1,5-2 tỷ m3, nguồn nước chủ yếu cấp cho thành phố Thái Nguyên và một số thành phố khác của tỉnh là nước ngầm mạch sâu dọc sông Cầu, sông Công do các nhà máy nước cung cấp, ngoài ra nhiều hộ gia đình trong tỉnh vẫn dùng nước giếng khoan hoặc nước giếng khơi để sinh hoạt ăn uống. Tuy nhiên, những năm gần đây, với sự phát triển nhanh của công nghiệp nên nhu cầu sử dụng nước của Thái Nguyên cũng ngày một cao.
(Ảnh minh họa)
Để quản lý tốt nguồn nước ngầm, thời gian qua, tỉnh Thái Nguyên đã chú trọng, đẩy mạnh công tác bảo vệ tài nguyên nước dưới đất thông qua việc khoanh định, thực hiện các biện pháp hạn chế khai thác nước dưới đất, rà soát xử lý, trám lấp các giếng không sử dụng và kiểm soát các hoạt động khoan, đào, thăm dò, khai thác nước dưới đất trên địa bàn tỉnh, qua đó đã góp phần làm giảm đáng kể tình trạng hạ thấp mực nước dưới đất quá mức cũng như gây ô nhiễm và sụt lún bề mặt đất ở các khu vực đô thị.
UBND tỉnh Thái Nguyên chỉ đạo Sở Tài Nguyên và Môi trường chủ trì và phối hợp với các Sở, ngành, địa phương, đơn vị liên quan, triển khai thực hiện nghiêm các nội dung theo yêu cầu của Bộ Tài Nguyên và Môi trường tại văn bản số 2553/BTNMT-TNN ngày 13/5/2022 về tăng cường công tác bảo vệ tài nguyên nước dưới đất.
UBND tỉnh Thái Nguyên yêu cầu: cần tiếp tục đẩy mạnh việc tổ chức triển khai thực hiện công tác bảo vệ tài nguyên nước dưới đất theo Luật Tài nguyên nước (Điều 35) quy định tổ chức, cá nhân thăm dò, khai thác nước dưới đất; hành nghề khoan nước dưới đất; khoan khảo sát địa chất công trình, thăm dò địa chất, thăm dò, khai thác khoáng sản, dầu khí; xử lý nền móng công trình, tháo khô mỏ và các hoạt động khoan, đào khác phải thực hiện các biện pháp bảo vệ nước dưới đất, trám lấp giếng sau khi đã sử dụng xong hoặc bị hỏng.
Các tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản, xây dựng công trình ngầm phải tuân thủ tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về an toàn, chống suy thoái, cạn kiệt nguồn nước dưới đất và ở những vùng nước dưới đất bị khai thác quá mức hoặc bị suy thoái nghiêm trọng, cơ quan quản lý tài nguyên nước khoanh định các vùng hạn chế khai thác nước dưới đất và có biện pháp kiểm soát nghiêm ngặt để bảo vệ nước dưới đất.
Kim Oanh
Bình luận