Hotline: 0941068156
Thứ năm, 21/11/2024 18:11
Thứ ba, 29/10/2024 06:10
TMO - Để đảm bảo an toàn công trình thuỷ lợi, đê điều trong mùa mưa lũ, phục vụ tưới tiêu, sản xuất nông nghiệp, tỉnh Tây Ninh yêu cầu các đơn vị trên địa bàn tăng cường kiểm tra, cải tạo các công trình thuỷ lợi, xử lý kịp thời những công trình hư hỏng, xuống cấp.
Những năm qua, cùng với nhiều chính sách ưu đãi cho doanh nghiệp để phát triển kinh tế, ở Tây Ninh, nhà nước đã đầu tư lớn vào hệ thống thủy lợi. Ngoài hồ Dầu Tiếng (nằm trải dài trên địa bàn 3 tỉnh Bình Dương, Bình Phước, Tây Ninh nhưng diện tích chủ yếu thuộc Tây Ninh), với sức chứa 1,58 tỷ m³ nước, còn có hồ Tha La (Tân Châu) dung tích 27,4 triệu m³ và một số hồ thủy lợi nhỏ khác.
Cùng với đó, Tây Ninh cũng xây dựng nhiều kênh thủy lợi để vận chuyển nước, với hơn 1.700 tuyến kênh. Tổng chiều dài các con kênh gộp lại lên đến gần 1.700km. Kênh đào không chỉ vận chuyển nước để sản xuất công, nông nghiệp mà còn phục vụ việc tưới tiêu trong mùa mưa lũ. Do đó, để đảm bảo an toàn cho công trình hồ thủy lợi mùa mưa bão, tỉnh Tây Ninh yêu cầu các đơn vị liên quan không chủ quan, lơ là, đồng thời rà soát, kiểm tra vùng xung yếu, kịp thời điều chỉnh phương án ứng phó thiên tai theo cấp độ rủi ro thiên tai phù hợp với tình hình thực tế của địa phương.
Đặc biệt, hệ thống công trình thủy lợi Dầu Tiếng-Phước Hòa hiện là công trình quan trọng, liên quan đến an ninh quốc gia. Theo Lãnh đạo chi nhánh Dầu Tiếng-Phước Hòa, thuộc đơn vị khai thác công trình thuỷ lợi miền Nam, hệ thống công trình thủy lợi Dầu Tiếng-Phước Hòa được thiết kế phục vụ khai thác đa mục tiêu.
Trong đó, hồ có nhiệm vụ cấp nước tưới cho 104.828 ha đất nông nghiệp; cấp 43,8 m3/s cho các ngành công nghiệp và sinh hoạt của Tây Ninh, Bình Dương, Bình Phước và Thành phố Hồ Chí Minh; đẩy mặn, hỗ trợ nguồn nước tưới cho 28.800 ha ven sông Sài Gòn và 32.317 ha ven sông Vàm Cỏ Đông; tận dụng lưu lượng xả môi trường, lượng nước qua cống lấy nước để phát điện với tổng công suất thiết kế là 20,5MW; tận dụng mặt nước, đất bán ngập để phát triển điện mặt trời với công suất 610MW.
Tỉnh Tây Ninh chú trọng công tác nâng cấp, cải tạo hệ thống thuỷ lợi trên địa bàn (Ảnh minh hoạ: Internet).
Đặc biệt, hồ Dầu Tiếng có vai trò cắt giảm lũ, cải thiện môi trường và chất lượng nguồn nước vùng hạ du sông Sài Gòn, sông Vàm Cỏ Đông; trồng rừng bán ngập; phát triển nuôi trồng thủy sản; khai thác tài nguyên khoáng sản...Với mục tiêu này, công tác đảm bảo an toàn đập, hồ chứa và vùng hạ du là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu trong công tác quản lý, khai thác và vận hành công trình. Theo đó, để đảm bảo chủ động ứng phó với mọi tình huống thiên tai, sự cố công trình, cần chuẩn bị đầy đủ theo phương châm “4 tại chỗ” (chỉ huy tại chỗ, nhân lực tại chỗ, vật tư tại chỗ và hậu cần tại chỗ) và “3 sẵn sàng” (chủ động phòng tránh, đối phó kịp thời, khắc phục khẩn trương và có hiệu quả).
Bên cạnh đó, chi nhánh Dầu Tiếng-Phước Hòa cũng đã xây dựng Kế hoạch vận hành mùa lũ năm 2024 trên cơ sở nhận định tình hình khí tượng thủy văn của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia và dự báo của Viện Quy hoạch Thủy lợi miền Nam; triển khai xây dựng hồ sơ lập phương án ứng phó thiên tai, bản đồ ngập lụt và phương án ứng phó với tình huống khẩn cấp hồ Dầu Tiếng trình Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phê duyệt.
Mặt khác, Dự án sửa chữa, nâng cấp hệ thống thủy lợi Dầu Tiếng (giai đoạn 2) đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phê duyệt với tổng vốn đầu tư trên 400,5 tỉ đồng (nguồn vốn đầu tư trung hạn ngân sách nhà nước giai đoạn 2021-2025 do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quản lý) đang được đơn vị triển khai. Các hạng mục gồm sửa chữa, gia cấp, chỉnh trang mặt đập chính.
Đồng thời sửa chữa, nâng cấp một số đoạn đập phụ; nâng cấp 3 đoạn kênh Tây, tràn xả lũ và cống dẫn dòng. Trong đó, đơn vị đã hoàn thành lắp đặt thay thế 3 cửa van đưa vào vận hành mùa lũ năm 2024, 3 cửa còn lại sẽ được hoàn thành trước ngày 30/6/2025. Ngoài ra, công ty cũng rà soát, bổ sung vật tư, thiết bị dự phòng, bảo đảm kịp thời sửa chữa, thay thế trong trường hợp có sự cố vận hành; lắp đặt các thiết bị quan trắc khí tượng thủy văn chuyên dùng như trạm đo mực nước hồ, trạm khí tượng khu vực đầu mối và trạm đo mưa, trạm đọc nước tự động.
Hệ thống thuỷ lợi hồ Dầu Tiếng. (Ảnh minh hoạ).
Toàn bộ đập chính, tràn xả lũ, cống điều tiết cũng được lắp đặt tổng cộng 42 camera giám sát. Tuy nhiên, theo Lãnh đạo đơn vị khai thác công trình thuỷ lợi miền Nam, công trình thủy lợi hồ Dầu Tiếng đã được xây dựng, đưa vào khai thác vận hành gần 40 năm chưa đánh giá tổng thể lưu vực, quy trình vận hành hiện nay vẫn còn một số bất cập như quy định về xả dòng chảy môi trường, quy định việc sử dụng dung tích phòng lũ...
Do đó, Công ty đã đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đầu tư kinh phí triển khai nhiệm vụ xây dựng đường đặc tính hiện trạng lòng hồ và đánh giá dung tích, khả năng bồi lắng lòng hồ chứa nước Dầu Tiếng. Để đảm bảo hành lang thoát lũ trên sông Sài Gòn khi hồ xả lũ, đơn vị khai thác công trình thuỷ lợi miền Nam đã đề nghị các tỉnh Bình Dương, Tây Ninh và Thành phố Hồ Chí Minh bổ sung quy hoạch hệ thống đê bao phòng lũ, rà soát, điều chỉnh quy hoạch các hoạt động nằm trong phạm vi hành lang thoát lũ theo phương án ứng phó thiên tai và phương án ứng phó với tình huống khẩn cấp hồ chứa nước Dầu Tiếng.
Đồng thời, đơn vị có giải pháp nạo vét, giải tỏa nhằm tăng cường khả năng thoát lũ, đảm bảo an toàn công trình hồ đập, hồ chứa và vùng hạ du, đặc biệt từ sau đập đến cầu Bến Súc (40km) với kịch bản hồ xả lũ với lưu lượng trên 600m3/s...Bên cạnh đó, các địa phương sớm triển khai Đề án phát triển tổng thể đa mục tiêu hồ Dầu Tiếng giai đoạn 2022-2030, tầm nhìn 2050 trình cấp có thẩm quyền phê duyệt; tăng cường công tác trồng rừng đầu nguồn, bán ngập để tăng độ che phủ, giảm bồi lắng, giảm dòng chảy lũ và tăng dòng chảy kiệt; kết hợp công tác phòng, chống thiên tai, tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ các hoạt động trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợị.
Các hoạt động được kiểm soát như khai thác khoáng sản, sản xuất điện mặt trời, nuôi cá lồng bè, xả thải, sản xuất nông nghiệp trên đất bán ngập trong lòng hồ, đảm bảo an ninh nguồn nước, an toàn đập, hồ chứa nước.
Lãnh đạo Ủy ban Nhân dân tỉnh Tây Ninh cho biết, thời gian tới, các đơn vị không được phép chủ quan, lơ là trong phòng, chống bão lũ, thiên tai; tập trung đánh giá mức độ an toàn công trình thủy lợi hồ Dầu Tiếng, hồ Tha La; tăng cường quản lý cơ sở hạ tầng, thủy lợi, hồ chứa đảm bảo tiêu thoát nước kịp thời khi có mưa lớn.
Với hệ thống công trình thủy lợi cơ bản hoàn chỉnh, đầy đủ và có ưu điểm lượng nước phong phú, dồi dào, Tây Ninh đã đảm bảo nhu cầu sử dụng nước phục vụ sản xuất nông nghiệp của người dân đã tạo nhiều điều kiện để nông dân Tây Ninh phát triển nông nghiệp, bên cạnh đó, giúp quá trình tiêu nước trong mùa mưa lũ được nhanh chóng, hạn chế ngập lụt, rủi ro trong mùa mưa bão.
Phạm An
Bình luận