Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 24/11/2024 19:11
Thứ bảy, 10/08/2024 07:08
TMO - Những năm gần đây, biến đổi khí hậu đã tác động trực tiếp đến sự phân bố nguồn nước trên địa bàn tỉnh Gia Lai, dẫn đến tình trạng hạn hán khắc nghiệt trong mùa khô. Ngoài ra, nguồn nước bị nhiễm mặn, phèn... là những thách thức trong công tác quản lý, bảo vệ và khai thác bền vững nguồn tài nguyên này trên địa bàn tỉnh.
Gia Lai hiện có 147 hồ chứa nước thủy lợi, thủy điện các loại và 3 vùng lưu vực sông: sông Ba, sông Sê San và sông Srê Pok. Tỉnh đã thực hiện cắm mốc hành lang bảo vệ nguồn nước của 22 hồ chứa thủy điện. Đây đều là nơi tích nước, phục vụ khai thác, sử dụng và phân vùng quy hoạch tài nguyên nước phục vụ nhu cầu sử dụng nước cho toàn tỉnh, đảm bảo hiệu quả, bền vững. Tuy nhiên, trước tác động của biến đổi khí hậu nhất là tình trạng hạn hán kéo dài ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc đảm bảo nguồn nước cho sản xuất, sinh hoạt trên địa bàn tỉnh.
Cụ thể, trong số 157 tỷ đồng thiệt hại do thiên tai gây ra trong 6 tháng đầu năm 2024 trên địa bàn tỉnh Gia Lai thì thiệt hại do hạn hán, thiếu nước là 151,97 tỷ đồng. Cụ thể, hạn hán, thiếu nước đã gây thiệt hại đối với 435,89 ha lúa; 101 ha cây hàng năm, rau màu; 2.506,49 ha cây lâu năm; 182,627 ha cây ăn quả; và 16,1 ha cây lâm nghiệp.
Tình trạng hạn hán trong những tháng đầu năm 2024 khiến nhiều hồ nước trên địa bàn tỉnh cạn trơ đáy. Ảnh: LN.
Trước những thiệt hại do hạn hán, thiếu nước gây ra tỉnh Gia Lai đã khẩn trương triển khai các giải pháp để đảm bảo cung ứng nguồn nước cho sản xuất, sinh hoạt của người dân. Theo đó, địa phương này tăng cường công tác quản lý, điều tiết nguồn nước kịp thời theo kế hoạch đồng thời phối hợp đồng bộ giữa các đơn vị quản lý khai thác công trình thủy lợi với các tổ chức, cá nhân, hộ dùng nước và bám sát lịch thời vụ gieo trồng, nhu cầu dùng nước của cây trồng.
Triển khai thực hiện công tác duy tu, bảo dưỡng các công trình cấp nước đang bị xuống cấp để đảm bảo cấp nước phục vụ người dân; đẩy nhanh tiến độ thi công, sớm hoàn thành đưa vào sử dụng các công trình cấp nước để kịp thời phục vụ dân sinh trong mùa khô hạn. Thực hiện các giải pháp nạo vét các cửa lấy nước, hệ thống kênh mương, đào ao trữ nước, lắp đặt và vận hành các trạm bơm dã chiến để tận dụng tối đa nguồn nước từ hệ thống sông, suối, dung tích nước chết trong hồ chứa.
Về nhóm giải pháp cần triển khai thường xuyên từ năm 2023 – 2025: Tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về tác hại cũng như công tác ứng phó với hạn hán, thiếu nước về các giải pháp tưới tiên tiến, khoa học, tiết kiệm nước; các mô hình chuyển đổi sang các hình thức sản xuất ít sử dụng nước; huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và người dân trong phòng ngừa và ứng phó với hạn hán, thiếu nước. Tuyên truyền, vận động người dân sử dụng nước tiết kiệm, hợp lý, tận dụng tối đa nguồn nước hiện có. Khuyến cáo người dân tuyệt đối không tự ý làm bờ cản trên kênh, tháo nước tràn lan gây thất thoát, thiếu nước khu vực cuối kênh. Song song với đó thực hiện các giải pháp áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật chuyên ngành.
UBND tỉnh yêu cầu các sở, ngành, đơn vị, địa phương liên quan căn cứ tình hình thời tiết, khí tượng thủy văn, nguồn nước để kịp thời triển khai giải pháp phòng, chống hạn hán, thiếu nước phù hợp. Bên cạnh đó, sử dụng nguồn nước tiết kiệm, hiệu quả, trong đó ưu tiên nguồn nước hiện có cấp cho sinh hoạt, sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi gia súc gia cầm, nuôi trồng thủy sản và các ngành sản xuất trọng yếu khác. Hạn chế thấp nhất thiệt hại do hạn hán, thiếu nước gây ra; chủ động các biện pháp tiết kiệm nước, chống hạn ngay từ đầu mùa vụ. Nhà nước và Nhân dân cùng tham gia ứng phó với hạn hán, thiếu nước, huy động tối đa các nguồn lực hiện có của địa phương, đơn vị để cùng phối hợp thực hiện
Thời gian qua, tỉnh Gia Lai đã lập “Quy hoạch khai thác, sử dụng tài nguyên nước tỉnh Gia Lai đến năm 2025”. Qua đó, đưa ra các giải pháp về quản lý, khai thác, sử dụng và bảo vệ tài nguyên nước, phòng chống và giảm thiểu tác hại do nước gây ra trên địa bàn tỉnh Gia Lai nhằm bảo đảm an ninh lâu dài về tài nguyên nước; góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ môi trường.
Sở TN&MT Gia Lai đã và đang triển khai thực hiện mạng lưới quan trắc môi trường nước mặt và nước dưới đất, đồng thời, đã đầu tư mới, nâng cấp các trạm quan trắc để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ quản lý tài nguyên nước trên địa bàn tỉnh. Từ đó, chủ động trong việc kiểm soát, xử lý cũng như kịp thời dự báo, cảnh báo đến người dân khi có các vấn đề ô nhiễm môi trường nước xảy ra. Đồng thời, thường xuyên thực hiện công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cộng đồng để thu hút cộng đồng, các tổ chức, các doanh nghiệp tham gia vào việc bảo vệ, khai thác, sử dụng hợp lý, tiết kiệm tài nguyên nước.
Đặc biệt, đề cao vai trò giám sát của người dân trong việc phát hiện, xử lý kịp thời các hành vi, sự cố gây ô nhiễm nguồn nước. Một trong những giải pháp bảo vệ tài nguyên nước đã và đang được thực hiện tại tỉnh Gia Lai, đó là khoanh định vùng cấm và vùng hạn chế khai thác, sử dụng nước dưới đất trên địa bàn tỉnh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2040. Theo đó, toàn tỉnh có 251 khu vực thuộc 5 vùng hạn chế khai thác nước dưới đất, trong đó, có 25 khu vực bị ô nhiễm cần hạn chế khai thác.
Theo lộ trình, Gia Lai sẽ cho trám lấp các giếng nước trong danh mục bị ô nhiễm có sẵn trước đó; không cấp phép thăm dò, khai thác để xây dựng thêm công trình khai thác nước dưới đất. Riêng đối với khu vực xung quanh các giếng nước bị ô nhiễm, chính quyền địa phương tỉnh Gia Lai đã khuyến cáo người dân hạn chế sử dụng nước và tiếp cận các nguồn nước sạch từ công trình cấp nước tập trung để đảm bảo an toàn cho sức khỏe. Cùng với việc thực hiện các Dự án điều tra cơ bản, quy hoạch, quản lý, bảo vệ tài nguyên nước, Gia Lai đã chú trọng thực hiện và tuân thủ đúng các quy định của pháp luật về cấp, gia hạn, điều chỉnh, đình chỉ, thu hồi, cấp lại giấy phép khai thác, sử dụng tài nguyên nước, giấy phép xả nước thải vào nguồn nước.
Thời gian tới tỉnh Gia Lai tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm khai thác sử dụng bền vững tài nguyên nước trước tác động của biến đổi khí hậu. Ảnh: BD.
Sở TN&MT tỉnh Gia Lai cho biết, từ đầu năm 2024 đến nay, công tác quản lý Nhà nước về tài nguyên nước trên địa bàn tỉnh đã được tăng cường triển khai thực hiện đúng quy định. Cụ thể, Sở TN&MT đã tham mưu UBND tỉnh Gia Lai ban hành Kế hoạch triển khai thi hành Luật Tài nguyên nước năm 2023; đồng thời, có văn bản đề nghị UBND cấp huyện tăng cường công tác quản lý Nhà nước về tài nguyên nước trên địa bàn; triển khai các biện pháp hạn chế khai thác nước dưới đất; yêu cầu các chủ hồ chứa thủy lợi, thủy điện trên địa bàn chấp hành các quy định về việc vận hành hồ chứa nước thủy lợi, thủy điện trong mùa cạn năm 2024.
Cùng với đó, Sở TN&MT tỉnh Gia Lai cũng đã báo cáo Bộ TN&MT các nội dung như: Tổng kết thi hành Nghị định số 36/2020/NĐ-CP ngày 24/03/2020 của Chính phủ quy định việc xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên nước và khoáng sản; việc bàn giao các lỗ khoan tại xã Ia Broăi, huyện Ia Pa cho UBND huyện Ia Pa và lỗ khoan tại xã Đê Ar, xã Đăk Trôi, huyện Mang Yang cho UBND huyện Mang Yang để quản lý và đưa các công trình giếng khoan vào khai thác, sử dụng cung cấp nước sinh hoạt phục vụ cho người dân.
Trong thời gian tới, Sở TN&MT tỉnh Gia Lai sẽ phối hợp với UBND các huyện, thị xã, thành phố và các sở, ban, ngành có liên quan tăng cường công tác quản lý Nhà nước về tài nguyên nước, kiểm tra tình hình hoạt động khai thác tài nguyên nước trên địa bàn tỉnh, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm; triển khai thực hiện các quy định về tài nguyên nước, khí tượng thủy văn và biến đổi khí hậu; đồng thời, Sở TN&MT tỉnh Gia Lai cũng sẽ thẩm định, trình cấp có thẩm quyền cấp giấy phép thăm dò nước dưới đất, khai thác, sử dụng tài nguyên nước, hành nghề khoan nước dưới đất của các tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh; phê duyệt tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước, vùng bảo hộ vệ sinh khu vực lấy nước sinh hoạt theo quy định.
Bích Hà
Bình luận