Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 15/12/2024 02:12
Thứ sáu, 18/10/2024 06:10
TMO - Nhiều di tích văn hoá lịch sử trên địa bàn tỉnh Phú Thọ đã được các cấp bộ, đoàn triển khai số hóa, ứng dụng công nghệ số nhằm quảng bá rộng rãi các điểm di tích, đồng thời tạo sự hấp dẫn, thu hút du khách tới thăm quan, tìm hiểu.
Phú Thọ – vùng Đất Tổ, miền đất cội nguồn dân tộc, nơi đây lưu giữ nhiều di sản văn hóa truyền thống gắn liền với chiều dài lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc, Phú Thọ hiện có khoảng 1.372 di sản văn hóa vật thể và phi vật thể được lưu giữ, trong đó 326 di tích lịch sử văn hóa được Nhà nước xếp hạng, 345 di tích thờ Hùng Vương và các nhân vật thời Hùng Vương, 30 di tích liên quan đến Hát Xoan, 5 bảo vật Quốc gia.
Toàn tỉnh có trên 650 di sản văn hóa phi vật thể (DSVHPVT) đã được kiểm kê, nhận diện và phân loại, trong đó nhiều lễ hội đã trở thành biểu tượng văn hóa tâm linh. Trong bối cảnh công nghệ số ngày càng phát triển, tỉnh Phú Thọ đã tích cực số hoá, chuyển đổi số tại các Khu di tích lịch sử, địa chỉ đỏ nhằm quảng bá và tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, du khách khi thăm quan.
Tại địa chỉ “Cây đa lịch sử”, thuộc phường Âu Cơ, thị xã Phú Thọ là minh chứng chứng kiến những thời khắc thiêng liêng nhất của thị xã Phú Thọ anh hùng. Trong ngày Quốc tế lao động 1/5/1940, lá cờ Đảng lần đầu tiên được treo trên cây đa, ghi dấu ấn quan trọng, thể hiện sự lãnh đạo của Đảng trong tiến trình cách mạng của thị xã.
Ngày 25/8/1945, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Nhân dân thị xã đã khởi nghĩa giành chính quyền thắng lợi, đánh dấu mốc son chói lọi trong lịch sử thị xã Phú Thọ. Nhân dân thị xã gọi cây đa ấy là “Cây đa lịch sử” để khắc ghi sự kiện quan trọng này. Nhằm giới thiệu, quảng bá những giá trị lịch sử của “Cây đa lịch sử’, Thị đoàn Phú Thọ thực hiện công trình thanh niên “Tuổi trẻ Đất Tổ chuyển đổi số di tích lịch sử, văn hóa, địa chỉ đỏ”, gắn mã QR Code tại di tích “Cây đa lịch sử”. Công trình được xây dựng dựa trên tích hợp hình ảnh, thông tin giới thiệu về di tích trong mã QR Code. Ứng dụng quét mã QR Code tại các di tích lịch sử, địa chỉ đỏ là sự sáng tạo trong công tác quảng bá điểm đến, mang lại hiệu quả thiết thực đối với du khách.
Chỉ với một chiếc điện thoại thông minh (smartphone) được kết nối internet, ngay sau khi quét mã QR Code, người dân và du khách có thể dễ dàng tìm hiểu thông tin giới thiệu, quảng bá về địa điểm tương ứng với mỗi mã QR được quét trên website https://www.ditichphutho.vn. Đến nay, đã có nhiều di tích được Đoàn thanh niên các địa phương triển khai công trình thanh niên chuyển đổi số như: Đền Mẫu Âu Cơ, huyện Hạ Hòa; Căn cứ Tiên Động, huyện Cẩm Khê; Căn cứ Tôn Sơn Mộ Xuân, huyện Yên Lập; Chùa Hoàng Long, huyện Phù Ninh; Đền Du Yến, huyện Thanh Ba; Đình Đào Xá, huyện Thanh Thủy;...
Đoàn thanh niên quét mã QR tại "cây đa lịch sử" để tìm hiểu thông tin chi tiết. (Ảnh: BPT).
Thông tin từ một số người dân cho biết, với mong muốn tìm hiểu về lịch sử tỉnh Phú Thọ, nên họ thường đến các địa chỉ đỏ trên địa bàn tỉnh để tham quan, tìm hiểu. Trước đây, khi đến các địa chỉ đỏ, người dân thường được hướng dẫn viên hoặc người trông coi di tích giới thiệu, thuyết minh. Tuy nhiên, từ khi Đoàn thanh niên các cấp triển khai số hóa địa chỉ đỏ, người dân có thể biết được toàn bộ thông tin về di tích, địa chỉ đỏ rất đơn giản, nhanh chóng, chính xác. Điều đó cho thấy, việc số hoá đã mang lại những lợi ích, hiệu quả cho người dân khi tham quan những Khu di tích lịch sử.
Với những kết quả ấy, những công trình “Tuổi trẻ Đất Tổ chuyển đổi số di tích lịch sử, văn hóa, địa chỉ đỏ” đã góp phần tuyên truyền, quảng bá du lịch theo hướng thông minh, mang lại hiệu quả thiết thực đối với du khách. Để tích hợp đầy đủ, chính xác các thông tin trên QR Code, Tỉnh đoàn - Hội LHTN tỉnh đã chỉ đạo các đơn vị dành nhiều thời gian nghiên cứu, tìm hiểu, đối chiếu với sách, tư liệu chính thống để soạn thảo thông tin, hình ảnh chính xác, phù hợp để cung cấp cho Nhân dân.
Lãnh đạo Bí thư Tỉnh đoàn Phú Thọ cho biết, việc số hóa tại các di tích văn hóa, lịch sử thể hiện tinh thần xung kích của tuổi trẻ Đất Tổ trong chuyển đổi số, đồng thời giáo dục tinh thần cách mạng cho thế hệ trẻ. Đây là hình thức cung cấp thông tin, hình ảnh, tài liệu về di tích, địa danh lịch sử tới người dân, du khách một cách nhanh chóng, sinh động, hiệu quả.
Ngoài việc sử dụng các mã quét QR, nhiều phương thức tuyên truyền đã được thực hiện hiệu quả đã góp phần bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa vùng Đất Tổ. Phát huy hoạt động của công nghệ số, triển khai ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số vào hoạt động quảng bá di sản văn hóa, xây dựng hệ thống mã QR nhanh chóng đáp ứng nhu cầu tìm hiểu thông tin của du khách.
Trong thời gian tới tỉnh Phú Thọ sẽ tiếp tục duy trì và hoàn thiện website: https://www.ditichphutho.vn đăng tải thông tin di tích lịch sử văn hoá, địa chỉ đỏ trên địa bàn tỉnh; đồng thời đẩy mạnh xây dựng mô hình thanh niên tham gia chuyển đổi số phục vụ công tác quảng bá, giới thiệu các địa chỉ đỏ, địa chỉ văn hóa, du lịch tâm linh trên địa bàn.
Mạnh Tường
Bình luận