Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 24/11/2024 16:11
Thứ ba, 14/03/2023 12:03
TMO - Sơn La được đánh giá là tỉnh có tiềm năng lớn về phát triển các nguồn năng lượng như thủy điện, điện gió, điện mặt trời. Việc đẩy mạnh giám sát thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng góp phần loại ra khỏi quy hoạch đối với các dự án không đảm bảo hiệu quả kinh tế, ảnh hưởng lớn đến dân cư và tác động xấu đến môi trường, phát triển năng lượng bền vững.
Hiện nay, toàn tỉnh có 57 nhà máy thủy điện lớn, nhỏ đi vào hoạt động, sản lượng điện sản xuất trung bình hàng năm khoảng từ 12 đến 15 tỉ KWh; có 704 hệ thống điện mặt trời mái nhà đang hoạt động với tổng công suất 61,9MWp; 1 dự án điện sinh khối tại Nhà máy mía đường Sơn La với công suất 9MW; có 3 mỏ than được hoạt động khai thác với tổng trữ lượng khoảng 2,1 triệu tấn.
Giai đoạn 2016 - 2021, tỉnh đã phát triển thêm 22 dự án thủy điện nhỏ với tổng công suất 142MW, nâng tổng công suất các nhà máy thủy điện lên hơn 4.000MW. Tỉnh đã trình Bộ Công Thương bổ sung quy hoạch 21 nhà máy thủy điện nhỏ với tổng công suất trên 220MW. Các nhà máy thủy điện có sản lượng trung bình năm khoảng 12.000 -15.000 triệu kWh. Trong đó, khoảng 94% lượng điện sản xuất ra được cung cấp cho hệ thống điện quốc gia thông qua các đường dây truyền tải, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.
Các nhà máy thủy điện trên địa bàn tỉnh sản xuất lượng điện cung cấp cho hệ thống điện quốc gia, đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.
Đối với điện gió, Sơn La đã chấp thuận cho 13 nhà đầu tư nghiên cứu, đánh giá lập hồ sơ quy hoạch các dự án với tổng công suất khoảng 2.000MW. Tuy nhiên, theo báo cáo của đại diện các sở, ngành của tỉnh Sơn La, quá trình thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng vẫn còn một số tồn tại, hạn chế. Sản lượng điện sản xuất toàn tỉnh trong giai đoạn trên đạt 75.423 triệu KWh, sản lượng điện thương phẩm toàn tỉnh tiêu thụ 3.412 triệu kWh. Toàn tỉnh có 34 đập, hồ chứa thủy điện và 11 hồ chứa thủy lợi đã và đang cung cấp thông tin, dữ liệu quan trắc khí tượng thủy văn theo quy định, bảo đảm năng lực dự báo, cảnh báo thiên tai, phục vụ trong điều độ vận hành và dự báo sản lượng điện năng lượng...
Vừa qua, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Sơn La tổ chức giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng giai đoạn 2016 - 2021 trên địa bàn tỉnh. Trước thực tế của công tác quản lý, giám sát chính sách về năng lượng, đại diện các địa phương đã có nhiều kiến nghị để quá trình thực hiện đảm bảo hiệu quả, tránh tác động xấu đến dân cư, môi trường.
Nhiều ý kiến cho rằng các Sở, ngành liên quan của tỉnh cần rà soát quy hoạch thủy điện trên địa bàn huyện, loại ra khỏi quy hoạch dự án không đảm bảo hiệu quả kinh tế, ảnh hưởng lớn đến dân cư, tác động xấu đến môi trường và có chiếm dụng rừng tự nhiên. Các dự án thủy điện nhỏ đã có trong quy hoạch nhưng chưa đầu tư xây dựng cần tạm dừng; chỉ triển khai sau khi có kết quả đánh giá đảm bảo không tác động lớn, tiêu cực đến môi trường, không ảnh hưởng lớn đến dân cư và đảm bảo sự đồng thuận của cộng đồng.
Sở Công Thương tỉnh Sơn La đề nghị Đoàn giám sát kiến nghị với Chính phủ sớm hoàn thiện, phê duyệt Quy hoạch phát triển điện lực Quốc gia, Quy hoạch tổng thể phát triển năng lượng Quốc gia giai đoạn 2021 - 2030 tầm nhìn đến năm 2045 để làm căn cứ cho các địa phương thu hút đầu tư các dự án năng lượng. Đoàn kiến nghị các bộ, ngành nghiên cứu phân cấp cho địa phương cấp giấy phép hoạt động điện lực đối với các dự án năng lượng tái tạo quy mô nhỏ (dưới 20MW); kiến nghị Bộ Công Thương xem xét sửa đổi, bổ sung Thông tư số 43/2012/TT-BCT ngày 27/12/2012 quy định về quản lý quy hoạch, đầu tư xây dựng dự án thủy điện và vận hành khai thác công trình thủy điện; ban hành các tiêu chuẩn, quy chuẩn bắt buộc kèm theo chế tài về sử dụng năng lượng trong các ngành, lĩnh vực có mức tiêu thụ năng lượng cao như thép, hóa chất, dệt may, da giày.
Sơn La đang hướng tới phát triển năng lượng tái tạo từ điện gió, điện mặt trời trong thời gian tới (Ảnh minh họa).
Sơn La là một trong những địa phương có tốc độ phát triển thủy điện nhanh của cả nước, góp phần đảm bảo nguồn điện năng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, quá trình phát triển thủy điện nhỏ trên địa bàn vẫn còn những tồn tại bất cập, như: Việc thẩm định, phê duyệt thiết kế kỹ thuật, đánh giá tác động môi trường ở một số dự án còn chưa chặt chẽ. Một số thủy điện còn chưa nghiêm chỉnh chấp hành một số quy định về an toàn hồ đập, hồ chứa nước...gây ảnh hướng tới sản xuất nông nghiệp và sinh hoạt của nhân dân, nhất là trong mùa khô.
Để khắc phục những tồn tại, bất cập, UBND tỉnh đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, các địa phương tăng cường công tác quản lý Nhà nước, siết chặt quản lý các thủy điện vừa và nhỏ; nâng cao chất lượng lập, thẩm định, đề xuất quy hoạch, chấp thuận chủ trương đầu tư, phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường, phương án bảo vệ đập, phương án vận hành hồ chứa, phương án cắm mốc hành lang hồ chứa, phòng chống lụt bão của các nhà máy thủy điện... đảm bảo phát triển thủy điện vừa và nhỏ một cách bền vững.
Cùng với những giải pháp quản lý chặt chẽ các công trình thủy điện nhỏ, Sơn La đang hướng tới phát triển năng lượng tái tạo từ điện gió, điện mặt trời, đây là những nguồn năng lượng sạch, bền vững, không gây ảnh hưởng đến môi trường. Theo đó, UBND tỉnh đã giao Sở Công Thương phối hợp với Viện Năng lượng khảo sát đánh giá tiềm năng điện gió, điện mặt trời trên địa bàn tỉnh. Trên cơ sở đó, UBND tỉnh đã trình Bộ Công Thương bổ sung tiềm năng điện gió, điện mặt trời vào Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 (Quy hoạch điện 8) với tổng công suất 1.600 MW.
Việc quản lý chặt chẽ các thủy điện nhỏ, chú trọng phát triển năng lượng tái tạo như điện mặt trời, điện gió là hướng đi phù hợp, không chỉ phát huy tiềm năng, lợi thế của địa phương, tạo thêm nguồn điện cho đất nước mà còn góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn, theo hướng xanh, nhanh và bền vững.
PV
Bình luận