Hotline: 0941068156
Thứ tư, 27/11/2024 01:11
Thứ bảy, 10/02/2024 09:02
TMO – Tết Nguyên đán chứa đựng và mang đậm bản sắc của dân tộc. Trải qua bao biến động của lịch sử, người Việt vẫn gìn giữ được những phong tục tập quán tốt đẹp của dân tộc trong ngày Tết.
Khởi nguồn từ những hình thức sinh hoạt Hội mùa gắn với văn minh nông nghiệp lúa nước của cộng đồng người Việt và một số dân tộc thiểu số anh em, trên dòng chảy thời gian, Tết Nguyên đán (hay còn gọi là Tết cổ truyền) đã và đang trở thành một nếp sinh hoạt văn hóa cổ truyền quan trọng, lan tỏa phạm vi không gian thực hành sâu rộng ra khắp mọi vùng, miền cả nước.
Bên cạnh hàng loạt hình thức sinh hoạt “Tết” nương theo lịch Trăng, hay chính xác hơn, nương theo thứ Âm-Dương hợp lịch, như Tết Hàn thực, Tết Đoan ngọ, Tết Trung thu, Tết Cơm mới… Tết Nguyên đán được coi là Tết Cả, nơi hội tụ không khí tưng bừng, nhộn nhịp nhất trong không gian văn hóa của toàn dân tộc, góp phần hình thành nên vóc dáng văn hóa truyền thống mang bản sắc của người Việt nói riêng và cộng đồng các dân tộc Việt Nam nói chung.
(Ảnh minh họa)
Trải qua diễn trình lịch sử hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước, người Việt cũng như một số dân tộc khác như Mường, Tày, Nùng… qua các thế hệ đã không ngừng giữ gìn, trao truyền và bồi đắp các lớp văn hóa thông qua thực hành sinh hoạt lễ tiết. Để rồi, Tết Nguyên đán trở thành công đoạn sinh hoạt văn hóa đầu tiên và quan trọng nhất trong một năm của hệ thống lễ hội/lễ tiết Việt Nam, góp phần tô đậm cho bản sắc văn hóa dân tộc, phản ánh một cách sinh động nhất cho tinh thần hòa điệu giữa con người và tự nhiên, theo chu kỳ ứng xử với vận hành vũ trụ.
Theo ngôn ngữ cổ truyền của người Việt, Tết Nguyên đán được khởi đầu từ ngày 23 tháng Chạp (23 Tết), kéo dài đến mồng bảy Tết, trong đó 3 ngày đầu tiên của tháng đầu tiên thuộc về năm mới được coi là Nguyên đán – Tết đầu năm mới. Cũng từ khoảng thời gian nằm trong chu trình được coi là Tết đó, hàng loạt “thủ tục” được diễn ra thông qua các hình thức thực hành văn hóa của cộng đồng người dân đã tạo thành một nếp văn hóa mang những ý nghĩa nhân văn cực kỳ gần gũi nhưng sinh động, được các thế hệ bảo lưu, gìn giữ và tuân thủ như một lẽ tự nhiên, trở thành những mỹ tục trong đời sống văn hóa dân tộc.
Trong tâm thức dân gian, công việc thăm mộ tổ tiên luôn được coi như “hoạt động văn hóa tâm linh” đầu tiên, nhắc nhở mọi người mỗi khi chuẩn bị bước vào “chu trình” của Tết Nguyên đán.
Không phải ngẫu nhiên mà hằng năm, cứ vào tuần cuối năm cũ, từ ngày 23 tháng Chạp (23 Tết) cho đến 30 tháng Chạp (30 Tết), mọi gia đình người Việt cũng như hàng chục gia đình dân tộc thiểu số khác, thường tập trung cùng nhau viếng thăm, quét dọn, sửa sang mồ mả tổ tiên, dâng lễ mọn cúng bái và mời vong linh tổ tiên về ăn Tết với con cháu.
Với cộng đồng các dân tộc Việt Nam, tâm lý và ý thức của cộng đồng ngày cuối năm hướng về cội nguồn được thể hiện qua nhiều hình thức thực hành đa dạng, trong đó tín ngưỡng tôn sùng tổ tiên như một phần trong hệ thống sinh hoạt tín ngưỡng Việt Nam, được thể hiện qua phong tục thờ cúng nhân vật được coi là thủy tổ của một tộc người, một dân tộc hay một quốc gia – nhà nước với hiệu danh quốc tổ (chẳng hạn như Lạc Long Quân-Âu Cơ, Hùng Vương), hay là người có công lập làng/bản, được vinh danh là thành hoàng làng, cho đến các bậc tổ tiên mỗi dòng họ, ông bà đã khuất trong mỗi gia đình, trong thời khắc chuyển giao từ năm cũ sang năm mới. Thực tế đó được bồi đắp, tôn tạo qua các thế hệ để hình thành nên những hệ giá trị văn hóa truyền thống, thể hiện một cách liền mạch tâm lý hướng tâm của cộng đồng nhỏ (gia đình, dòng họ, làng xóm) trong hệ thống cộng đồng quốc gia đa dân tộc Việt Nam.
QUỐC DŨNG
Bình luận