Hotline: 0941068156
Thứ hai, 20/01/2025 04:01
Thứ hai, 25/12/2023 14:12
TMO - Xác định vai trò đặc biệt quan trọng của tài nguyên nước đối với quá trình phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh nói chung, đặc biệt với các ngành sản xuất công nghiệp, nông nghiệp, du lịch, dịch vụ và sinh hoạt, các cấp, ngành, địa phương trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc đã đẩy mạnh công tác phối hợp nhằm quản lý và bảo vệ tài nguyên nước.
Với vị trí là tỉnh nằm trong vùng chuyển tiếp giữa đồng bằng châu thổ sông Hồng và miền núi phía Bắc, Vĩnh Phúc là nơi hợp lưu của các con sông lớn như sông Hồng, sông Lô, sông Đà và sông Phó Đáy. Cùng với hệ thống các sông nội tỉnh (sông Phan, sông Cà Lồ, sông Cầu Tôn, sông Tranh) và mạng lưới suối, khe, lạch, Vĩnh Phúc còn có hệ thống các hồ, đầm phong phú bao gồm hệ thống hồ, đầm tự nhiên chứa hàng triệu m3 nước, tạo nên nguồn dự trữ nước mặt phong phú, đảm bảo đáp ứng nhu cầu sản xuất và sinh hoạt trên địa bàn tỉnh.
Vĩnh Phúc là địa phương có nguồn tài nguyên nước tương đối dồi dào, bao gồm nguồn nước mặt, nước ngầm và nước mưa. Tỉnh ta có 4 sông, suối lớn liên tỉnh chảy qua địa bàn là sông Hồng, sông Lô, sông Phó Đáy và sông Cà Lồ; 9 sông, suối nội tỉnh có chiều dài từ 10km trở lên cùng với hệ thống hồ chứa thủy lợi… đem lại tiềm năng tài nguyên nước hàng năm trên 140 tỷ m3/năm; trong đó lượng nước có thể khai thác, sử dụng sơ bộ trên 42 tỷ m3/năm. Cùng với đó, tài nguyên nước dưới đất đạt trên 303 triệu m3/năm, trữ lượng có thể khai thác gần 129 triệu m3/năm và lượng nước đang khai thác hiện tại gần 36 triệu m3/năm.
Thực hiện công tác bảo vệ, quản lý tài nguyên nước trên địa bàn, thời gian qua, Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) đã triển khai thực hiện nghiêm các văn bản pháp quy của Chính phủ, Bộ TN&MT, UBND tinh. Đồng thời, xây dựng các quy định, hướng dẫn kỹ thuật riêng cho địa phương trong lĩnh vực tài nguyên nước như: Nghị quyết số 97 của HĐND tỉnh về tăng cường hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý, sử dụng nước hợp vệ sinh vùng nông thôn và khai thác, sử dụng các công trình cấp nước tập trung cho nhân dân vùng nông thôn trên địa bàn; Báo cáo số 90 của Đoàn giám sát về kết quả giám sát tình hình sử dụng nước hợp vệ sinh trên địa bàn nông thôn tỉnh Vĩnh Phúc...
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác quản lý, bảo vệ tài nguyên nước đối với các nguồn nước mặt thuộc danh mục sông nội tỉnh và nước dưới đất ở một số địa phương còn chưa hiệu quả. Công tác giám sát khai thác, sử dụng tài nguyên nước tại một số địa phương chưa chặt chẽ, còn có các giếng khai thác tài nguyên nước đã hết hạn, không sử dụng không thực hiện việc trám lấp theo quy định; tình trạng khai thác tài nguyên nước trái phép, vẫn còn xảy ra ở một số địa phương; hiện tượng tổ chức, cá nhân hành nghề khoan thăm dò, khai thác tài nguyên nước không có giấy phép vẫn diễn ra phổ biến.
Nguyên nhân chủ yếu của những tồn tại, hạn chế, bất cập nêu trên là do chưa có sự vào cuộc quyết liệt của một số ngành, cơ quan chức năng và cấp ủy, chính quyền địa phương, thậm chí còn có tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào các cơ quan cấp trên; chưa kịp thời ngăn chặn và xử lý nghiêm các hành vi trong hoạt động khoan thăm dò, khai thác tài nguyên nước trái phép; công tác phối hợp giữa các cấp, các ngành trong công tác quản lý nhà nước về tài nguyên nước chưa chặt chẽ.
Công tác quản lý hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên nước được các địa phương đẩy mạnh triển khai.
Để ngăn ngừa, giảm thiểu tác động tiêu cực từ các hoạt động sản xuất, sinh hoạt đến chất lượng nguồn nước, thời gian qua, UBND tỉnh chỉ đạo Sở TN&MT thực hiện công khai các thông tin liên quan đến khai thác, sử dụng tài nguyên nước; theo dõi, giám sát các biến động về nguồn nước của các tuyến sông, suối, hồ, ao, đầm chính trên địa bàn; siết chặt công tác thẩm định và cấp phép khai thác, sử dụng; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý các vi phạm liên quan đến hoạt động xả thải vào nguồn nước của doanh nghiệp.
Công tác thanh, kiểm tra đã góp phần nâng cao trách nhiệm quản lý nhà nước về tài nguyên nước của các cấp, các ngành liên quan; nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về tài nguyên nước của các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp; phát hiện và ngăn chặn kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực tài nguyên nước, từ đó thay đổi nhận thức của cộng đồng về bảo vệ và sử dụng tiết kiệm, hiệu quả tài nguyên nước. Cùng với đó, tỉnh thực hiện quy hoạch và lắp đặt hệ thống quan trắc môi trường nước; đầu tư, nâng cấp hệ thống thoát nước và xử lý nước thải đô thị; xây dựng các trạm xử lý và kiểm soát nguồn nước thải từ hoạt động sản xuất công nghiệp tại các khu công nghiệp (KCN)...
UBND tỉnh ban hành Quyết định số 2036/QĐ - UBND về danh mục nguồn nước mặt nội tỉnh trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc. Theo đó, toàn tỉnh có 303 nguồn nước mặt nội tỉnh thuộc sông, đoạn sông, suối, kênh, rạch. Trong đó, huyện Vĩnh Tường có số lượng nhiều nhất với 51 sông, đoạn sông, suối, kênh, rạch; tiếp đó là huyện Yên Lạc (37); huyện Tam Dương (32); huyện Bình Xuyên (28) sông, đoạn sông, suối, kênh, rạch... Cùng với đó, UBND ban hành Quyết định số 1687/QĐ - UBND Phê duyệt danh mục 874 hồ, ao, đầm không được san lấp trên địa bàn tỉnh.
Việc lập và ban hành danh mục nguồn nước mặt nội tỉnh cũng như danh mục hồ, ao, đầm không được san lấp nhằm tuân thủ các quy định về quản lý tài nguyên nước; xác định nguồn tài nguyên nước và điều phối, giám sát hoạt động khai thác, sử dụng nguồn tài nguyên nước hợp lý. Đây cũng là cơ sở quan trọng để tổ chức, lập quy hoạch vùng, tỉnh liên quan đến phần đất có mặt nước, từ đó đề ra giải pháp bảo vệ nguồn nước, nghiêm cấm các hành vi san lấp, lấn chiếm và sử dụng trái phép đất thuộc phạm vi hành lang bảo vệ nguồn nước.
Thời gian tới, Sở TN&MT tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra hoạt động khai thác tài nguyên nước, kịp thời phát hiện các hành vi vi phạm về khai thác, sử dụng tài nguyên nước, hành nghề khoan, thăm dò nước dưới đất trái phép; xử lý vi phạm và yêu cầu trám lấp giếng đối với các trường hợp khai thác trái phép nước dưới đất. Kiên quyết xử lý nghiêm đối với các trường hợp vi phạm pháp luật trong khai thác tài nguyên nước. Tổ chức thực hiện xây dựng và đưa vào vận hành hệ thống quan trắc giám sát tài nguyên nước trên địa bàn tỉnh. Chỉ đạo đôn đốc các chủ công trình khai thác tài nguyên nước lắp đặt hệ thống giám sát khai thác tài nguyên nước, tích hợp vào hệ thống giám sát của tỉnh. Đẩy nhanh tiến độ thực hiện nhiệm vụ khoanh định vùng hạn chế khai thác nước dưới đất trên địa bàn tỉnh. Tổ chức thực hiện việc hạn chế khai thác nước dưới đất trên địa bàn tỉnh khi kết quả nhiệm vụ được phê duyệt.
Sở NN&PTNT phối hợp với các Sở, ban, ngành và UBND các huyện, thành phố thực hiện tốt phương án phát triển mạng lưới thủy lợi và cấp nước nông thôn trong quy hoạch tỉnh Vĩnh Phúc thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; khai thác, sử dụng, bảo vệ tài nguyên nước cho sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản và cấp nước sinh hoạt nông thôn. Tham mưu UBND tỉnh cấp giấy phép hoạt động trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi theo đúng quy định; đôn đốc các tổ chức, cá nhân nuôi trồng thủy sản lập hồ sơ đề nghị cấp phép khai thác, sử dụng tài nguyên nước mặt, xả nước thải vào công trình thủy lợi theo thẩm quyền và phạm vi quản lý. Kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn, giám sát các Công ty TNHH MTV thủy lợi, các chủ công trình thủy lợi thực hiện vận hành hồ chứa thủy lợi đảm bảo đúng quy trình đã được phê duyệt; đảm bảo duy trì dòng chảy tối thiểu sau đập theo đúng thiết kế.
UBND tỉnh ban hành danh mục nguồn nước mặt nội tỉnh cũng như danh mục hồ, ao, đầm không được san lấp nhằm bảo vệ chất lượng nguồn nước mặt trên địa bàn tỉnh.
UBND các huyện, thành phố tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát các hoạt động khoan thăm dò, khai thác, sử dụng tài nguyên nước, xả nước thải vào nguồn nước, hành nghề khoan nước dưới đất; các hoạt động khoan, đào thăm dò địa chất, khai thác khoáng sản, xử lý nền móng công trình, xây dựng công trình ngầm, tháo khô mỏ… Xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm pháp luật Tài nguyên nước theo thẩm quyền hoặc kiến nghị cơ quan thẩm quyền xử lý theo quy định.
Chỉ đạo phòng Tài nguyên và Môi trường, UBND cấp xã điều tra, thống kê các giếng khoan, giếng đào đang sử dụng và các giếng không sử dụng; đối với các giếng không sử dụng, yêu cầu chủ quản lý giếng phải thực hiện trám lấp giếng theo quy định; Tổ chức đăng ký hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên nước dưới đất theo quy định Phối hợp với các tổ chức, cá nhân vận hành hồ chứa thủy lợi xây dựng phương án cắm mốc giới hành lang bảo vệ hồ chứa thủy lợi và phối hợp thực hiện việc cắm mốc giới trên thực địa sau khi phương án cắm mốc giới được phê duyệt.
Phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường xây dựng phương án cắm mốc giới hành lang bảo vệ sông, suối, kênh, rạch, hồ tự nhiên, hồ nhân tạo ở đô thị, khu dân cư tập trung và các nguồn nước khác trên địa bàn và phối hợp thực hiện việc cắm mốc giới trên thực địa sau khi phương án cắm mốc giới được phê duyệt; định kỳ, hằng năm trước ngày 15 tháng 11 gửi báo cáo tổng hợp kết quả cắm mốc hành lang bảo vệ nguồn nước về Sở Tài nguyên và Môi trường theo quy định. Các tổ chức, cá nhân hoạt động thăm dò, khai thác tài nguyên nước, xả nước thải vào nguồn nước, hành nghề khoan nước dưới đất chỉ được phép khi được cơ quan có thẩm quyền cấp phép theo quy định; đồng thời chỉ được thực hiện theo phạm vi, quy mô của Giấy phép đã được cấp.
Trường hợp có hoạt động xả nước thải vào nguồn nước thì phải áp dụng công nghệ phù hợp để xử lý nước thải phát sinh tại cơ sở, bảo đảm đạt quy chuẩn cho phép trước khi xả thải vào nguồn nước tiếp nhận và chỉ được xả thải vào nguồn nước tiếp nhận khi được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp phép đối với các trường hợp xả nước thải phải lập hồ sơ đề nghị cấp giấy phép môi trường theo quy định. Thực hiện việc khoan điều tra, khảo sát, thăm dò và khoan khai thác nước dưới đất phải có Giấy phép hành nghề khoan nước dưới đất, có thông báo bằng văn bản đến cơ quan chuyên môn nơi có công trình khai thác, nếu vi phạm sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật tài nguyên nước.
Đức Minh
Bình luận