Hotline: 0941068156
Thứ bảy, 18/01/2025 17:01
Thứ năm, 06/06/2024 08:06
TMO - Tết Đoan Ngọ hàng năm tại Việt Nam sẽ diễn ra vào ngày 5/5 âm lịch. Đây là một trong những ngày lễ Tết truyền thống có ý nghĩa đặc biệt đối với đời sống văn hoá của người dân Việt Nam.
Nguồn gốc Tết Đoan Ngọ
Tết Đoan Ngọ được tổ chức vào ngày mùng 5/5 Âm lịch, còn có tên gọi khác là Tết Đoan Dương. Đoan Ngọ (Đoan là mở đầu, Ngọ là giữa trưa) là bắt đầu giữa trưa; Dương là mặt trời, là khí dương. Đoan Dương nghĩa là bắt đầu lúc khí dương đang thịnh. Tết Đoan Ngọ là ngày Tết truyền thống tại một số quốc gia Đông Á trong đó có nước ta.
Ở Việt Nam, Tết Đoan Ngọ còn được gọi với cái tên khá dân dã là "tết giết sâu bọ" do có nguồn gốc gắn liền với mùa màng nông nghiệp và thời tiết. Tháng Năm bắt đầu nắng nóng và cũng là giai đoạn chuyển mùa, chuyển tiết, dịch bệnh dễ phát sinh.
Về nguồn gốc của Tết Đoan Ngọ, theo truyền thuyết vào một vụ mùa bội thu, người nông dân ăn mừng vì trúng mùa. Thế nhưng sâu bọ năm ấy lại kéo đến đông đảo, ăn hết cây trái, thực phẩm đã thu hoạch được. Người dân rất lo lắng, đau đầu không biết cách gì để có thể giải quyết được nạn sâu bọ thì xuất hiện một ông lão xưng là Đôi Truân.
Ông chỉ cho dân chúng mỗi nhà lập một đàn cúng gồm những lễ vật đơn giản gồm bánh gio, trái cây, sau đó đi ra trước nhà mình vận động thể dục. Mọi người làm theo lời ông thì chỉ một lúc sau, sâu bọ đàn lũ té ngã rã rượi. Lão ông còn bảo thêm: Sâu bọ hàng năm vào ngày này rất hung hăng, mỗi năm vào đúng ngày này cứ làm theo những gì đã dặn thì sẽ trị được chúng.
Dân chúng biết ơn và để tưởng nhớ việc này, dân chúng đặt cho ngày này là ngày Tết “diệt sâu bọ", nhiều người gọi nó là Tết Đoan Ngọ vì giờ cúng thường vào giữa giờ Ngọ. Theo quan niệm của người xưa, ngày 5/5 âm lịch là thời điểm kết thúc vụ mùa, người dân làm lễ thắp hương tết Đoan ngọ để tạ ơn trời đất, tổ tiên.
Tết Đoan Ngọ tuỳ vào từng vùng miền sẽ có những lễ nghi, phong tục khác nhau.
Ý nghĩa ngày Tết Đoan Ngọ
Cùng với nguồn gốc thì ngày Tết Đoan Ngọ cũng có ý nghĩa quan trọng trong đời sống văn hoá, tâm linh của người dân Việt Nam. Trong ngày này người dân sẽ làm lễ cúng dâng Tết Đoan Ngọ nhằm mục đích phát động phong trào bắt sâu bọ, tiêu diệt các loài sâu bệnh gây hại cho cây trồng và cầu mong một vụ mùa bội thu.
Tết Đoan Ngọ tuỳ vào từng vùng miền sẽ có những lễ nghi, phong tục khác nhau nhưng đều là dịp để con cháu tìm về nguồn cội, nhớ ơn công đức tổ tiên. Vào Tết Đoan Ngọ, các gia đình thường chuẩn bị lễ vật cúng tổ tiên, thần linh. Bên cạnh đó những món ăn trong ngày Tết Đoan Ngọ cũng được người dân các địa phương chú trọng. Theo truyền thống của từng vùng miền, vào ngày này, ngoài hoa quả, những món ăn cũng sẽ khác nhau.
Tại Hà Nội và một số vùng của miền Bắc trong Tết Đoan Ngọ không thể thiếu rượu nếp, đặc biệt là rượu nếp cẩm. Theo quan niệm dân gian đây là thực phẩm giúp diệt ký sinh trùng trong cơ thể con người. Theo đó rượu nếp được ăn ngay khi vừa ngủ dậy thì rất hiệu nghiệm.
Rượu này chủ yếu là xôi còn nguyên hạt lên men, còn gọi là "cái". Người dân thường dùng các loại gạo nếp trắng và cẩm đồ thành xôi, để nguội rồi rắc men, ủ trong ba ngày. Thúng xôi ủ được đặt trên một chiếc chậu, hứng lấy nước rượu để khi ăn, trộn với cái, tạo vị ngọt, cay rất dễ chịu. Người già, con trẻ đều có thể ăn loại rượu này.
Tại miền Trung cơm rượu được làm từ phương pháp lên men cổ truyền. Đây là món tráng miệng, lại giúp dễ tiêu hóa nên đã được nhiều gia đình miền Trung tự chế biến trong bữa ăn. Cơm rượu nếp miền Trung thường có hình dáng vuông vức. Tại các tỉnh, TP của miền Nam, cơm rượu nếp được gọi là cơm rượu. Cơm rượu không để rời mà viên thành từng viên tròn trước khi ủ. Món cơm rượu ở miền Nam thường có nước tiết ra và cũng được pha thêm nước đường, rất ngon nếu ăn kèm với xôi vò giống như món xôi chè ở miền Bắc.
Trong đó, tại TP.Đà Nẵng, món không thể thiếu trên mâm cơm cúng là bánh ú tro. Nhà nào cũng mua từ ba bốn chục bánh trở lên trong ngày Tết Đoan Ngọ. Còn tại TP.HCM, vịt quay, lợn quay ngày này thường được người dân sử dụng nhiều hơn so với ngày thường.
Hương Liên
Bình luận