Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 24/11/2024 06:11
Thứ hai, 16/09/2024 14:09
TMO - Sơn La là tỉnh miền núi, diện tích lớn, nằm giữa hai lưu vực sông Đà và sông Mã do đó, các loại tài nguyên khoáng sản sử dụng làm vật liệu xây dựng thông thường (VLXDTT) tương đối đa dạng. Để đảm bảo khai thác hiệu quả nguồn tài nguyên này, Sơn La tăng cường công tác quản lý trong cấp phép khai thác khoáng sản làm VLXDTT.
UBND tỉnh Sơn La lập phương án quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng khoáng sản trên địa bàn tỉnh Sơn La đến năm 2030, tầm nhìn đến 2050, tích hợp vào quy hoạch tỉnh Sơn La được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1676/QĐ-TTg ngày 25/12/2023.
Theo đó, quy hoạch 162 mỏ khoáng sản làm VLXDTT phục vụ nhu cầu sử dụng của 12 huyện, thành phố. Trong đó, 53 mỏ đá làm VLXDTT, trữ lượng khoảng 27,9 triệu m3; 13 mỏ đá làm cát nghiền, trữ lượng 4,1 triệu m3; 53 mỏ cát tự nhiên, trữ lượng 9,04 triệu m3; 12 mỏ đất sét làm gạch, ngói, trữ lượng 3,7 triệu m3; 31 mỏ đất san lấp, trữ lượng 37,7 triệu m3. Các điểm mỏ khoáng sản VLXDTT cung cấp nguyên vật liệu, phục vụ đầu tư, xây dựng cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội tại địa phương.
Đến năm 2025, tỉnh Sơn La cần trên 4,2 triệu m3 đá xây dựng; trên 1,4 triệu m3 đất sét làm gạch, ngói; trên 3,7 triệu m3 cát xây dựng. Như vậy, trữ lượng khoáng sản làm VLXDTT của các điểm mỏ được quy hoạch đảm bảo nhu cầu trên địa bàn. Nhưng đến năm 2030, dự báo nhu cầu đá xây dựng trên 12 triệu m3, cát xây dựng trên 10,6 triệu m3; đất sét làm gạch ngói trên 4 triệu m3. Nhu cầu cát xây dựng lớn hơn so với trữ lượng các điểm mỏ được quy hoạch, vì vậy, cần đánh giá, bổ sung mới các điểm mỏ có trữ lượng, chất lượng phù hợp.
Địa phương này triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm nâng cao công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động khai thác khoáng sản làm VLXDTT.
Sở TN&MT tỉnh cho biết: Nhằm quản lý, khai thác hiệu quả nguồn lực khoáng sản phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội, công tác cấp phép hoạt động khoáng sản luôn được Sở TN&MT xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm. Các thủ tục, quy trình, nội dung hồ sơ cấp phép hoạt động khoáng sản được công khai hóa tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh.
Sở TN&MT tỉnh đã tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành chức năng, các huyện, thành phố tăng cường quản lý, kiểm soát chặt chẽ hoạt động khai thác khoáng sản của các doanh nghiệp đã được cấp giấy phép hoạt động. Tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát theo hướng cơ quan nào cấp chủ trương đầu tư, cấp phép khai thác khoáng sản, phải có trách nhiệm theo dõi kiểm tra, giám sát, đôn đốc thực hiện và xử lý nghiêm hành vi vi phạm. Đồng thời tham mưu UBND tỉnh xây dựng kế hoạch kiểm tra, rà soát các mỏ khoáng sản làm VLXDTT đã được quy hoạch thăm dò, khai thác, sử dụng giai đoạn đến năm 2020, định hướng 2030 tại các nghị quyết của HĐND tỉnh và Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn 2050 để xây dựng kế hoạch tổ chức đấu giá, phù hợp nhu cầu thực tiễn.
Sau khi kế hoạch được phê duyệt, với khu vực đấu giá đã có kết quả thăm dò, UBND tỉnh giao Sở TN&MT tham mưu xây dựng, trình phê duyệt giá khởi điểm, bước giá, tiền đặt trước và tổng vốn đầu tư dự án khai thác khoáng sản; lựa chọn tổ chức điều hành cuộc đấu giá; tổ chức thẩm định hồ sơ tham gia đấu giá; tham mưu trình UBND tỉnh công nhận kết quả trúng đấu giá theo quy định. Đối với khu vực đấu giá chưa có kết quả thăm dò, tham mưu mời, lựa chọn đơn vị có đủ năng lực đánh giá tài nguyên đưa ra đấu giá.
Theo đánh giá của Sở TN&MT tỉnh việc cấp phép quyền khai thác khoáng sản thông qua đấu giá đã tạo dựng môi trường bình đẳng cho các tổ chức, cá nhân có nhu cầu, giúp cơ quan quản lý nhà nước lựa chọn những tổ chức, cá nhân có năng lực, có công nghệ chế biến sâu, thân thiện môi trường, góp phần quản lý, khai thác, sử dụng hợp lý, tiết kiệm, phát huy tiềm năng khoáng sản theo hướng bền vững.
Tại các cuộc đấu giá, cơ quan chức năng phối hợp tổ chức đấu giá, thực hiện thông báo công khai đầy đủ thông tin về tài sản đưa ra đấu giá. Đồng thời, đảm bảo tính trung thực, công khai, minh bạch, công bằng, khách quan, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của các bên tham gia đấu giá, tại các phiên đấu giá đều có sự tham gia giám sát của đại diện các sở, ngành có liên quan và UBND địa phương nơi có khoáng sản được đấu giá.
Việc cấp phép quyền khai thác khoáng sản thông qua đấu giá được Sơn La đẩy mạnh triển khai.
Năm 2023, UBND tỉnh đã ban hành 9 quyết định phê duyệt kế hoạch đấu giá quyền khai thác khoáng sản với 33 mỏ, trong đó, đấu giá thành công 6 mỏ. Trong 7 tháng năm 2024, UBND tỉnh ban hành 20 quyết định công nhận kết quả đấu giá 20 mỏ, gồm: 4 mỏ đá vôi làm VLXDTT; 2 mỏ đá làm nguyên liệu sản xuất cát; 3 mỏ cát sỏi trên sông; 11 mỏ đất san lấp. UBND tỉnh đã cấp 5 giấy phép thăm dò, 4 giấy phép khai thác khoáng sản cho các đơn vị.
Việc cấp phép quyền khai thác khoáng sản thông qua đấu giá, giúp cơ quan quản lý nhà nước lựa chọn những tổ chức, cá nhân có năng lực, công nghệ chế biến sâu, thân thiện với môi trường, góp phần quản lý, khai thác, sử dụng hợp lý, tiết kiệm, phát huy tiềm năng khoáng sản theo hướng bền vững. Đồng thời, các mỏ trúng đấu giá có giá trị cao hơn so với giá khởi điểm, tăng thu ngân sách nhà nước, tạo nguồn cung VLXDTT ổn định các dự án phục vụ phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Thời gian qua, các địa phương trên địa bàn tỉnh tăng cường công tác quản lý, bảo vệ khoáng sản trên địa bàn quản lý. Theo đó, Chủ tịch UBND các huyện giao Chủ tịch UBND các xã, thị trấn triển khai các giải pháp thực hiện quản lý Nhà nước về tài nguyên khoáng sản tại địa phương, theo đúng chức năng, nhiệm vụ quy định tại Luật Khoáng sản 2010.
Thực hiện nghiêm phương án bảo vệ khoáng sản chưa khai thác; Quy chế phối hợp trong quản lý Nhà nước về khoáng sản trên địa bàn tỉnh; Quy chế phối hợp trong quản lý Nhà nước về đất đai, tài nguyên nước, khoáng sản và bảo vệ môi trường trên địa bàn huyện; cam kết đã ký giữa Chủ tịch UBND cấp xã với Chủ tịch UBND huyện về tăng cường vai trò, trách nhiệm trong công tác quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường năm 2024.
Đồng thời, thường xuyên kiểm tra, giám sát tại cơ sở, nhất là các khu vực mỏ khoáng sản đã được quy hoạch; các điểm tiềm ẩn nguy cơ khai thác khoáng sản trái phép hoặc các hoạt động nghi nhằm khai thác khoáng sản trái phép. Phòng Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với Công an huyện tham mưu cho UBND huyện tăng cường công tác quản lý nhà nước về khoáng sản; đề xuất xử lý các trường hợp vi phạm theo thẩm quyền (nếu có).
Năm 2024, tỉnh Sơn La đặt mục tiêu đấu giá 100% các mỏ đất san lấp phục vụ nhu cầu đầu tư xây dựng tại các huyện, thành phố. Đến năm 2025, 12/12 huyện, thành phố có ít nhất từ 1 mỏ đá làm VLXD thông thường trở lên được cấp phép khai thác. Đến năm 2030, tỉnh có ít nhất 1 nhà đầu tư hoạt động sản xuất tái chế, tái sử dụng chất thải rắn xây dựng làm nguyên liệu sản xuất vật liệu xây dựng, san lấp mặt bằng và sử dụng trong các công trình xây dựng.
Để hoàn thành mục tiêu trên, Sở TN&MT đang tích cực triển khai nghiêm các quy trình, thủ tục liên quan đến đấu giá quyền khai thác khoáng sản làm VLXDTT. Đôn đốc các đơn vị đã được công nhận trúng đấu giá hoàn thiện các thủ tục có liên quan để cấp phép khai thác, tránh tình trạng khan hiếm VLXD.
Bên cạnh đó, tiếp tục tăng cường phối hợp liên ngành trong quản lý khoáng sản từ giai đoạn quy hoạch đến đấu giá, cấp phép, chủ trương đầu tư, thiết kế cơ sở, thuê đất, đóng cửa mỏ… Đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra các tổ chức, cá nhân được cấp phép hoạt động khoáng sản; kiên quyết xử lý nghiêm các đối tượng khai thác khoáng sản trái phép, các hoạt động liên quan đến địa chất, khoáng sản, công nghiệp khai khoáng không đúng quy định.
Lê Hân
Bình luận