Hotline: 0941068156
Thứ ba, 05/11/2024 10:11
Chủ nhật, 03/11/2024 05:11
TMO - Hiện nay, nhiều tổ chức, cá nhân sau khi trúng đấu giá quyền khai thác khoáng sản nhưng không hoàn thiện hoặc bỏ cọc, đã gây ra những tác động xấu cho tình hình phát triển kinh tế, xã hội. Trước thực trạng đó, đòi hỏi cấp quản lý nhà nước cần có những quy định để xử lý triệt để vấn đề này.
Để tháo gỡ và giải quyết những vấn đề nêu trên, mới đây, Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) đã ban hành Công văn 7438/BTNMT-KSVN gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc tăng cường công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực đấu giá quyền khai thác khoáng sản.
Theo Bộ TN&MT, rong thời gian qua, việc triển khai đấu giá quyền khai thác khoáng sản có những chuyển biến tích cực, phát huy được giá trị tiềm năng của khoáng sản và tăng đáng kể nguồn thu cho ngân sách nhà nước.
Tuy nhiên, kết quả đấu giá tại một số địa phương có yếu tố bất thường như: việc bỏ giá thực hiện qua rất nhiều vòng đấu, thời gian tổ chức cuộc đấu giá bị kéo dài, giá trúng đấu giá tăng cao đột biến (cao gấp nhiều lần so với giá khởi điểm, có trường hợp chỉ riêng tiền trúng đấu giá đã cao hơn nhiều lần giá bán của sản phẩm cùng loại trên thị trường). Điều này, dẫn đến nhiều tổ chức, cá nhân sau trúng đấu giá xong đã không thể triển khai được dự án khai thác khoáng sản và chấp nhận bỏ cọc; tác động xấu đến an ninh kinh tế, trật tự xã hội tại địa phương.
Để giải quyết được thực trạng trên, đồng thời triển khai công tác đấu giá quyền khai thác khoáng sản đạt hiệu quả, Bộ TN&MT đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tuyên truyền, nâng cao hiểu biết, nhận thức pháp luật của doanh nghiệp trong lĩnh vực đấu giá quyền khai thác khoáng sản.
Đặc biệt, tại các cuộc đấu giá cần phổ biến đầy đủ các quy định có liên quan cho tổ chức, cá nhân tham gia đấu giá để tránh hiểu sai cuộc đấu giá quyền khai thác khoáng sản là đấu giá mua mỏ; cần thông tin rõ cho tổ chức, cá nhân tham gia đấu giá hiểu được tiền trúng đấu giá chỉ là một phần nghĩa vụ của doanh nghiệp phải nộp cho ngân sách nhà nước để được quyền khai thác khoáng sản, để khoáng sản đến được tay người sử dụng thì tổ chức, cá nhân khai thác phải đầu tư thực hiện dự án khai thác với nhiều khoản chi phí như khai thác, chế biến, vận chuyển, tiêu thu và còn phải thực hiện các khoản thuế, phí khác có liên quan như thuế tài nguyên, phí bảo vệ môi trường…
Cùng với đó, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương xây dựng phương án đấu giá phù hợp với đặc thù của đối tượng đấu giá là quyền khai thác khoáng sản, trong đó lưu ý lựa chọn hình thức đấu giá phù hợp. Trường hợp, tổ chức cuộc đấu giá bằng bỏ phiếu trực tiếp tại cuộc đấu giá cần nghiên cứu cách thức tiến hành bỏ phiếu và số vòng đấu giá cho phù hợp để tránh cuộc đấu giá bị kéo dài, tổ chức, cá nhân tham gia đấu giá bị tác động tâm lý dẫn đến bỏ giá cao hơn rất nhiều so với năng lực tài chính và hiệu quả đầu tư.
Bên cạnh đó, Bộ TN&MT đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện trình tự, thủ tục đấu giá quyền khai thác khoáng sản theo đúng quy định của Luật Đấu giá tài sản. Chú trọng khâu lập hồ sơ mời tham gia đấu giá, xét chọn hồ sơ tham gia đấu giá chặt chẽ.
(Ảnh minh hoạ).
Chỉ lựa chọn những doanh nghiệp có đủ năng lực, kinh nghiệm, có hồ sơ đầy đủ với các thông tin trung thực, rõ ràng để tham gia cuộc đấu giá. UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo các cơ quan chức năng tiến hành thanh tra, kiểm tra các cuộc đấu giá có dấu hiệu bất thường, kiên quyết ngăn chặn và xử lý nghiêm các trường hợp tổ chức đấu giá tài sản, đấu giá viên, tổ chức, cá nhân tham gia đấu giá có các hành vi vi phạm làm ảnh hưởng đến kết quả đấu giá.
Đặc biệt, cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát sản lượng khai thác, đảm bảo thực hiện đầy đủ nghĩa vụ đối với sản lượng khai thác, không được phép khai thác vượt trữ lượng cấp phép, đặc biệt là các mỏ cát, sỏi trên địa bàn.
Gần đây, nhiều địa phương trên cả nước xuất hiện tình trạng xin hủy kết quả đấu giá quyền khai thác khoáng sản sau khi bỏ đấu giá với mức giá "trên trời", cao gấp nhiều lần giá khởi điểm. Đơn cử như vào ngày 18/10, tại Hội trường UBND thị xã Điện Bàn (tỉnh Quảng Nam) đã diễn ra cuộc đấu giá quyền khai thác khoáng sản điểm mỏ ĐB2B. Trải qua 200 vòng đấu, Công ty Cổ phần MT Quảng Đà (có trụ sở tại thành phố Đà Nẵng) trúng đấu giá với giá 1.534,6 %R, tương đương tiền trúng đấu giá tạm tính theo trữ lượng dự tính (159.000m3) là hơn 370,5 tỷ đồng (tăng so với giá khởi điểm gần 369,4 tỷ đồng).
Nhận định kết quả đấu giá quyền khai thác khoáng sản tại điểm mỏ này có yếu tố bất thường, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam giao công an tỉnh chỉ đạo điều tra, xác minh, làm rõ động cơ, mục đích của việc trả giá cao bất thường tại phiên đấu giá.
Không chỉ tại Quảng Nam, tại TP. Hà Nội, tình trạng đấu giá khoáng sản không trung thực cũng đã diễn ra. Cụ thể, Sở TN&MT Hà Nội đã huỷ kết quả lựa chọn đơn vị tổ chức đấu giá 3 mỏ cát do nhà thầu cố ý cung cấp thông tin, tài liệu không trung thực, không khách quan, làm sai lệch kết quả lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư.
Việc Bộ TN&MT ban hành Công văn 7438/BTNMT-KSVN gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc tăng cường công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực đấu giá quyền khai thác khoáng sản có ý nghĩa quan trọng trong công tác lựa chọn những doanh nghiệp có đủ năng lực, kinh nghiệm tham gia đấu giá. Đồng thời ngăn chặn tình trạng cố tình trả giá cao rồi bỏ tiền đặt trước, gây nhiễu loạn các phiên đấu giá để trục lợi.
Minh Hoà
Bình luận