Hotline: 0941068156
Thứ bảy, 23/11/2024 16:11
Thứ sáu, 08/12/2023 14:12
TMO - Với tiềm năng về tài nguyên thiên nhiên, con người, văn hóa và nguồn lực, tỉnh Hòa Bình các điều kiện và cơ hội để khai thác, phát triển kinh tế dưới tán rừng, tạo sinh kế bền vững để nâng cao hiệu quả công tác bảo vệ, phát triển rừng tại địa phương.
Tỉnh Hòa Bình có nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển lâm nghiệp. Trong những năm qua, nhằm nâng cao giá trị của rừng, địa phương này đã ban hành nghị quyết, xây dựng đề án hỗ trợ phát triển kinh tế rừng. Theo báo cáo, tỉnh Hòa Bình có trên 467 nghìn ha rừng tự nhiên, trong đó, phần lớn diện tích rừng và đất rừng trên địa bàn tỉnh là các khu bảo tồn thiên nhiên và rừng phòng hộ, có vị trí quan trọng giữ gìn môi trường và là nguồn sinh thủy cho Thủy điện Hòa Bình.
Hàng năm, tỉnh đưa vào kế hoạch bảo vệ 75.000 ha rừng tự nhiên và rừng trồng, khoanh nuôi tái sinh khoảng 2.500 ha, chăm sóc rừng trồng gần 13.000 ha, trồng mới từ 7.000 - 8.000 ha rừng kinh tế. Diện tích quy hoạch cho lâm nghiệp 298 nghìn ha, chiếm 64,66%. Diện tích quy hoạch rừng sản xuất trên 149 nghìn ha, chiếm 51,70% tổng diện tích quy hoạch lâm nghiệp, bao gồm: rừng tự nhiên hơn 28 nghìn ha, rừng trồng trên 69 nghìn ha, đất trống gần 52 nghìn ha, độ che phủ rừng tăng hàng năm và hiện đạt trên 50%.
Sinh kế bền vững là giải pháp quan trọng trong việc huy động cộng đồng tham gia công tác bảo vệ, phát triển rừng hiệu quả trên địa bàn tỉnh.
Diện tích rừng đặc dụng, rừng phòng hộ sông Đà của tỉnh chiếm tỷ lệ khá lớn, tập trung chủ yếu tại các huyện: Đà Bắc, Lạc Sơn, Mai Châu trong các Khu bảo tồn thiên nhiên Pu Canh, Ngọc Lâu - Ngổ Luông, Thượng Tiến… Những khu rừng đặc dụng nằm xen kẽ với các thôn, bản và nhiều diện tích đã được các đơn vị quản lý giao khoán cho người dân bảo vệ với mức kinh phí 150 nghìn đồng/ ha/năm. Tỉnh cũng có chính sách hỗ trợ cây, con giống, tập huấn khoa học kỹ thuật và hỗ trợ mỗi thôn, bản vùngđệm để xây dựng đường, cầu cống, nhà văn hóa...
Với cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ, đa dạng về hệ sinh thái rừng cùng sự độc đáo trong bản sắc văn hóa dân tộc Thái, Mường, Dao, Mông…, một số địa phương đã khai thác tiềm năng để phát triển du lịch như: du lịch cộng đồng, du lịch nghỉ dưỡng, du lịch sinh thái gắn với di tích lịch sử và văn hóa tâm linh. Một số địa điểm du lịch cộng đồng tại xã Pà Cò, Hang Kia (Mai Châu); Đá Bia, Hiền Lương, xóm Sưng (Đà Bắc) tổ chức cho du khách trải nghiệm, khám phá những khu rừng nguyên sinh hùng vĩ.
Để bảo vệ rừng gắn với tạo sinh kế cho người dân, hạn chế tình trạng khai thác và buôn bán nguồn tài nguyên dược liệu quá mức, Sở NN&PTNT phối hợp với cơ quan chức năng và các địa phương trong tỉnh chú trọng phát triển các dự án về trồng cây dược liệu dưới tán rừng, trồng mới, cải tạo và thâm canh cây ăn quả đặc sản phù hợp với địa phương. Trong đó, tại các huyện Kim Bôi, Mai Châu, người dân đã phát triển một số loại dược liệu quý dưới tán rừng và một số loại đặc sản như nấm linh chi, giảo cổ lam, nấm hương…
Thực hiện giải pháp trên, người dân tại các xã vùng lõi, vùng đệm đã thành lập các tổ hợp tác, HTX trồng và chế biến dược liệu. Bà con không chỉ khai thác mà còn đưa dược liệu về trồng trong vườn nhà. Từ lợi ích thu được, người dân càng có ý thức, đồng lòng bảo vệ rừng và khai thác hiệu quả phụ phẩm từ rừng.
Với diện tích tự nhiên 4,6 nghìn km2 và khí hậu đặc trưng của vùng nhiệt đới gió mùa, Hòa Bình là tỉnh có điều kiện thời tiết khá thuận lợi cho phát triển nông nghiệp nói chung, trồng cây dược liệu nói riêng; đặc biệt là tiềm năng hình thành các vùng sản xuất dược liệu tập trung và bảo tồn, khai thác, phát triển những cây dược liệu tự nhiên, giá trị lớn, quý hiếm. Theo đó, các địa phương trong tỉnh cũng quan tâm và từng bước phát triển các loại cây dược liệu phù hợp cho hiệu quả kinh tế cao.
Chính sách hỗ trợ người dân phát triển cây dược liệu dưới tán rừng, nâng cao kinh tế được địa phương đẩy mạnh triển khai.
Để thực hiện hiệu quả Đề án hỗ trợ phát triển bền vững rừng sản xuất tỉnh Hòa Bình giai đoạn 2020 - 2025, định hướng đến năm 2035, tỉnh đã đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền các chính sách, tạo chuyển biến tích cực về nhận thức và hành động trong cán bộ, nhân dân. Tổ chức bình tuyển cây đầu dòng, hỗ trợ sản xuất cây giống nuôi cấy mô; hỗ trợ giống chất lượng cao và phân bón. Hỗ trợ lãi suất vay vốn ngân hàng để đầu tư thâm canh rừng và kéo dài chu kỳ sản xuất, kinh doanh rừng gỗ lớn. Chuyển hóa sản xuất, kinh doanh rừng trồng gỗ nhỏ sang sản xuất, kinh doanh rừng trồng gỗ lớn.
Đào tạo, nâng cao năng lực cho người trồng rừng. Thu hút đầu tư liên kết trồng rừng, khai thác rừng, thu mua nguyên liệu, chế biến và tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị; liên kết chặt chẽ giữa doanh nghiệp chế biến với hợp tác xã và chủ rừng; tạo vùng nguyên liệu ổn định gắn với quy hoạch chế biến gỗ. Đẩy mạnh trồng rừng, phát triển rừng sản xuất gắn với phát triển cây dược liệu dưới tán rừng và các hoạt động du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí khai thác du lịch sinh thái theo quy định, sản xuất tín chỉ cacbon.
Những năm qua, ngành lâm nghiệp ở nước ta đã có những đóng góp vô cùng quan trọng với mục tiêu chung là phát huy chức năng phòng hộ của rừng, ứng phó với biến đổi khí hậu, giảm nhẹ thiên tai, bảo tồn đa dạng sinh học, góp phần phát triển kinh tế - xã hội và củng cố quốc phòng, an ninh quốc gia; cùng với đó đã chủ động, tích cực tham gia và thực hiện các cam kết quốc tế về ứng phó với biến đổi khí hậu.
Không những thế, ngành lâm nghiệp còn góp phần tạo sinh kế, thu nhập ổn định cho người dân. Đến nay, ước tính có khoảng 25 triệu người với trên 12 triệu là đồng bào dân tộc thiểu số đang sống gần rừng hàng ngày được hưởng lợi trực tiếp hoặc gián tiếp từ rừng. Ngoài ra hoạt động lâm nghiệp còn được thực hiện tại các khu công nghiệp chế biến lâm sản, các làng nghề sử dụng các nguyên liệu từ rừng để chế biến lâm sản.
Năm 2022, giá trị xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đạt 17,09 tỷ USD, xuất siêu đạt 14,07 tỷ USD. 11 tháng năm 2023, giá trị xuất khẩu gỗ và lâm sản đạt khoảng 12,97 tỷ USD, xuất siêu 10,98 tỷ USD. Những con số này cho thấy những đóng góp quan trọng của ngành lâm nghiệp cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, đảm bảo sinh kế của người dân cũng như bảo vệ môi trường.
Hồng Nhung
Bình luận