Hotline: 0941068156
Thứ hai, 20/01/2025 15:01
Chủ nhật, 19/02/2023 06:02
TMO - Nguồn lực đất đai góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội, xây dựng các công trình hạ tầng kỹ thuật, phát triển nông nghiệp, nông thôn, tăng đáng kể nguồn thu ngân sách…Nhận thức được tầm quan trọng này, thời gian qua tỉnh Quảng Ninh đã đẩy mạnh khai thác nguồn lực đất đai hiệu quả trong phát triển kinh tế-xã hội của địa phương.
Theo kết quả thống kê đất đai năm 2020, tổng diện tích đất đơn vị hành chính của tỉnh Quảng Ninh là 620.690,00 ha, trong đó đất nông nghiệp 485.754,28 ha, đất phi nông nghiệp 94.794,09 ha và đất chưa sử dụng 40.141,63 ha.
Năm 2020, tỉnh Quảng Ninh có 484.739,89 ha đất nông nghiệp, chiếm 78,09% diện tích tự nhiên, phân bố trên địa bàn các huyện, thành phố, thị xã của tỉnh trong đó nhiều nhất tại thành phố Hạ Long 84.385,22 ha, huyện Ba Chẽ 55.753,40, huyện Bình Liêu 43,131,92 ha; huyện Tiên Yên 56.290,78 ha cụ thể như sau: Đất trồng lúa có 30324,18 ha; (Trong đó: Đất chuyên trồng lúa nước) có 21720,74 ha; Đất trồng cây hàng năm khác có 7601,53 ha; Đất trồng cây lâu năm có 21696,01 ha; Đất rừng phòng hộ có 124700,76 ha; Đất rừng đặc dụng có 24549,04 ha; Đất rừng sản xuất có 249300,29 ha; Đất nuôi trồng thủy sản có 26015,45 ha; Đất nông nghiệp khác có 552,63 ha.
Tỉnh Quảng Ninh nhấn mạnh đến mục tiêu bảo vệ nghiêm ngặt diện tích đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng, đất khu bảo tồn thiên nhiên...
Năm 2020, tỉnh Quảng Ninh có 95.837,27 ha đất phi nông nghiệp, chiếm 15,44% diện tích tự nhiên, phân bố trên địa bàn các huyện, thành phố, thị xã trên địa bàn tỉnh trong đó tập trung nhiều trên địa bàn thành phố Hạ Long, thành phố Móng Cái, thị xã Quảng Yên và huyện Vân Đồn. Nhìn chung, tỷ lệ đất phi nông nghiệp trên diện tích tự nhiên của tỉnh còn ở mức thấp so với các tỉnh có điều kiện kinh tế phát triển và mức bình quân chung của cả nước do địa hình phần lớn của tỉnh là đồi núi khó khăn cho việc phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng cho khu vực phía Bắc của tỉnh.
Nhằm phát huy nguồn lực đất đai trong phát triển kinh tế-xã hội, tỉnh Quảng Ninh định hướng sử dụng đất trên địa bàn với mục tiêu: Bảo vệ nghiêm ngặt diện tích đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng, đất khu bảo tồn thiên nhiên, đất rừng sản xuất là rừng tự nhiên và đất di tích danh thắng nhằm đảm bảo an ninh lương thực quốc gia, quản lý diện tích rừng bền vững; bảo đảm hài hòa các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh; bảo vệ cảnh quan môi trường sinh thái và đa dạng sinh học; bảo vệ nguồn nước, thích ứng với biến đổi khí hậu và nước biển dâng.
Đối với đất sản xuất nông nghiệp, khoanh vùng diện tích đất trồng lúa bảo vệ nghiêm ngặt để đảm bảo an ninh lương thực. Bảo đảm sự cân bằng giữa nhu cầu sử dụng đất của các ngành, lĩnh vực, địa phương và khả năng, quỹ đất của tỉnh nhằm sử dụng đất tiết kiệm và hiệu quả. Đầu tư xây dựng hạ tầng, phát triển công nghiệp, dịch vụ, du lịch để khai thác, sử dụng hiệu quả tiềm năng đất đai tại các vùng trung du, miền núi, biên giới, ven biển và hải đảo. Chuyển đổi những diện tích đất trồng lúa tại những khu vực bị nhiễm mặn, hạn hán, ngập lụt để chuyển sang các mục đích khác và di dời các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm ra khỏi trung tâm thành phố nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng đất và giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Nghiên cứu, ứng dụng công nghệ để nâng cao hiệu quả quản lý về tài nguyên đất, đánh giá thích hợp đất đai để bố trí sử dụng hợp lý, khoa học, nhằm mang lại hiệu quả cao trong sản xuất nông lâm nghiệp và cải thiện môi trường.
Tiếp tục đầu tư khai thác đất chưa sử dụng đưa vào sử dụng cho mục đích nông lâm nghiệp phát triển bền vững. Khoanh nuôi tái sinh rừng tự nhiên, trồng rừng mới kết hợp với trồng cây lâu năm để đạt tỷ lệ che phủ an toàn sinh thái. Khai thác tốt dịch vụ môi trường rừng để nâng cao hiệu quả kinh tế và bảo vệ rừng. Ứng dụng các biện pháp khoa học công nghệ tiên tiến để lấn biển, khai thác diện tích đất mặt nước ven biển vào sử dụng cho các mục đích nông nghiệp, phi nông nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Tỉnh Quảng Ninh khai thác sử dụng đất nông nghiệp hiệu quả qua việc hình thành vùng sản xuất hữu cơ tập trung.
Định hướng sử dụng đất nông nghiệp được triển khai qua việc hình thành một số vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; bước đầu hình thành các vùng sản xuất hữu cơ tập trung: vùng trồng trọt hữu cơ, vùng chăn nuôi hữu cơ, vùng nuôi trồng thủy sản hữu cơ tại một số địa phương tiềm năng với diện tích đất nông nghiệp đến năm 2030 bố trí khoảng 65.000 ha Bảo vệ và phát triển các diện tích rừng nhằm đảm bảo độ che phủ rừng và phát triển các loài sinh vật cảnh trong các khu bảo tồn thiên nhiên. Đến năm 2030, có khoảng 387.000 ha sử dụng cho các mục đích trồng và phát triển rừng trên địa bàn tỉnh, trong đó chủ yếu là diện tích đất rừng sản xuất và rừng phòng hộ.
Đối với diện tích đất phi nông nghiệp, định hướng đến năm 2030: Tỉnh Quảng Ninh sẽ bố trí thêm khoảng 7.000 ha đất để phục vụ cho phát triển các khu công nghiệp, cụm công nghiệp; diện tích đất thương mại dịch vụ dự kiến bố trí khoảng 11.000 ha để mở rộng, xây dựng và phát triển các công trình dịch vụ thương mại trên địa bàn tỉnh; bố trí khoảng 8.200 ha để phục vụ cho các khu dân cư đô thị…; bố trí khoảng 2800 ha để phục vụ cho nhu cầu ở tại các xã trên địa bàn tỉnh.
Thời gian tới, địa phương này đẩy mạnh chuyển đổi số trong lĩnh vực quản lý và sử dụng đất; khẩn trương hoàn thiện hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu đất đai; bảo đảm quản lý, vận hành, kết nối và chia sẻ thông tin tập trung, thống nhất từ trung ương đến cấp tỉnh, cấp huyện; xây dựng hệ thống thông tin thị trường bất động sản gắn với thông tin đất đai. Tập trung nguồn lực đầu tư cho công tác điều tra, đánh giá tài nguyên đất; thống kê, kiểm kê đất đai; giám sát sử dụng đất; bảo vệ, cải tạo và phục hồi chất lượng đất nhằm quản lý chặt chẽ về số lượng, chất lượng đất phục vụ cho lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, làm cơ sở sử dụng đất bền vững.
Thực hiện có hiệu quả việc đào tạo nghề, tạo việc làm, tổ chức lại sản xuất, ổn định đời sống cho người có đất bị thu hồi. Triển khai các giải pháp để khơi dậy tiềm năng, phát huy cao nhất giá trị nguồn lực đất đai, khai thông, tạo sức bật từ nguồn lực đất đai; kiên quyết khắc phục tình trạng tiêu cực, khiếu kiện về đất đai, đầu cơ và sử dụng đất đai lãng phí. Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền phù hợp, hiệu quả đối với địa phương; đồng thời tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm; giải quyết tranh chấp, khiếu nại, tố cáo liên quan đến đất đai; siết chặt kỷ luật, kỷ cương, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Tiếp tục hoàn thiện, nâng cao năng lực các tổ chức dịch vụ công trong lĩnh vực đất đai. Tăng cường công tác quản lý, kiểm soát chặt chẽ việc chuyển mục đích sử dụng đất, đặc biệt là đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng, đất rừng sản xuất là rừng tự nhiên, đất của các doanh nghiệp nhà nước thoái vốn, cổ phần hóa và các loại đất được sử dụng đa mục đích; tăng cường phân cấp, phân quyền đi đôi với kiểm tra, giám sát, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính trong chuyển mục đích sử dụng đất.
Hoàng Đức
Bình luận