Hotline: 0941068156
Thứ sáu, 01/11/2024 09:11
Thứ năm, 31/10/2024 06:10
TMO - Chè được xác định là cây trồng chủ lực, thế mạnh của tỉnh Thái Nguyên. Nhằm bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa và đưa thương hiệu chè Thái Nguyên ngày một vươn xa, tỉnh Thái Nguyên đã triển khai đồng bộ các giải pháp để giữ vững thế mạnh của loại cây “đặc sản” này.
Việt Nam hiện có hơn 40 tỉnh, thành phố trồng chè, tính cả chè trung du và chè cổ thụ thì cả nước có gần 80 vùng chè. Đối với Thái Nguyên, chè được xác định là cây trồng chủ lực.
Với giá trị sản xuất năm 2023 chiếm 45% giá trị sản xuất trồng trọt, chiếm trên 22% giá trị sản xuất nông nghiệp, cây chè đã trở thành nguồn thu lớn cho người dân. Diện tích chè toàn tỉnh hiện có gần 22.500ha, sản lượng chè búp tươi đạt trên 267,5 nghìn tấn/năm, giá trị sản phẩm trà đạt 12,3 nghìn tỷ đồng.
Phát huy lợi thế về thổ nhưỡng, khí hậu phù hợp, và kinh nghiệm trồng, ứng dụng công nghệ chế biến và quảng bá làm cho danh tiếng chè Thái vang xa, đoạt nhiều giải cao trong các cuộc thi quốc tế; trong nước được mệnh danh là “Đệ nhất” danh trà.
Ngày nay, giá trị vùng chè đang được khai thác để phát triển du lịch. Là cây trồng chủ lực, làm giàu cho nông dân, chè được trồng ở nhiều địa phương thuộc tỉnh Thái Nguyên, trong đó chè có chất lượng thơm, ngọt hậu, nước xanh hoặc vàng óng chủ yếu được trồng ở vùng sườn đông dãy Tam Đảo hùng vĩ như Tân Cương, các xã phía tây huyện Đại Từ.
Một số vùng ở huyện Phú Lương và Đồng Hỷ cũng có những sản phẩm chè nổi tiếng. Nổi tiếng nhất phải kể đến chè được trồng, chế biến ở vùng Tân Cương, đó là 6 xã phía tây nam thành phố Thái Nguyên, vùng chè đặc sản lâu đời, được công nhận chỉ dẫn địa lý, nơi mà “Tri thức trồng và chế biến chè” được vinh danh là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Tân Cương là vùng trung du, đồi thấp trập trùng, khí hậu trong lành, được tưới bởi nguồn nước sông Công, hồ Núi Cốc mát lành, người dân nhiều đời giàu kinh nghiệm trồng những đồi chè bát ngát, nương chè xanh mơn mởn, giàu sức sống.
Bà con thu hái đúng thời điểm, kinh nghiệm chế biến, làm cho chè có chất lượng và hương vị thơm ngon, làm vừa lòng người sành thưởng trà. Ngày nay, nghề chè ở Tân Cương phát triển lên trình độ chuyên môn cao, các hợp tác xã, tổ hợp tác liên kết sản xuất phát triển mạnh. Là cây trồng chủ lực, chè là sinh kế của hàng chục vạn hộ dân và giải quyết việc làm, thu nhập cho hàng nghìn người chế biến.
Không chỉ ở Tân Cương, nhiều hợp tác xã, người dân ở dọc sườn đông Tam Đảo như La Bằng, Hoàng Nông thuộc huyện Đại Từ phát huy địa thế, phong cảnh đẹp; khí hậu trong lành, chỉnh trang đồi chè, nương chè, xây dựng cơ sở lưu trú để phát triển du lịch nông nghiệp, du lịch vùng chè.
Để giữ “sức khỏe” của đất, bảo vệ môi trường, bảo vệ sức khỏe người trồng, chế biến, vệ sinh an toàn thực phẩm, việc sử dụng phân bón và thuốc bảo vệ thực vật vô cơ được người dân, các hợp tác xã không chỉ ở vùng chè đặc sản Tân Cương và nhiều nơi khác trong tỉnh hạn chế đến mức thấp nhất.
Là cây trồng chủ lực, được trồng trên diện rộng, năm 2023 chè mang lại doanh thu trên 10 nghìn tỷ đồng, là sinh kế của hàng trăm nghìn hộ nông dân, góp phần quan trọng làm giàu cho nông dân và giảm tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh Thái Nguyên còn hơn 3% số hộ, 118/126 xã đạt chuẩn nông thôn mới.
Thông tin từ Lãnh đạo Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Nguyên, so với các loại cây trồng khác, chè đã mang lại doanh thu lớn nhất, nhưng tỉnh phấn đấu đạt doanh thu 1 tỷ USD/năm để mang lại thu nhập lớn hơn cho nông dân, tầng lớp chiếm số đông trên địa bàn tỉnh. Nhằm đạt doanh thu 1 tỷ USD từ chè trong bối cảnh và xu thế đô thị hóa đang diễn ra mạnh mẽ, tỉnh Thái Nguyên yêu cầu giữ nguyên diện tích chè hiện có và phát triển lên 25.000ha chè trong những năm tới.
Giai đoạn tới, tỉnh Thái Nguyên phấn đấu diện tích trồng chè đạt 25.000ha. (Ảnh minh hoạ: BTT).
Đồng thời tái cơ cấu ngành chè theo hướng tăng giá trị, chất lượng, thương hiệu chè Thái, trước mắt là đầu tư tưới tự động để tăng năng suất chè vụ đông, liên kết sản xuất theo chuỗi để từng bước khắc phục tình trạng sản xuất nhỏ lẻ, manh mún quy mô hộ gia đình; gắn sản xuất chè, vùng chè với phát triển du lịch nông nghiệp, du lịch cộng đồng.
Có thể nói, cây chè và văn hóa Trà đã trở thành nét bản sắc văn hóa vùng miền, mang giá trị biểu tượng của tỉnh Thái Nguyên. Bởi vậy, gìn giữ, phát huy giá trị của cây chè và văn hóa Trà đồng bộ, hài hòa với tăng trưởng kinh tế chính là sự cụ thể hóa rõ nét, hiệu quả Nghị quyết số 33-NQ/TW, trở thành phương châm hành động của Đảng bộ thành phố Thái Nguyên.
Bên cạnh đó, nhằm thực hiện hiệu quả Quy hoạch vùng trung du và miền núi phía Bắc thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 205, trong đó Thái Nguyên được chọn là vùng trọng điểm phát triển một số cây công nghiệp, chủ lực là cây chè gắn với chế biến và tiêu thụ, đưa Thái Nguyên trở thành trung tâm chế biến chè, ngành nông nghiệp tỉnh Thái Nguyên đã đặt ra một số nhiệm vụ cụ thể, trọng tâm.
Trong đó, tham mưu cho UBND tỉnh tiếp tục chỉ đạo triển khai, đẩy mạnh phát triển hợp tác xã (HTX); ngành nông nghiệp tỉnh Thái Nguyên tiếp tục tham mưu cho UBND tỉnh chỉ đạo, triển khai các nhiệm vụ, giải pháp phát triển cây chè, hoàn thành mục tiêu các nghị quyết, đề án phát triển sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh.
Chú trọng các nhiệm vụ trọng tâm: quy hoạch vùng chè, xây dựng thương hiệu chè quốc gia, thống nhất quy trình sản xuất, chế biến chè. Đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chế biến chè. Rà soát vùng sản xuất chè gắn với phát triển du lịch; xây dựng mã số vùng trồng, mở rộng diện tích chè hữu cơ, chè sạch…/.
Minh Đạt
Bình luận