Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 19/01/2025 18:01
Thứ bảy, 04/05/2024 07:05
TMO - UBND tỉnh Tây Ninh yêu cầu các sở, ngành, địa phương, đơn vị có liên quan tăng cường kiểm tra, giám sát các hoạt động trong phạm vi bảo vệ công trình theo quy định của pháp luật, để đảm bảo an toàn công trình, chất lượng nước trong hồ, nâng cao hiệu quả khai thác tổng hợp phục vụ đa mục tiêu hồ chứa nước Dầu Tiếng.
Hồ Dầu Tiếng được đưa vào khai thác, sử dụng năm 1984, với diện tích lưu vực 270km2, hồ chứa nước Dầu Tiếng được xếp vào loại công trình thủy lợi quan trọng cấp đặc biệt; có nhiệm vụ đa mục tiêu là cung cấp nước phục vụ sản xuất nông nghiệp, sinh hoạt cho các tỉnh Tây Ninh, Bình Dương, Long An, TP.HCM; cắt giảm lũ, đẩy mặn cho vùng hạ du sông Sài Gòn.
Để đảm bảo an toàn công trình, nâng cao hiệu quả khai thác tổng hợp phục vụ đa mục tiêu hồ chứa nước Dầu Tiếng, UBND tỉnh Tây Ninh đề nghị các Sở, ngành liên quan, UBND các huyện: Tân Châu, Dương Minh Châu và Công ty TNHH MTV Khai thác thủy lợi Miền Nam, Công ty TNHH MTV Khai thác thủy lợi Tây Ninh tăng cường công tác bảo đảm an toàn hồ chứa nước Dầu Tiếng. Trong đó, đặc biệt quan tâm công tác kiểm tra, giám sát các hoạt động trong phạm vi bảo vệ công trình theo quy định của pháp luật về thủy lợi, khoáng sản, môi trường, giao thông đường thủy nội địa và các pháp luật liên quan theo thẩm quyền.
Cụ thể, về kiểm tra, giám sát chặt chẽ, UBND tỉnh Tây Ninh giao Sở NN&PTNT chủ trì và phối hợp với Sở Công Thương, Sở TN&MT, Công ty TNHH MTV Khai thác thủy lợi miền Nam, Công ty TNHH MTV Khai thác thủy lợi Tây Ninh và UBND các huyện: Tân Châu, Dương Minh Châu theo dõi chặt chẽ các hoạt động trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi; các hoạt động chỉ được thực hiện khi có giấy phép hoạt động trong vi bảo vệ công trình thủy lợi theo quy định của Luật Thủy lợi và các văn bản hướng dẫn Luật Thủy lợi.
Sở TN&MT Tây Ninh tăng cường kiểm tra các hoạt động khai thác khoáng sản, hoạt động xả nước thải vào lòng hồ. Ảnh: TL.
Sở TN&MT Tây Ninh chủ trì, phối hợp Sở NN&PTNT và các đơn vị liên quan tăng cường kiểm tra các hoạt động khai thác khoáng sản, hoạt động xả nước thải vào lòng hồ, chất lượng nguồn nước, đặc biệt trong thời gian mực nước hồ xuống thấp; kiểm tra các điều kiện hoạt động khai thác khoáng sản trong lòng hồ: bến bãi tập kết, bể lắng, trạm cân, camera, thiết bị giám sát hành trình; thực hiện nhiệm vụ Tổ tác nghiệp về kiểm tra, xử lý, chấn chỉnh hoạt động khai thác, mua bán, vận chuyển cát trong hồ Tha La, hồ Dầu Tiếng; làm rõ các thông tin cơ quan báo chí đưa tin trong thời gian qua; xử lý nghiêm các vi phạm (nếu có) theo thẩm quyền.
UBND tỉnh Tây Ninh đề nghị Công ty TNHH MTV Khai thác thủy lợi miền Nam khẩn trương thực hiện công tác quản lý, bảo vệ và khai thác hồ chứa nước Dầu Tiếng; triển khai thực hiện Quy chế phối hợp và công tác quản lý, khai thác, bảo vệ hồ chứa nước Dầu Tiếng; kiểm tra các hoạt động đang diễn ra trong lòng hồ; theo dõi chất lượng nguồn nước hồ, đẩy nhanh tiến độ dự án Sửa chữa, nâng cấp hệ thống thủy lợi Dầu Tiếng (giai đoạn 2); Kế hoạch cấp nước phòng, chống nắng nóng, hạn, thiếu nước mùa khô năm 2024; chuẩn bị kế hoạch kiểm tra an toàn công trình thủy lợi mùa mưa, lũ năm 2024 và an toàn cấp nước, an toàn vùng hạ du hồ Dầu Tiếng.
Sở NN&PTNT chủ trì, tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật đến các tổ chức, cá nhân về bảo vệ bảo đảm an toàn tuyệt đối cho hồ Dầu Tiếng. Còn UBND các huyện: Tân Châu, Dương Minh Châu thực hiện chức năng quản lý nhà nước đối với hoạt động trong công trình thủy lợi hồ Dầu Tiếng, hồ Tha La; tuyên truyền, phổ biến pháp luật đến các tổ chức, cá nhân về bảo vệ bảo đảm an toàn tuyệt đối cho hồ Dầu Tiếng; kiểm tra, xử lý các hoạt động vi phạm trong công trình thủy lợi (nếu có) theo thẩm quyền.
Bộ NN&PTNT nhấn mạnh, hồ Dầu Tiếng là công trình thuỷ lợi quan trọng đặc biệt, liên quan đến ninh quốc gia; công trình khai thác tổng hợp phục vụ đa mục tiêu, trong đó có nhiệm vụ cấp nước cho sản xuất nông nghiệp, sinh hoạt, công nghiệp cho các tỉnh Tây Ninh, Bình Dương, Bình Phước, Long An và TP.HCM. Từ khi công trình đưa vào vận hành khai thác đến nay gần 40 năm đã phát huy hiệu quả nhiệm vụ của hồ chứa, góp phần phát triển kinh tế - xã hội các tỉnh trong khu vực.
Bộ NN&PTNT yêu cầu các địa phương giám sát những hoạt động trong phạm vi bảo vệ hồ Dầu Tiếng. Ảnh: TTX.
Để bảo đảm an toàn công trình, môi trường và chất lượng nước trong hồ Dầu Tiếng, nâng cao hiệu quả khai thác tổng hợp phục vụ đa mục tiêu, Bộ NN&PTNT đề nghị UBND 3 tỉnh giáp với hồ Dầu Tiếng chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan tại địa phương thực hiện nghiêm các nội dung tại Thông báo số 5118/TB-BNN-VP ngày 5.8.2022 của Bộ NN&PTNT tại cuộc họp về công tác quản lý, bảo vệ, khai thác hồ Dầu Tiếng.
Các địa phương phải đặc biệt quan tâm công tác kiểm tra, giám sát những hoạt động trong phạm vi bảo vệ công trình thuỷ lợi quan trọng này theo quy định của pháp luật về thuỷ lợi, khoáng sản, môi trường, giao thông đường thuỷ nội địa và các quy định liên quan theo thẩm quyền. Cơ quan nào cấp giấy phép thì chịu trách nhiệm tổ chức kiểm tra, giám sát các hoạt động của tổ chức, cá nhân được cấp giấy phép. Đồng thời, tăng cường quản lý chặt chẽ những hoạt động trong phạm vi bảo vệ công trình thuỷ lợi thuộc trách nhiệm quản lý nhà nước của các địa phương, đặc biệt là hoạt động khai thác khoáng sản có nguy cơ cao gây ảnh hưởng đến chất lượng nước hồ Dầu Tiếng, nhất là trong giai đoạn các tháng mùa khô.
Bộ NN&PTNT chỉ đạo không để xảy ra hoạt động khai thác khoáng sản ngoài thời gian quy định của giấy phép, bảo đảm tuân thủ đúng các nội dung quy trình kỹ thuật khai thác, cũng như các nội dung liên quan được quy định tại giấy phép đã cấp cho các tổ chức hoạt động trong phạm vi bảo vệ hồ Dầu Tiếng.
UBND các tỉnh Tây Ninh, Bình Dương, Bình Phước thực hiện kiểm tra, rà soát, có biện pháp giải quyết các tồn tại đối với những hoạt động khai thác khoáng sản trái phép, vi phạm phạm vi bảo vệ hồ Dầu Tiếng, làm rõ các thông tin mà cơ quan báo chí đưa tin trong thời gian qua, xử lý nghiêm vi phạm (nếu có) theo thẩm quyền quản lý của địa phương; tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật đến các tổ chức, cá nhân về bảo vệ bảo đảm an toàn tuyệt đối cho hồ Dầu Tiếng.
UBND các tỉnh giáp hồ phối hợp Công ty KTTL miền Nam xây dựng kế hoạch để thực hiện Quy chế phối hợp số 04/QCPH-BNN-UBND ngày 2.6.2021 đã được ký kết giữa Bộ NN&PTNT và UBND các tỉnh có liên quan trong quản lý, khai thác, bảo vệ hệ thống thuỷ lợi Dầu Tiếng - Phước Hoà. Trong đó, chỉ đạo các đơn vị xây dựng chương trình, kế hoạch phối hợp cụ thể, xác định rõ trách nhiệm của các đơn vị để bảo đảm chặt chẽ sự tương đồng về chức năng, nhiệm vụ trong công tác phối hợp, tham mưu cho UBND các tỉnh và Bộ NN&PTNT.
Minh Thu
Bình luận