Hotline: 0941068156
Thứ sáu, 17/01/2025 00:01
Thứ sáu, 01/03/2024 07:03
TMO - Những năm gần đây, quế là loại cây được nhiều hộ dân trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên lựa chọn trồng để cung cấp nguồn dược liệu và gỗ cho thị trường, góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống.
Sau gần 10 năm được Nhà nước hỗ trợ, người dân tại huyện Định Hóa đã mạnh dạn mở rộng diện tích trồng, đến nay cây quế đã đem lại nguồn thu nhập ổn định cho hàng nghìn hộ dân trên địa bàn huyện. Tại Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXIII, nhiệm kỳ 2015-2020, huyện Định Hóa đã định hướng tái cơ cấu kinh tế đồi rừng, nâng cao giá trị sử dụng đất lâm nghiệp bằng các loại cây đặc sản, trong đó xác định đưa cây quế vào cơ cấu phát triển cây lâm nghiệp. Huyện đặt mục tiêu đưa cây quế trở thành cây trồng chủ lực trong phát triển kinh tế đồi rừng, phấn đấu đến năm 2030 sẽ trồng được 10.000ha.
Để hoàn thành tốt mục tiêu này, bà con nhân dân được Nhà nước hỗ trợ cây giống; đối với các hộ trồng quế trong diện tích rừng phòng hộ còn được hỗ trợ thêm phân bón. Sau 10 năm phát triển, đến nay diện tích trồng quế trên địa bàn huyện Định Hóa đã đạt khoảng 4.150ha, tập trung chủ yếu ở các xã Quy Kỳ, Linh Thông, Lam Vỹ, Điềm Mặc…Thông tin từ UBND xã Quy Kỳ cho biết: Với lợi thế về diện tích đất rừng, từ năm 2014 đến nay, bà con nhân dân trong xã đã trồng được hơn 700ha quế, trong đó diện tích quế cho thu hoạch chiếm gần 30%. Trong xã đã có hàng trăm hộ thoát nghèo và vươn lên làm giàu nhờ trồng quế. So với trồng keo thì cây quế có giá trị kinh tế cao gấp 5-6 lần.
Vùng trồng quế trên địa bàn huyện Định Hóa được mở rộng, thu nhập của người dân từ cây trồng này được nâng cao. Ảnh: BNN.
Theo tiêu chuẩn kỹ thuật, quế được trồng với mật độ 5.000 cây/ha. Trồng quế chỉ mất 2 năm đầu phải phát dọn thực bì, đến năm thứ 3 thì tán quế che phủ, các loại cỏ dại không mọc được và cây quế hầu như không bị sâu bệnh. Từ năm thứ 5 cây quế bắt đầu được khai thác tỉa cành, lá để bán. Hiện nay, giá bán vỏ quế khô ở mức 50.000 đồng/kg; cành, lá được bán với giá 1.400 đồng/kg; thân cây sau khi bóc vỏ cũng bán được 1.000 đồng/kg. Việc tiêu thụ quế khá tốt, tổng nguồn thu từ khi cây quế được tỉa cành, bán lá đến năm thứ 17 (tuổi khai thác vỏ, bán cây) đạt khoảng 1,3 tỷ đồng/ha.
Cùng với một số địa phương trên địa bàn tỉnh, huyện Võ Nhai hiện có gần 62.700 ha đất quy hoạch lâm nghiệp, trong đó có gần 20.000 ha rừng đặc dụng, 24.900 ha rừng sản xuất và trên 17.900 ha rừng phòng hộ. Từ năm 2021, huyện đã triển khai Dự án phát triển cây quế giai đoạn 2021-2025 và Đề án phát triển sản phẩm nông nghiệp chủ lực tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030.
Theo đó, địa phương tập trung hỗ trợ bà con nhân dân về cây giống, kỹ thuật trồng, chăm sóc cây quế. Tính riêng năm 2021, huyện đã hỗ trợ người dân trồng mới 97,5 ha quế. Năm 2022, huyện hỗ trợ triển khai trồng mới 145 ha, chiếm 25% trong tổng diện tích trồng rừng tập trung của toàn huyện (579 ha). Trong đó, theo Đề án phát triển sản phẩm nông nghiệp chủ lực tỉnh Thái Nguyên, bà con được hỗ trợ cây giống trồng mới 95 ha quế, với tổng kinh phí 475 triệu đồng. Dự án phát triển cây dược liệu huyện Võ Nhai hỗ trợ giống giúp người dân trồng 50 ha, với tổng kinh phí 285 triệu đồng.
Đến nay, toàn huyện đã có trên 300 ha trồng quế. Loại cây trồng này có lợi thế là ngoài bán vỏ thì phần lá, cành, ngọn cũng được thu mua để chiết xuất tinh dầu và thân cây làm gỗ. Mỗi cây quế khoảng 9 năm tuổi sau khi khai thác có thể đạt giá trị 300-400 nghìn đồng/cây. Cây khai thác sau 12 năm tuổi có thể đạt giá trị 1,5-2 triệu đồng/cây và sau 20 năm tuổi trở lên có thể đạt 3-4 triệu đồng/cây. Như vậy, cây quế càng lâu năm có giá trị kinh tế càng cao.
Giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030, cây quế được xác định là một trong sáu sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh Thái Nguyên.
Theo đề án phát triển cây trồng chủ lực của tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030, cây quế được xác định là một trong sáu sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh. Tỉnh đặt mục tiêu hình thành vùng trồng quế tập trung theo hướng sản xuất hàng hóa, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững tạo ra sản phẩm có chất lượng cao, quảng bá thương hiệu quế và các sản phẩm chế biến từ quế đáp ứng nhu cầu của thị trường trong và ngoài nước. Tỉnh phấn đấu đến năm 2025, diện tích trồng quế đạt 6.500 ha, năm 2030 đạt 11.500 ha.
Để nâng cao giá trị cây quế, cùng với việc mở rộng diện tích, ngành Nông nghiệp tỉnh khuyến khích các địa phương tập trung phát triển theo chiều sâu, quy hoạch giống, nâng cao chất lượng. Cùng với đó, không chỉ chạy theo số lượng mà cần tăng cường liên kết chế biến sản phẩm theo chuỗi giá trị. Trên cơ sở diện tích trồng quế hiện có, việc khuyến khích doanh nghiệp đầu tư các nhà máy cũng như cơ sở chế biến tinh dầu cũng là việc làm cần thiết để đảm bảo đầu ra cho cây quế. để phát triển bền vững, Thái Nguyên cần nhiều hơn nữa các chính sách khuyến khích, kêu gọi doanh nghiệp đầu tư theo hướng chế biến sâu, tìm kiếm thị trường, hình thành chuỗi liên kết từ việc ươm, trồng, chế biến đến tiêu thụ.
Đặc biệt, việc phát triển cây quế cần theo đúng định hướng quy hoạch, tránh việc người dân phát triển ồ ạt, tự phát, xâm lấn vào diện tích rừng khác. Cùng với đó, kiểm soát tốt vùng trồng, bảo đảm chất lượng quế là điều kiện quan trọng để Thái Nguyên từng bước xây dựng thương hiệu, giúp sản phẩm quế có khả năng vươn xa trên thị trường trong và ngoài nước.
Đức Toàn
Bình luận