Hotline: 0941068156
Thứ bảy, 16/11/2024 11:11
Thứ sáu, 08/11/2024 06:11
TMO - Cùng với việc phát động các phong trào xây dựng cảnh quan, ngăn chặn các hành vi hủy hoại môi trường, khắc phục các điểm ô nhiễm thì hoạt động bảo tồn, nhân rộng các mô hình sinh thái có ý nghĩa rất quan trọng, hướng tới giữ gìn môi trường an toàn, bền vững trên địa bàn huyện huyện Ia Grai (tỉnh Gia Lai).
Trong quá trình phát triển kinh tế, tỉnh Gia Lai luôn khẳng định không đánh đổi yếu tố môi trường và coi lĩnh vực này là một trong những “trụ cột” quan trọng để thu hút đầu tư, kiến tạo môi trường xanh, lấy chất lượng, hiệu quả, và bảo vệ môi trường làm tiêu chí hàng đầu. Đặc biệt, nội dung bảo vệ môi trường còn được nhấn mạnh trong nhiều đồ án quy hoạch, cũng như các Nghị quyết, Quyết định quan trọng của tỉnh cũng như các huyện trên địa bàn Gia Lai.
Đơn cử tại huyện Ia Grai, ngay từ năm 2021 huyện ủy Ia Grai đã ban hành Nghị quyết số 06-NQ/HU về đảm bảo vệ sinh môi trường và thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt trên địa bàn giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2030. Mục tiêu của huyện là: Đến năm 2025, tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt được thu gom, xử lý ở đô thị đạt 90% và ở khu vực nông thôn đạt 60%. Qua hơn 3 năm triển khai Nghị quyết số 06-NQ/HU của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện, việc thu gom và xử lý rác sinh hoạt trên địa bàn xã Ia Khai đạt 70%.
Tại các thôn bản, việc bảo vệ môi trường sinh thái được tập trung, chú trọng triển khai. Thực hiện tiêu chí môi trường và an toàn thực phẩm trong xây dựng nông thôn mới, các thôn, bản đã chỉ đạo, phân công cán bộ, đảng viên và các hội, đoàn thể tập trung tuyên truyền, vận động, yêu cầu người dân ký cam kết giữ gìn vệ sinh môi trường, thu gom, xử lý, phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn.
Đáng chú ý, chính quyền các địa phương đã hướng dẫn người dân tự phân loại rác thải hữu cơ để đào hố chôn ở vườn làm phân bón; rác thải nhựa để riêng bán phế liệu. Theo Lãnh đạo UBND xã Ia Khai, UBND xã đã chỉ đạo các thôn, làng vận động người dân tự đào hố để chứa rác thải hữu cơ ngay tại vườn nhà.
Đồng thời, tổ chức cho người dân ký cam kết về bảo vệ môi trường tại khu dân cư; xây dựng các mô hình, câu lạc bộ như: “Chống rác thải nhựa”, “Phụ nữ nói không với rác thải nhựa”, “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”. Ngoài ra, xã tổ chức các hoạt động dọn vệ sinh đường làng ngõ xóm, phát quang bụi rậm, nạo vét kênh mương, cống rãnh, thu gom các loại chai đựng thuốc bảo vệ thực vật... góp phần bảo vệ môi trường an toàn, sạch sẽ.
Các địa phương trên địa bàn huyện Ia Grai (tỉnh Gia Lai) đã chú trọng công tác dọn dẹp vệ sinh bảo vệ môi trường. (Ảnh minh hoạ: NH).
Còn tại xã Ia Yok, ngay từ năm 2016 đến nay, UBND xã Ia Yok đã hợp đồng với Tổ hợp tác thu gom rác thải để tiến hành xử lý rác thải sinh hoạt tại các thôn, làng trên địa bàn. Ở những khu vực xa, thưa dân cư, UBND xã chỉ đạo các thôn, làng vận động người dân tự đào hố chôn lấp rác ở trong vườn nhà. Lãnh đạo UBND xã Ia Yok cho hay, nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, tỷ lệ thu gom, phân loại và xử lý rác thải trên địa bàn đạt trên 80%.
Xã cũng đã bố trí bể chứa đặt ở các cánh đồng để người dân chủ động bỏ vỏ bao bì, chai đựng thuốc bảo vệ thực vật. Lãnh đạo Tài nguyên và Môi trường huyện Ia Grai thông tin, hàng năm, UBND huyện ban hành kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/HU.
Đến nay, huyện đã hoàn thành việc đầu tư xây dựng nhà quản lý và đường điện 3 pha vào bãi chôn lấp rác tập trung tại xã Ia Bă; giải phóng mặt bằng toàn bộ khu quy hoạch bãi chôn lấp rác xã Ia Yok để bàn giao về UBND xã Ia Yok quản lý. Bên cạnh đó, 12 xã, thị trấn đã thành lập tổ thu gom và xử lý rác thải hoặc hợp đồng với đơn vị thu gom và xử lý rác sinh hoạt tập trung.
Riêng khu vực thị trấn Ia Kha đã mở rộng địa bàn thu gom và xử lý rác sinh hoạt tập trung đến 13/13 tổ dân phố, thôn, làng. Đến nay, tỷ lệ thu gom và xử lý rác sinh hoạt tập trung tại khu vực đô thị đạt 89,17% và khu vực nông thôn đạt 59%.
Trong giai đoạn tiếp theo, Phòng Tài nguyên và Môi trường tiếp tục tham mưu UBND huyện chỉ đạo cơ quan chuyên môn và UBND các xã, thị trấn duy trì công tác thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt tại nguồn nhằm đạt mục tiêu Nghị quyết đề ra. Theo đó, huyện tập trung đầu tư nâng cấp bãi chôn lấp rác thải sinh hoạt tập trung tại xã Ia Bă; duy trì tốt công tác thu gom, xử lý rác thải tại bãi rác tập trung ở xã Ia Yok và bãi rác cụm các xã phía Tây huyện tại xã Ia Krái để tránh tình trạng ùn ứ rác gây ô nhiễm môi trường.
Để xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, xả thải ra môi trường, trước đó, vào năm 2023, thông tin từ phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Ia Grai UBND, huyện đã ra quyết định xử phạt 32,5 triệu đồng đối với 1 cơ sở chăn nuôi heo vi phạm quy định về môi trường; UBND cấp xã xử phạt 9 cơ sở hoạt động sấy nông sản gây ô nhiễm.
Đến nay, các cơ sở vi phạm đã thực hiện các biện pháp khắc phục như: bổ sung hồ sơ đăng ký môi trường nộp về UBND xã quản lý theo dõi; tuân thủ chế độ, thời gian hoạt động theo quy định, lắp đặt trang-thiết bị về xử lý chất thải nhằm hạn chế ảnh hưởng môi trường và có một số hộ di dời cơ sở hoạt động ra khỏi khu dân cư.
Với việc triển khai đồng bộ các giải pháp về quản lý, bảo vệ môi trường, huyện Ia Grai (tỉnh Gia Lai) đã từng bước nâng cao nhận thức, trách nhiệm cũng như thay đổi hành vi của người dân trong tham gia bảo vệ môi trường sinh thái.
Hồng Nhung
Bình luận