Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 24/11/2024 03:11
Thứ ba, 26/09/2023 13:09
TMO - Lãnh đạo UBND thành phố Hải Phòng chỉ đạo các địa phương xử lý dứt điểm các trường hợp vi phạm pháp luật về đê điều trên địa bàn thành phố trong tháng 10/2023.
Thời gian qua, tại TP Hải Phòng, nhiều vụ việc vi phạm pháp luật về đê điều, hành lang thoát lũ trên các tuyến sông đã được phát hiện và xử lý. Tuy nhiên, tình trạng vi phạm chưa được xử lý triệt để, các công trình xây dựng liên tiếp được hoàn thiện, gia tăng cả về mức độ và quy mô đang gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến hành lang thoát lũ, an toàn của các tuyến đê.
Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hải Phòng, từ ngày 1/1/2021 đến nay, trên địa bàn thành phố đã phát sinh 70 vụ việc vi phạm xây dựng công trình trên hành lang đê và bãi bồi ven sông, trong đó đã xử lý dứt điểm được 7 trường hợp, còn tồn tại và đang xử lý 63 vụ việc. Trước tình hình này, tại Văn bản số 4986/VP-TL ngày 19.7.2023, các trường hợp vi phạm pháp luật về đê điều đã được thống kê (70 trường hợp) phải xử lý dứt điểm trong tháng 8.2023. Tuy nhiên, theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đến ngày 20.9, mới xử lý dứt điểm được 31/70 trường hợp.
Trước tình hình trên, Phó Chủ tịch UBND thành phố yêu cầu huyện An Lão và Chi cục Thủy lợi và Phòng, chống thiên tai nghiêm túc rút kinh nghiệm trong việc thực hiện nhiệm vụ, đồng thời yêu cầu UBND các quận, huyện phải khẩn trương thực hiện chỉ đạo của Chủ tịch UBND thành phố tại Văn bản số 4986/VP-TL ngày 19/7/2023 và Thông báo kết luận số 221/TB-VP ngày 31/7/2023 của UBND thành phố.
Tình trạng vi phạm pháp luật về đê điều và hành lang thoát lũ, an toàn của các tuyến đê trên địa bàn thành phố Hải Phòng chưa được xử lý triệt để. Ảnh: VQ.
UBND thành phố đồng ý gia hạn thời gian xử lý dứt điểm các trường hợp vi phạm (39/70 trường hợp còn lại), cụ thể: Đối với các vụ việc vi phạm trên địa bàn các quận, huyện: An Dương, Kiến An, Kiến Thuỵ, Tiên Lãng, Vĩnh Bảo phải hoàn thành trong tháng 9/2023; các vụ việc vi phạm trên địa bàn các quận, huyện: Hải An, Lê Chân, An Lão phải hoàn thành trong tháng 10/2023. Chủ tịch UBND các quận, huyện chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND thành phố nếu không hoàn thành việc xử lý sau thời hạn trên.
Lãnh đạo UBND thành phố lưu ý các địa phương, đơn vị trong quá trình thực hiện, nếu cần thiết chủ động xin ý kiến các Sở: Tư pháp, Tài nguyên và Môi trường, Xây dựng, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để thực hiện đúng quy định của pháp luật. Cùng với đó, tiếp tục rà soát các trường hợp vi phạm còn tồn tại (trước ngày 01/01/2021) để xử lý dứt điểm theo quy định. Thường xuyên kiểm tra, phối hợp chặt chẽ với lực lượng quản lý đê điều, kịp thời phát hiện, ngăn chặn, lập biên bản vi phạm hành chính các trường hợp vi phạm pháp luật về đê điều mới phát sinh và xử lý dứt điểm ngay theo thẩm quyền và quy định của pháp luật. Tuyệt đối không để các trường hợp vi phạm mới phát sinh nhưng không được ngăn chặn, xử lý kịp thời.
UBND tỉnh giao Sở NN&PTNT Hải Phòng tiếp tục đôn đốc, tổng hợp kết quả xử lý vi phạm pháp luật về đê điều các địa phương. Kiểm tra cụ thể kết quả xử lý các vi phạm mà các địa phương báo cáo đã xử lý dứt điểm, đảm bảo việc xử lý đúng quy định. Chi cục Thủy lợi và Phòng chống thiên tai, chủ động phối hợp với các địa phương xác định cụ thể hành lang bảo vệ đê (đặc biệt là hành lang bảo vệ đê phía đồng) đối với đê cấp IV để xác định chính xác hành vi vi phạm làm cơ sở để xử lý các hành vi vi phạm. Thường xuyên kiểm tra, kịp thời phát hiện, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về đê điều theo Quy chế phối hợp xử lý vi phạm hành chính về thuỷ lợi, đê điều trên địa bàn thành phố ban hành kèm theo Quyết định số 22/2023/QĐ-UBND ngày 19/7/2023 của UBND thành phố.
Với sự phát triển mạnh các thành phần kinh tế và tốc độ công nghiệp hóa, đô thị hóa nhanh, nhiều dự án triển khai trên địa bàn, nhu cầu sử dụng vật liệu xây dựng các công trình, dự án ngày càng lớn, là một trong những nguyên nhân gia tăng tình trạng vi phạm pháp luật về đê điều trên địa bàn thành phố. Các hình thức vi phạm chủ yếu là xây dựng công trình, nhà xưởng, vật kiến trúc, tôn cao mở rộng mặt bằng, đào đắp nuôi trồng thủy sản, lập trang trại, tập kết vật liệu xây dựng trong hành lang bảo vệ đê điều, bãi sông.
Với tầm quan trọng đặc biệt của vùng cửa biển, các tuyến sông có đê phòng chống lũ tại Hải Phòng bao gồm: sông Hóa, sông Thái Bình, sông Văn Úc, sông Lạch Tray, sông Cấm, sông Vận, sông Kinh Thầy và sông Đá Bạc đã được quy hoạch là đầu mối tiêu thoát lũ nhằm giảm nhẹ gánh nặng về ngập lụt của khu vực đồng bằng sông Hồng. Tuy nhiên, nhiều năm qua một số tuyến sông trên địa bàn Hải Phòng đã và đang tiếp tục bị thu hẹp, nhiều bãi sông được tôn cao để làm các khu nhà xưởng, khu neo đậu, bến bãi tập kết vật liệu xây dựng của nhiều doanh nghiệp, hộ kinh doanh… gây ảnh hưởng không nhỏ đến an toàn thân đê và khả năng thoát lũ khi có mưa bão…
Hoàng Nam
Bình luận