Hotline: 0941068156
Thứ hai, 20/01/2025 20:01
Chủ nhật, 27/08/2023 07:08
TMO - Đảm bảo không đứt gãy chuỗi cung ứng năng lượng trong năm 2024 là nhiệm vụ quan trọng đã được Bộ Công Thương đặt ra. Để thực hiện mục tiêu này, nhiều giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho doanh nghiệp.
Theo báo cáo của Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN), điện sản xuất và nhập khẩu toàn hệ thống 7 tháng đầu năm 2023 đạt 160,58 tỉ kWh, tăng 1,8% so với cùng kỳ năm 2022, trong đó sản lượng điện than tăng 25%, bù đắp cho sản lượng thủy điện giảm 30% do điều kiện thời tiết không thuận lợi. Cùng với đó, sản lượng điện từ nhiệt điện khí tăng 3,6%, còn sản lượng điện từ nhiệt điện dầu tăng gần gấp đôi.Sản lượng điện mặt trời và điện gió tăng 0,2%. Trong khi đó nhập khẩu điện tăng 37% để giải quyết tình trạng thiếu điện thời gian qua.
Về tình hình cung ứng điện năm 2024, 2025, theo tính toán, dự báo phụ tải tiếp tục tăng cao, dự báo bình quân 9%/năm, tương ứng công suất tăng 4.000 – 4.500MW/năm. Trong khi đó, nguồn điện dự kiến đưa vào vận hành đạt 1.950MW (2024) và 3.770MW (2025), tập trung chủ yến tại khu vực miền Trung và miền Nam. Công suất dự phòng của hệ thống điện miền Bắc thấp; nhu cầu điện cho miền Bắc tăng trưởng 10%/năm; thiếu công suất đỉnh ở một số thời điểm nắng nóng tháng 6, 7/2024, dự báo thiếu từ 420 MW – 1.770MW.
Để đảm bảo cân đối cung – cầu điện năm 2024, EVN đã tính toán cân đối cung – cầu điện với nhu cầu điện tăng trưởng 8,96% so với năm 2023 và 02 kịch bản lưu lượng nước về các hồ thủy điện. Theo kịch bản 1, nước về các hồ thủy điện ở mức bình thường (tương ứng tần suất 65%)...Với kịch bản 2, trong tình huống cực đoan, lưu lượng nước về kém như đã diễn ra trong năm 2023 và tương ứng tần suất khoảng 90%.
Trong kịch bản lưu lượng nước về các hồ thủy điện bình thường, hệ thống điện quốc gia về cơ bản sẽ đáp ứng cung ứng điện. Tuy nhiên, do công suất dự phòng của hệ thống điện miền Bắc thấp nên vẫn phải đối mặt với tình trạng căng thẳng về công suất đỉnh tại một số thời điểm trong ngày của các tháng nắng nóng. Trường hợp lưu lượng nước về cực đoan như mùa khô năm 2023, việc đảm bảo cung cấp điện đặc biệt đối với khu vực miền Bắc sẽ gặp khó khăn hơn, có thể xuất hiện tình trạng thiếu công suất (khoảng 420 đến khoảng 1.770MW) trong một số giờ cao điểm của tháng 6 và 7. Khi đó cần thực hiện dịch chuyển biểu đồ sử dụng điện hàng ngày của một số khách hàng sử dụng nhiều điện năng sang thời điểm ngoài cao điểm đồng thời tăng cường tiết kiệm điện.
EVN đưa ra 2 kịch bản lưu lượng nước về các hồ thủy điện nhằm đảm bảo cân đối cung cầu điện trong năm 2024.
Cùng với đó, EVN đã làm việc với các đơn vị liên quan để đảm bảo đủ nhiên liệu cho sản xuất điện theo nhu cầu của hệ thống. theo tính toán cung cầu năng lượng giai đoạn 2024-2030, dự kiến các nhà máy của EVN sẽ được huy động rất cao khoảng 40-42 tỷ kWh/năm, tương ứng với khối lượng than là 27,2-28 triệu tấn, vượt quá khả năng cấp trong hợp đồng dài hạn. Do đó, cần phải bổ sung thêm than cho vận hành các nhà máy điện than hiện hữu, đáp ứng nhu cầu huy động trong các năm giai đoạn 2024-2030.
Để đảm bảo nhiên liệu than năm 2024 và các năm tiếp theo, hiện nay EVN đang làm việc với Tập đoàn Công nghiệp Than-Khoáng sản Việt Nam và Tổng Công ty Đông Bắc, đảm bảo cung cấp toàn bộ than cho sản xuất điện của các nhà máy sử dụng than antraxit của EVN và các EVNGENCO từ 1/1/2024 đảm bảo đủ nhu cầu vận hành và chất lượng theo yêu cầu của bên mua. Qua đó nâng tổng khối lượng than cung cấp hàng năm trong hợp đồng dài hạn hiện hữu lên khoảng 27-28 triệu tấn, đáp ứng nhu cầu huy động trong thời gian tới.
Theo Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên, bảo đảm an ninh năng lượng, nhất là bảo đảm cung ứng điện, than, xăng dầu, khí đốt phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh và sinh hoạt của nhân dân là nhiệm vụ chính trị quan trọng hàng đầu. Dự báo thời gian tới, thị trường thế giới về nguyên, nhiên liệu sơ cấp, đầu vào của sản xuất vẫn tiềm ẩn những nguy cơ bất ổn, trong khi nhu cầu sử dụng năng lượng được dự báo sẽ tiếp tục tăng cao theo diễn biến tăng trưởng kinh tế thế giới và trong nước; tình hình thiên tai, biến đổi khí hậu diễn biến phức tạp, khó lường.
Trong bối cảnh đó, để đạt được các mục tiêu, yêu cầu mà Đảng, Nhà nước đặt ra, Bộ trưởng yêu cầu phải thực hiện được ba nhiệm vụ chính: Một là, không được để thiếu điện, thiếu than, xăng dầu và khí đốt cho nền kinh tế trong mọi tình huống; Hai là, các Tập đoàn, Tổng công ty nhà nước trong lĩnh vực năng lượng phải tăng cường hơn nữa sự hợp tác và chia sẻ; Ba là, các cơ quan chức năng của Bộ Công Thương, Ủy ban quản lý vốn chịu trách nhiệm chính trong việc tham mưu về cơ chế, chính sách, đôn đốc, kiểm tra, giám sát các doanh nghiệp, Tập đoàn kinh tế, Tổng công ty Nhà nước trong lĩnh vực năng lượng trong việc tuân thủ pháp luật, cũng như thực hiện các chỉ đạo, điều hành của Chính Phủ, Bộ Công Thương
Để thực hiện được các nhiệm vụ trên, Bộ trưởng chỉ đạo, giao nhiệm vụ cụ thể đối với từng đơn vị, Tập đoàn, Tổng công ty, cụ thể: Đối với Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đề nghị, Tập đoàn khắc phục triệt để những hư hỏng, sự cố các nhà máy, tổ máy (nhiệt điện, thủy điện) trong phạm vi quản lý, bảo đảm các nhà máy đủ khả năng hoạt động tối đa công suất. Đẩy mạnh tiến độ xây dựng, hoàn thành các công trình dự án về nguồn, lưới điện truyền tải, không để chậm các dự án nguồn hòa lưới, các dự án truyển tải làm hạn chế năng lực giải tỏa công suất của các nhà máy. Khẩn trương đàm phán giá để huy động các dự án chuyển tiếp, cũng như đàm phán, ký kết hợp đồng mua bán điện đối với các dự án điện khác theo quy định của pháp luật.
Tăng cường kiểm tra, giám sát và yêu các nhà máy trực thuộc bảo đảm đủ các nguyên, nhiên vật liệu để hoạt động theo quy định; tích cực hơn nữa trong việc tham mưu và phối hợp với các cơ quan chức năng trong việc xây dựng các khung giá cho các loại hình điện năng, các định mức, phương thức mua bán điện trực tiếp, huy động, kinh doanh, dự trữ...Phối hợp với Trung tâm điều độ Hệ thống điện quốc gia (A0) trong vận hành hệ thống điện, đồng thời nỗ lực trong tuyên truyền, vận động những khách hàng lớn điều chỉnh biểu đồ sử dụng điện trong giờ cao điểm, góp phần điều hòa sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả....
Bộ Công Thương yêu cầu phải đảm bảo cung cấp than, khí cho sản xuất điện.
Đối với Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) và Tổng Công ty Than Đông Bắc, Bộ trưởng chỉ đạo tuyệt đối tuân thủ biểu đồ cung cấp than và chỉ thị của Chính phủ về cung ứng than cho phát điện; tăng năng lực khai thác để đảm bảo nguồn cung cho các hợp đồng đã ký. Khẩn trương tháo gỡ khó khăn để được cấp phép, gia hạn tăng sản lượng khai thác tại một số mỏ của mình;
Chủ động nhập đủ nguồn than phục vụ cho nhu cầu phát điện, cho các nhu cầu khác của nền kinh tế theo các hợp đồng đã ký và sẵn sàng đáp ứng đủ nhu cầu của thị trường. Riêng đối với TKV, vì có một số nhà máy điện nên Bộ trưởng yêu cầu cần chú ý việc chỉ đạo kiểm tra, giám sát các đơn vị của mình để các nhà máy luôn sẵn sàng nguyên liệu, nhiên liệu cho phát điện, kịp thời sửa chữa sự cố của các nhà máy (nếu có) để sẵn sàng phát tối đa công suất của các nhà máy.
Đối với Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên yêu cầu cần tăng năng lực khai thác và chế biến sản phẩm dầu khí phục vụ nhu cầu phát điện và nhu cầu của nền kinh tế, kể cả nguồn nguyên liệu thô và thành phẩm cho thị trường theo đúng sản lượng, khối lượng đã cam kết và các hợp đồng đã ký; Chỉ đạo các nhà máy điện thuộc phạm vi quản lý chú trọng việc vận hành an toàn, hiệu quả, kịp thời sửa chữa hư hỏng, sự cố (nếu có), nhập đủ vật tư nguyên liệu sơ cấp cho phát điện theo Chỉ thị 29 của Thủ tướng Chính phủ và theo biểu đồ cung cấp than cho điện của Bộ Công Thương đã phê duyệt.
Chủ động nhập khẩu xăng dầu thành phẩm theo cam kết, sản lượng sản xuất và sản lượng bao tiêu của nhà máy Nghi Sơn; Khẩn trương nghiên cứu, đề xuất cấp có thẩm quyền xử lý dứt điểm những vướng mắc, tồn tại của liên doanh lọc hóa dầu Nghi Sơn, kể cả việc tái cơ cấu doanh nghiệp cũng như tái cơ cấu tài chính để bảo đảm hoạt động có hiệu quả; Đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án mở rộng công suất Nhà máy Lọc hóa dầu Bình Sơn; chủ động nghiên cứu, đề xuất chính thức với Chính phủ, Quốc hội về việc triển khai thí điểm tổ hợp điện gió ngoài khơi trong kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII và triển khai nghiên cứu đề án điều chế sản xuất sạch (Hydrogen, Amoniac xanh …).
Đối với các Cơ quan đơn vị thuộc Bộ và Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên yêu cầu các đơn vị theo chức năng, nhiệm vụ được giao cần tăng cường quản lý, giám sát hoạt động của các Tập đoàn, Tổng công ty theo quy định của Luật và chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Công Thương, Ủy ban quản lý vốn. Bên cạnh đó, tiếp tục tham mưu, giải quyết những kiến nghị đề xuất của các Tập đoàn, Tổng Công ty tại các kỳ họp trước và kỳ họp này để kịp thời kiến nghị Lãnh đạo Bộ, UBQLV chỉ đạo giải quyết những vấn đề phát sinh. Chủ động phối hợp với các đơn vị, Tập đoàn, Tổng công ty trong lĩnh vực năng lượng làm tốt công tác truyền thông về năng lượng, chuyển đổi năng lượng, tiết kiệm năng lượng…
Ngoài ra, khẩn trương rà soát sửa đổi Quyết định số 24/2017/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về giá bán lẻ điện bình quân và Quyết định số 28/2014/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về cơ cấu biểu giá bán lẻ điện cho sản xuất và kinh doanh; khung giá của các loại hình điện năng, nhất là điện rác, điện sinh khối, các nguồn điện năng lượng tái tạo; định mức bảo quản xăng dầu; khẩn trương tiếp thu, hoàn thiện dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định số 83/2014/NĐ-CP và Nghị định số 95/2021/NQ-CP của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu để trình Chính phủ ban hành.
Đặc biệt, việc phối hợp giữa các Bộ, Ngành trong việc cập nhật kịp thời, đầy đủ chi phí thực tế phát sinh trong cơ cấu bán lẻ của xăng dầu hay trong cơ cấu giá bán của các loại nhiên liệu trong lĩnh vực năng lượng để bảo đảm các doanh nghiệp kinh doanh tuân thủ pháp luật nhưng vẫn bảo đảm hiệu quả sản xuất kinh doanh theo quy luật thị trường.
Hoàng Hà
Bình luận