Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 19/01/2025 01:01
Chủ nhật, 04/02/2024 07:02
TMO - Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lâm Đồngđề nghị UBND các huyện, thành phố, Chi cục Kiểm lâm và Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tăng cường công tác quản lý, bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng trước, trong và sau Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024 cũng như tổ chức “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ”.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lâm Đồng, trong năm 2023, công tác quản lý bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng trên địa bàn tỉnh đã có nhiều chuyển biến tích cực. Cụ thể, số vụ vi phạm giảm 66 vụ (tương ứng giảm 25%); diện tích thiệt hại do phá rừng giảm 10,64 ha (tương ứng giảm 40%); số vụ vi phạm có tính chất phức tạp, nổi cộm giảm 5 vụ (tương ứng giảm 22%) so với cùng kỳ năm 2022; các vụ cháy đều được phát hiện và dập tắt kịp thời, không gây thiệt hại đến tài nguyên rừng.
Công tác phát triển rừng cũng tiếp tục được quan tâm và góp phần nâng cao mật độ rừng, chất lượng rừng trên địa bàn tỉnh. Tỷ lệ che phủ rừng năm 2023 dự kiến đạt 54,63%, tăng 0,19% so với năm 2022. Hoạt động giao khoán quản lý bảo vệ rừng từ chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng cũng đã tạo ra một sự chuyển biến trong nhận thức của các cấp, các ngành và người dân trên địa bàn. Điều này đã góp phần quan trọng trong việc cải thiện đời sống của người dân và huy động nguồn lực tại chỗ để tham gia bảo vệ rừng và giảm thiểu các tác động xấu đến tài nguyên rừng.
Lực lượng kiểm lâm đặc biệt chú trọng công tác quản lý, bảo vệ rừng trong dịp Tết Nguyên đán.
Tuy nhiên, công tác quản lý bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng trên địa bàn tỉnh vẫn chưa thực sự hiệu quả và sự vào cuộc ở một số cơ quan, đơn vị trong hệ thống chính trị còn chưa thật sự rõ nét. Tình trạng phá rừng, khai thác rừng trái pháp luật và lấn chiếm đất lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng vẫn chưa được ngăn chặn triệt để. Mặc dù đã có nhiều nỗ lực, tình trạng vi phạm vẫn còn diễn ra, với những vụ vi phạm có tính chất phức tạp và gây thiệt hại lớn đến tài nguyên rừng. Đáng tiếc, việc phát hiện, ngăn chặn và xử lý các vụ vi phạm này vẫn chậm (khối lượng lâm sản bị thiệt hại tăng 3%). Hơn nữa, tỷ lệ vụ vi phạm chưa xác định được đối tượng vi phạm chiếm tỷ lệ khá cao (21,5%), và số vụ án được hoàn thiện điều tra, đưa ra truy tố và xét xử còn rất thấp.
Tình trạng quản lý, phục hồi rừng và đất lâm nghiệp sau khi xử lý vi phạm cũng chưa mang lại hiệu quả, vẫn còn tình trạng để đối tượng canh tác, sử dụng diện tích đất do vi phạm. Ngoài ra, cũng có một số doanh nghiệp được thuê đất và thuê rừng để thực hiện dự án đầu tư, nhưng tiến độ thực hiện chậm và không đúng các hạng mục đã được phê duyệt. Điều này đã dẫn đến việc mất rừng và đất lâm nghiệp bị lấn chiếm, quản lý không được chặt chẽ. Hơn nữa, các doanh nghiệp này chưa tuân thủ việc nộp tiền bồi thường tài nguyên rừng cho diện tích rừng bị mất...
Nhằm phát huy những kết quả đạt được, khắc phục những tồn tại hạn chế, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị UBND các huyện, thành phố: Tiếp tục chỉ đạo quyết liệt các phòng, ban, đơn vị trực thuộc, chính quyền cấp xã, đơn vị chủ rừng, hạt kiểm lâm và cơ quan chức năng có liên quan, tăng cường kiểm tra, giám sát, thực hiện có hiệu quả công tác quản lý bảo vệ rừng để đảm bảo hoàn thành mục tiêu, kế hoạch năm 2024.
Đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ cao, hiện đại trong công tác phòng cháy chữa cháy rừng nhằm phát hiện sớm cháy rừng, thường xuyên theo dõi thông tin cảnh báo cháy rừng của Cục Kiểm lâm; thông tin về dự báo, cảnh báo nguy cơ nắng nóng của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia; sử dụng Flycam để tuần tra, kiểm tra, Camera tầm cao để sớm phát hiện các điểm/đám cháy; bố trí cán bộ kiểm lâm trực tại các trung tâm điều hành thông minh (IOC) của các huyện, thành phố để sớm phát hiện và xử lý kịp thời khi xảy ra cháy rừng; phân công, bố trí lực lượng thường trực để phối hợp, hỗ trợ, tham gia chữa cháy rừng; tuyệt đối không lơ là, chủ quan trước những diễn biến bất thường của thời tiết.
Chỉ đạo Hạt kiểm lâm, các đơn vị chủ rừng và các đơn vị liên quan tổ chức thực hiện quyết liệt các biện pháp, giải pháp theo phương án phòng cháy đã được phê duyệt để thực hiện có hiệu quả công tác phòng cháy chữa cháy rừng (PCCCR) mùa khô 2023-2024, nhất là trong thời gian trước, trong và sau Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024 và các tháng cao điểm trong mùa khô năm 2024; có các phương án bảo đảm lực lượng, vật tư, trang thiết bị và hậu cần theo phương châm 4 tại chỗ để kịp thời xử lý, dập tắt ngay các điểm/đám cháy rừng mới phát sinh, không để bùng phát, cháy lan, cháy lớn.
Phòng cháy chữa cháy rừng là nhiệm vụ quan trọng được các Hạt kiểm lâm đẩy mạnh triển khai. Ảnh: BLĐ.
Trường hợp xảy ra cháy lan, cháy lớn vượt tầm khống chế, kiểm soát của lực lượng tại chỗ thì phải thông báo, huy động lực lượng của cấp huyện, sự hỗ trợ của cấp tỉnh để tham gia chữa cháy rừng; thực hiện nghiêm túc chế độ báo cáo đảm bảo đầy đủ, chính xác, kịp thời phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành và tổ chức PCCCR kịp thời, hiệu quả; khi xảy ra cháy rừng, nhanh chóng chỉ đạo điều tra, xác định nguyên nhân và đối tượng gây ra cháy rừng để xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật;..
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn giao Chi cục Kiểm lâm chỉ đạo Hạt Kiểm lâm các huyện, thành phố tăng cường kiểm tra, giám sát chặt chẽ các khu vực trọng điểm phá rừng, khai thác rừng, lấn chiếm rừng trái pháp luật; đấu tranh, truy quét các “đầu nậu” mua bán, vận chuyển, tàng trữ gỗ, động vật rừng (đặc biệt là các loài động vật nguy cấp, quý, hiếm), các loại lâm sản trái pháp luật; quản lý chặt chẽ, kiểm tra các cơ sở chế biến gỗ, nhất là cơ sở sử dụng gỗ rừng tự nhiên; xử lý nghiêm minh, đúng quy định pháp luật các đối tượng vi phạm, kiên quyết đình chỉ hoạt động cơ sở chế biến gỗ vi phạm các quy định pháp luật của Nhà nước.
Yêu cầu công chức kiểm lâm phụ trách địa bàn các huyện/thành phố thường xuyên bám sát, theo dõi địa bàn để nắm bắt thông tin các khu vực rừng có nguy cơ bị phá, lấn chiếm, khai thác rừng trái pháp luật, kịp thời đề xuất các biện pháp hữu hiệu triển khai việc kiểm tra, phát hiện và ngăn chặn kịp thời các vụ vi phạm; đồng thời, bố trí lực lượng để phối hợp, hỗ trợ các hạt kiểm lâm, các cơ quan, đơn vị, địa phương trong công tác quản lý bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng tại các huyện/thành phố được giao phụ trách theo quy định;..
Hồng Hạnh
Bình luận