Hotline: 0941068156
Thứ bảy, 23/11/2024 19:11
Thứ bảy, 10/06/2023 12:06
TMO - Để bảo đảm công tác phòng, chống cháy rừng đạt hiệu quả trong mùa nắng nóng, Chủ tịch UBND TP Hà Nội đề nghị Chủ tịch UBND các huyện, thị xã chỉ đạo sẵn sàng lực lượng, phương tiện theo phương châm “4 tại chỗ”, kịp thời triển khia huy động ngăn chặn và xử lý các tình huống cháy rừng mới phát sinh, không để cháy rừng lan rộng.
Thời gian qua, công tác bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng trên địa bàn Hà Nội luôn nhận được sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của Thành uỷ - HĐND thành phố, sự vào cuộc của các cấp sở ngành, chính quyền địa phương. Vì thế, ý thức trách nhiệm bảo vệ rừng của đa số các chủ rừng và người dân sống ven rừng cũng như khách thăm quan, du lịch đã được nâng lên rõ rệt. Các biện pháp bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng được triển khai đồng bộ, chủ động, quyết liệt từ thành phố đến cơ sở. Tuy nhiên, tình trạng xây dựng trái phép trên đất lâm nghiệp vẫn còn diễn ra tại một số địa phương. Trên địa bàn thành phố vẫn xảy ra cháy rừng, mặc dù các vụ cháy được đã được phát hiện sớm, chữa cháy kịp thời...
Theo đó, để hạn chế tới mức thấp nhất thiệt hại do các vụ cháy rừng gây ra, xử lý dứt điểm tình hình xây dựng trái phép trên đất lâm nghiệp, bảo vệ tài nguyên rừng và giữ gìn môi trường sinh thái của Thủ đô, UBND các huyện, thị xã có rừng quán triệt, chỉ đạo thực hiện nghiêm Công điện số 441/CĐ-TTg ngày 22-5-2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường các biện pháp cấp bách phòng cháy, chữa cháy rừng (PCCCR) và Chương trình hành động số 21-CT/TU ngày 14-5-2018 của Thành ủy Hà Nội về thực hiện Chỉ thị số 13-CT/TƯ ngày 12-1-2017 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng...
Công tác diễn tập ứng phó với các tình huống cháy rừng được các địa phương thường xuyên triển khai. Ảnh: TL.
Các địa phương, đơn vị thực hiện đầy đủ trách nhiệm quản lý nhà nước về lâm nghiệp theo quy định tại khoản 2, Điều 102 của Luật Lâm nghiệp; xác định công tác quản lý, bảo vệ rừng, PCCCR trên địa bàn là nhiệm vụ chính trị quan trọng, thường xuyên, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện. Củng cố, kiện toàn và tăng cường hoạt động của ban chỉ huy PCCCR tại địa phương; các tổ đội chuyên trách bảo vệ rừng rà soát, bố trí nguồn lực, nhân lực, vật tư, trang thiết bị, phương tiện chủ động, sẵn sàng tham gia chữa cháy rừng theo đúng phương châm "4 tại chỗ"; chỉ đạo lực lượng liên ngành phối hợp thực hiện hiệu quả công tác bảo vệ rừng, PCCCR tại địa phương.
Các sở, ngành, địa phương xây dựng kịch bản chủ động di dời nhân dân cùng tài sản, kho tàng của lực lượng vũ trang ra khỏi khu vực nguy hiểm, bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản của nhân dân và Nhà nước khi có cháy rừng diện rộng xảy ra; tổ chức bảo đảm lực lượng, vật tư, trang thiết bị và hậu cần, thường trực, sẵn sàng phối hợp các lực lượng ứng phó, xử lý các tình huống cấp bách trong bảo vệ rừng và PCCCR; bố trí phương tiện bảo đảm vận chuyển thiết bị chữa cháy và xây dựng lắp đặt hệ thống biển báo, biển cấm tại các khu vực rừng có nguy cơ cháy cao.
Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra, ngăn chặn kịp thời và xử lý nghiêm hành vi vi phạm pháp luật về lấn chiếm đất rừng, chặt phá cây rừng, san ủi, xây dựng trái phép trên đất lâm nghiệp và mua bán, sang nhượng đất lâm nghiệp trái phép. UBND các xã có rừng, các chủ rừng rà soát phương tiện, thiết bị PCCCR bảo đảm hoạt động hiệu quả; rà soát hoàn thiện phương án PCCCR theo phương châm "4 tại chỗ" nhằm kịp thời khống chế nhanh nhất các vụ cháy rừng, kiên quyết không để xảy ra cháy lớn; thường xuyên cập nhật, theo dõi thông tin cảnh báo cháy rừng, tổ chức thường trực 24/24 trong những ngày nắng nóng có cấp dự báo cháy rừng từ cấp III trở lên, thông tin cảnh báo cấp cháy rừng trên hệ thống loa phát thanh ở các xã có rừng.
Thường xuyên cập nhật, theo dõi thông tin cảnh báo cháy rừng, tổ chức thường trực 24/24h trong những ngày nắng nóng có cấp dự báo cháy rừng từ cấp III trở lên, thông tin cảnh báo cấp cháy rừng trên hệ thống loa phát thanh ở các xã có rừng, bố trí lực lượng canh phòng, kiểm soát chặt chẽ người vào những khu vực rừng có nguy cơ cháy cao; Thiết lập mạng thông tin liên lạc phục vụ hiệu quả công tác bảo vệ rừng, PCCCR, đặc biệt là công tác chỉ huy chữa cháy.
UBND thành phố yêu cầu UBND các huyện, thị xã sẵn sàng phương án phòng cháy chữa cháy rừng mùa nắng nóng.
Thành phố Hà Nội có hơn 27.100ha rừng và đất lâm nghiệp, trong đó diện tích rừng đặc dụng khoảng 11.000ha, rừng phòng hộ hơn 5.800ha, rừng sản xuất là 10.325ha..., phân bố ở 7 huyện, thị xã: Ba Vì, Sóc Sơn, Mỹ Đức, Sơn Tây, Chương Mỹ, Quốc Oai và Thạch Thất. Rừng ở Hà Nội chủ yếu là rừng trồng, với các loại cây, như: Thông, keo, bạch đàn nên có thảm thực bì dưới tán rừng phát triển mạnh, tiềm ẩn nguy cơ cháy rừng cao.
Số liệu thống kê cho thấy, từ đầu năm đến tháng 5/2023 trên địa bàn thành phố đã xảy ra 20 vụ cháy rừng, trong đó có 14 vụ xảy ra tại huyện Sóc Sơn, 3 vụ cháy tại huyện Thạch Thất, 2 vụ tại huyện Ba Vì và 1 vụ tại huyện Mỹ Đức. Tổng diện tích bị cháy khoảng 35,64ha, chủ yếu cháy thực bì, không gây thiệt hại lớn đến tài nguyên rừng. Nguyên nhân chính gây ra nhiều vụ cháy rừng ở Hà Nội từ đầu năm 2023 đến nay được xác định là do thời tiết khô hanh, nắng nóng kéo dài, một số địa phương như Sóc Sơn, Ba Vì, Thạch Thất có các khu du lịch sinh thái tự phát, hằng ngày đón lượng lớn du khách ra vào rừng, bất cẩn sử dụng lửa, gây cháy rừng.
Nhằm chủ động hạn chế những thiệt hại do cháy rừng nhất là trong mùa nắng nóng, UBND thành phố Hà Nội yêu cầu các sở, ban ngành căn cứ chức năng và các chủ rừng trên địa bàn thành phố chủ động triển khai kịp thời, nghiêm túc, hiệu quả các biện pháp bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng, ngăn chặn, hạn chế tới mức thấp nhất thiệt hại do các vụ cháy rừng gây ra; xử lý dứt điểm tình hình xây dựng trái phép trên đất lâm nghiệp, bảo vệ tài nguyên rừng và giữ gìn môi trường sinh thái của Thủ đô.
Ngọc Minh
Bình luận