Hotline: 0941068156
Thứ hai, 25/11/2024 17:11
Thứ tư, 15/03/2023 12:03
TMO - Đắk Lắk hiện là thủ phủ cà phê của vùng Tây Nguyên nói riêng và cả nước nói chung với diện tích khoảng 213.000 ha (chiếm trên 30% diện tích cả nước), năng suất bình quân đạt 28 tạ/ha, sản lượng đạt khoảng 558.000 tấn cà phê nhân.
Cà phê là sản phẩm nông nghiệp chủ lực trong cơ cấu kinh tế của các tỉnh khu vực Tây Nguyên. Riêng tỉnh Đắk Lắk, giá trị xuất khẩu đạt gần 900 triệu USD/năm chiếm khoảng 55% kim ngạch xuất khẩu của tỉnh và chiếm 21% kim ngạch xuất khẩu cà phê của cả nước. Xác định cây cà phê là thế mạnh trong cơ cấu kinh tế tỉnh Đắk Lắk, quan điểm của tỉnh này là không tăng diện tích cà phê, tập trung tái canh theo kế hoạch và thực hiện phát triển cà phê theo hướng xanh bền vững ở cả 3 khía cạnh kinh tế, xã hội và môi trường. Trong đó, phát triển cà phê chất lượng cao, xây dựng vùng nguyên liệu tập trung có chứng nhận và truy xuất nguồn gốc, liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, thu hút đầu tư vào hoạt động chế biến sâu, tìm kiếm thị trường mới được xem là định hướng quan trong việc nâng cao giá trị ngành hàng cà phê trong những giai đoạn tới.
(Ảnh minh hoạ)
Với những tiềm năng, lợi thế đã được chỉ ra, tỉnh Đắk Lắk nói riêng và các tỉnh trong vùng Tây Nguyên nói chung cần nhìn nhận như là cơ hội cho các doanh nghiệp sản xuất, chế biến, xuất khẩu cà phê thay đổi cách nhìn về một nền nông nghiệp phát triển xanh và bền vững. Quan tâm đến thách thức của Việt Nam khi phải giải quyết hài hòa giữa phát triển kinh tế - sinh thái - môi trường trong quá trình xây dựng ngành hàng cà phê Việt Nam chất lượng cao gắn với tăng trưởng xanh và phát triển bền vững.
Các chuyên gia cho rằng, ngoài việc hợp pháp trong kinh doanh chế biến cà phê, sản phẩm cà phê chất lượng cao cần đáp ứng những tiêu chuẩn quốc tế về bảo vệ môi trường cũng như trách nhiệm xã hội, liên quan đến sử dụng lao động và yếu tố sử dụng năng lượng tái tạo năng lượng xanh, giảm thiểu carbon. Do đó, các chuyên gia kiến nghị các địa phương, doang nghiệp và người sản xuất cà phê cần nhìn nhận việc tăng giá trị cà phê không chỉ ở chế biến tinh, mà còn là giá trị văn hóa tiêu dùng. Cần xây dựng văn hóa cà phê Việt Nam để dẫn dắt ngành hàng cà phê trở thành một hướng đi tích hợp đa giá trị, mang tính nhân văn, để người trồng cà phê được chia sẻ giá trị nhiều nhất trong chuỗi giá trị ngành hàng. Văn hoá cà phê Việt Nam bắt đầu từ người nông dân, tới các doanh nghiệp và các nhà phân phối để cộng hưởng thành một hình ảnh. Thu hút nhiều người đến Tây Nguyên hơn, đồng thời đưa Tây Nguyên đi xa hơn bằng thương hiệu chung cà phê Việt Nam.
Hoài An
Bình luận