Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 19/01/2025 23:01
Thứ sáu, 16/02/2024 07:02
TMO - UBND tỉnh Lâm Đồng yêu cầu các ngành chức năng, địa phương, các đơn vị thực hiện quy định của pháp luật về quản lý an toàn đập, hồ chứa nước.
Thống kê của Sở NN&PTNT cho thấy, toàn tỉnh Lâm Đồng hiện có 435 công trình thủy lợi, chủ động cấp nước tưới cho khoảng 46.619 ha đất canh tác. Trong đó, gồm 223 hồ chứa và liên hồ chứa; 91 đập tạm và 12 kênh tiêu; 90 đập dâng; 19 trạm bơm; khoảng 1.200 km kênh mương. Qua rà soát sau mùa mưa bão năm 2021 đến nay, toàn tỉnh Lâm Đồng có 68 hồ chứa nước bị hư hỏng, xuống cấp do xây dựng lâu năm hoặc thi công không đảm bảo yêu cầu kỹ thuật. Trong đó, 12 công trình đã đưa vào kế hoạch bố trí vốn; 56 công trình hiện đang thiếu nguồn kinh phí sửa chữa, nguy cơ xảy ra sự cố mất an toàn trong mùa mưa bão và cả trong mùa khô hàng năm.
Để đảm bảo an toàn các công trình thủy lợi trên địa bàn, mục tiêu đến năm 2025 của tỉnh Lâm Đồng phải đạt các tỷ lệ gồm: 100% hồ đập kiểm định an toàn, quy trình vận hành được phê duyệt; 100% hồ chứa lớn được quản lý, vận hành, dự báo bằng công nghệ thông tin; 100% cán bộ quản lý, khai thác công trình thủy lợi được đào tạo, tập huấn chuyên môn. Đặc biệt, “xác định rõ trách nhiệm của các sở, ngành, chính quyền địa phương các cấp, các đơn vị quản lý, vận hành công trình thủy lợi theo phân cấp. Qua đó, các đập, hồ chứa thủy lợi bị hư hỏng, xuống cấp, có nguy cơ mất an toàn cao được thống kê đầy đủ, có kế hoạch và kinh phí triển khai sửa chữa. Đồng thời, xử lý các tổ chức, cá nhân không thực hiện đầy đủ quy định của pháp luật về quản lý an toàn đập, hồ chứa nước…
UBND tỉnh Lâm Đồng yêu cầu các ngành chức năng, địa phương, các đơn vị thực hiện quy định của pháp luật về quản lý an toàn đập, hồ chứa nước.
UBND tỉnh Lâm Đồng đã yêu cầu các đơn vị thực hiện quy định của pháp luật về quản lý an toàn đập, hồ chứa nước. UBND tỉnh Lâm Đồng giao các sở: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương, UBND các huyện thành phố Đà Lạt và Bảo Lộc yêu cầu các đơn vị quản lý công trình thủy lợi, thủy điện thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật. UBND tỉnh yêu cầu kiên quyết xử lý đối với các đơn vị không thực hiện đầy đủ quy định của pháp luật về quản lý an toàn công trình thủy lợi, thủy điện; thường xuyên theo dõi diễn biến thời tiết, công tác vận hành, bảo đảm an toàn hồ đập, an toàn tài sản, tính mạng của người dân.
Sở Công Thương chủ trì, phối hợp với UBND các huyện, thành phố Đà Lạt, Bảo Lộc, đơn vị liên quan kiểm tra, đôn đốc các chủ đập, đơn vị quản lý, vận hành công trình đập thủy điện kịp thời phát hiện, khắc phục tồn tại, sự cố phát sinh trong quá trình vận hành khai thác hồ đập thủy điện và triển khai công tác đảm bảo an toàn hồ đập thủy điện trên địa bàn tỉnh theo thẩm quyền và trách nhiệm được giao. Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn chủ trì, phối hợp với UBND các huyện, thành phố Đà Lạt, Bảo Lộc, đơn vị liên quan kiểm tra, đôn đốc các chủ đập, đơn vị quản lý, vận hành công trình đập thủy lợi kịp thời phát hiện, khắc phục tồn tại, sự cố phát sinh trong quá trình vận hành khai thác công trình thủy lợi và triển khai công tác đảm bảo an toàn hồ đập thủy lợi trên địa bàn tỉnh theo thẩm quyền và trách nhiệm được giao.
UBND tỉnh cho biết, để đạt mục tiêu an toàn hồ, đập đến năm 2025 nêu trên, toàn tỉnh Lâm Đồng cần đồng bộ 5 nhóm giải pháp trọng tâm. Trước hết là nhóm giải pháp về quản lý, lập, điều chỉnh, bổ sung quy trình vận hành, phương án ứng phó tình huống khẩn cấp, quy trình bảo trì, kiểm định an toàn hồ, đập; đầu tư ứng dụng hệ thống trang thiết bị hỗ trợ nâng cao năng lực vận hành ứng phó với mưa lũ. Đối với các công trình đang sửa chữa hoặc xây dựng mới, chủ đầu tư thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, đẩy nhanh tiến độ thi công vượt lũ, chống lũ an toàn. Trước, trong và sau mùa mưa lũ phải thường xuyên kiểm tra đập, hồ chứa nước, thực hiện nghiêm túc phương châm “4 tại chỗ” trong xử lý sự cố công trình, tổ chức trực ban 24/24 giờ trong mùa mưa lũ.
Các địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến rộng rãi trong cộng đồng về tầm quan trọng của công tác đảm bảo an toàn hành lang công trình thủy lợi.
Thứ hai, từ tỉnh đến cơ sở sắp xếp bộ máy tổ chức, hoàn thiện, nâng cao năng lực của đội ngũ làm công tác quản lý, khai thác công trình thủy lợi, nhất là tăng cường năng lực chuyên môn trong kiểm tra, quan trắc, dự báo an toàn hồ, đập. Thứ ba, định kỳ hàng năm, kiểm tra, rà soát, tổng hợp đề xuất phân bổ kinh phí sửa chữa, cải tạo các công trình ưu tiên đầu tư theo quy mô và mức độ hư hỏng. Đồng thời, xã hội hóa các nguồn lực huy động để góp phần giảm kinh phí quản lý an toàn hồ, đập từ ngân sách Nhà nước.
Thứ tư, tuyên truyền, phổ biến rộng rãi trong cộng đồng về tầm quan trọng của công tác đảm bảo an toàn hành lang công trình thủy lợi; chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương, đơn vị thực hiện các quy định pháp luật về quản lý an toàn hồ, đập. Thứ năm, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý các tổ chức, cá nhân không thực hiện đầy đủ quy định pháp luật vế quản lý an toàn hồ, đập, vi phạm về hành lang bảo vệ công trình thủy lợi…
Dự kiến tổng kinh phí triển khai kế hoạch đảm bảo an toàn hồ, đập đến năm 2025 trên địa bàn Lâm Đồng khoảng 651,6 tỷ đồng. Cụ thể, gồm 553,5 tỷ đồng kinh phí sửa chữa 56 công trình hư hỏng; 64,5 tỷ đồng triển khai phương án ứng phó tình huống khẩn cấp, kiểm định, cắm mốc chỉ giới phạm vi bảo vệ an toàn hồ, đập; 33 tỷ đồng lắp đặt thiết bị quan trắc vận hành công trình, cảnh báo lũ hạ du cho các hồ chứa lớn.
Bùi Hằng
Bình luận