Hotline: 0941068156
Thứ bảy, 18/01/2025 08:01
Thứ ba, 14/01/2025 06:01
TMO - Nhằm quản lý tốt hơn trong lĩnh vực khoáng sản, đóng góp nhiều hơn vào sự phát triển kinh tế - xã hội, huyện Ea Kar (tỉnh Đắk Lắk) đã tăng cường công tác quản lý thăm dò, khai thác, tiêu thụ tài nguyên khoáng sản. Đồng thời tích cực bảo vệ khoáng sản chưa khai thác trên địa bàn huyện.
Theo thống kê của Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Ea Kar (tỉnh Đắk Lắk), hiện nay trên địa bàn huyện Ea Kar có 10 doanh nghiệp được cấp giấy phép khai thác khoáng sản (11 giấy phép). Trong đó, có 3 giấy phép khai thác cát xây dựng, tổng công suất khai thác 88.000 m3/năm; 7 giấy phép khai thác đá, tổng công suất khai thác 412.160 m3/năm; 1 giấy phép khai thác đất, trữ lượng khai thác 65.506 m3 đất nguyên khai.
Ngoài ra, còn có 3 doanh nghiệp được UBND tỉnh cho phép khai thác khoáng sản cát, đá (3 mỏ đá với trữ lượng khai thác 2.237.730 m3 nguyên khai, 1 mỏ cát, trữ lượng khai thác 62.886 m3 nguyên khai) làm vật liệu xây dựng thông thường cung cấp cho Dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột giai đoạn 1. Với việc tăng cường công tác quản lý, ý thức chấp hành pháp luật của các doanh nghiệp được cấp phép khai thác khoáng sản được nâng lên, các hoạt động khai thác, chế biến, vận chuyển khoáng sản trên địa bàn huyện Ea Kar đã đi vào nền nếp. Đơn cử, tại địa bàn xã Ea Păl, theo Lãnh đạo UBND xã Ea Păl cho biết, trước đây trên địa bàn xã có 1 mỏ đá và 1 mỏ đất được cấp phép khai thác.
Xã là đơn vị trực tiếp thực hiện các biện pháp bảo vệ tài nguyên khoáng sản chưa khai thác, giám sát việc chấp hành pháp luật của các doanh nghiệp hoạt động khai thác khoáng sản trên địa bàn. Để làm tốt nhiệm vụ này, trong những năm qua, xã đều cụ thể hóa các văn bản lãnh đạo, chỉ đạo của huyện Ea Kar về lĩnh vực khoáng sản thành kế hoạch, chương trình hành động cụ thể và tập trung triển khai thực hiện có hiệu quả.
Các doanh nghiệp đều chấp hành tốt các quy định về khai thác, chế biến, vận chuyển khoáng sản. Năm 2024, trên địa bàn xã không xảy ra tình trạng khai thác khoáng sản trái phép. Đáng chú ý, trong tháng 2 và 3/2024, UBND tỉnh Đắk Lắk đã ra văn bản cho phép 2 doanh nghiệp khai thác đá làm vật liệu xây dựng tại thôn 6B, xã Ea Păl, huyện Ea Kar để cung cấp vật liệu xây dựng cho Dự án đường bộ cao tốc Khánh Hòa – Buôn Ma Thuột giai đoạn 1.
Qua công tác kiểm tra, giám sát, UBND xã Ea Păl phát hiện một đơn vị trong quá trình nổ mìn khai thác đã gây bụi bặm, ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân sống xung quanh nên đã đến nhắc nhở và báo sự việc lên UBND huyện Ea Kar để có biện pháp xử lý.
UBND huyện Ea Kar nhắc nhở, yêu cầu công ty hoàn thiện các thủ tục về khai thác, chế biến, vận chuyển khoáng sản, có biện pháp bảo vệ môi trường theo quy định. Ngoài ra, từ năm 2020 đến nay, qua công tác kiểm tra, huyện Ea Kar đã phát hiện, xử lý 62 trường hợp vi phạm về lĩnh vực khoáng sản, đã xử phạt vi phạm hành chính gần 700 triệu đồng, tịch thu hàng trăm mét khối khoáng sản các loại. Từ khi Dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Khánh Hòa – Buôn Ma Thuột được khởi công xây dựng, nhiều xe tải trọng lớn vận chuyển vật liệu xây dựng phục vụ dự án này đi qua địa bàn xã đã làm hư hỏng, sụt lún tại một số vị trí trên mặt đường liên xã Cư Yang - xã Ea Ô - xã Ea Păl.
Hoạt động khai thác khoáng sản trên địa bàn huyện Ea Kar (tỉnh Đắk Lắk). (Ảnh minh hoạ: Internet).
Để bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông và bảo đảm an toàn giao thông, địa phương đã ra văn bản đề nghị các đơn vị khai thác, vận chuyển khoáng sản qua địa bàn xã tiến hành tu sửa, khắc phục những vị trí bị hư hỏng, sụt lún trên tuyến đường trên. Đến nay, các doanh nghiệp này khắc phục, sửa chữa xong, bảo đảm an toàn cho người dân khi lưu thông qua lại. Đại diện Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Ea Kar cho biết, thời gian tới, để tiếp tục thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước về khoáng sản trên địa bàn huyện, Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện tiếp tục phối hợp với Công an huyện thực hiện tốt quy chế phối hợp giữa hai đơn vị về việc tăng cường trinh sát, thường xuyên kiểm tra thường kỳ, đột xuất để kịp thời phát hiện và xử lý triệt để các cá nhân, đơn vị khai thác khoáng sản trái phép.
Đồng thời, đẩy nhanh việc cắm mốc ranh giới khu vực khoáng sản chưa khai thác trên địa bàn huyện theo Nghị quyết số 02/NQ-HĐND ngày 28/1/2022 của HĐND huyện Ea Kar về Kế hoạch quản lý, sử dụng đất đai, tài nguyên khoáng sản trên địa bàn huyện giai đoạn 2021 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030.
Trong giai đoạn tiếp theo, chính quyền và người dân huyện Ea Kar cần tiếp tục thực hiện nghiêm Quyết định số 2700/QĐ-UBND ngày 25/10/2024 của UBND tỉnh Đắk Lắk về phương án bảo vệ khoáng sản chưa khai thác tại địa bàn tỉnh Đắk Lắk nói chung và trên địa bàn huyện Ea Kar nói riêng.
Quyết định nêu rõ mục tiêu nhằm đảm bảo quản lý, bảo vệ có hiệu quả tài nguyên khoáng sản chưa khai thác, ngăn chặn các hoạt động khoáng sản trái phép. Tạo sự chuyển biến trong nhận thức và hành động trong việc bảo vệ tài nguyên khoáng sản, quản lý bảo vệ, sử dụng hợp lý, có hiệu quả tài nguyên khoáng sản.
Đồng thời phát huy trách nhiệm của các ngành, chính quyền địa phương các cấp trong việc bảo vệ khoáng sản chưa khai thác nhằm phục vụ chiến lược phát triển kinh tế xã hội, an ninh quốc phòng trên địa bàn tỉnh.
Thời gian qua, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND tỉnh, UBND tỉnh, công tác quản lý hoạt động khai thác, chế biến, vận chuyển khoáng sản trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk nói chung đã có nhiều chuyển biến tích cực, cơ bản đã đi vào nền nếp. Các Sở, ngành, địa phương đã quan tâm, hướng dẫn và tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân hoàn thiện thủ tục pháp lý về cấp phép thăm dò, khai thác, kinh doanh, chế biến khoáng sản cũng như các thủ tục về đất đai, giải phóng mặt bằng, cấp phép xây dựng.
Công tác quản lý hoạt động thăm dò, khai thác, chế biến, sử dụng khoáng sản trên địa bàn tỉnh đã được tăng cường; có sự phối hợp chặt chẽ giữa các sở, ngành, các cấp chính quyền địa phương để triển khai thực hiện các nội dung chỉ đạo, điều hành của UBND tỉnh một cách đồng bộ, thống nhất, có hiệu quả trong công tác quản lý đối với hoạt động khoáng sản. Nhờ đó hoạt động khai thác, bảo vệ khoáng sản chưa khai thác có những chuyển biến tích cực.
Tài nguyên khoáng sản có vai trò đặc biệt quan trọng đối với mỗi địa phương và quốc gia, do đó việc quản lý chặt và sử dụng có hiệu quả, nhằm hướng tới mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội. Vì vậy, yêu cầu nâng cao hiệu quả công tác quản lý, khai thác, kịp thời phát hiện, ngăn chặn, đấu tranh phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật trong hoạt động khoáng sản tại huyện Ea Kar nói riêng và toàn tỉnh Đắk Lắk nói chung là một trong những nhiệm vụ cần thiết.
Đức Bảo
Bình luận