Hotline: 0941068156
Thứ bảy, 18/01/2025 12:01
Thứ hai, 02/12/2024 06:12
TMO - Trước tình trạng thời tiết hanh khô kéo dài, công tác phòng cháy, chữa cháy rừng (PCCCR) được các cấp, ngành và lực lượng chức năng trong tỉnh Lai Châu đặc biệt quan tâm, đồng thời triển khai nhiều giải pháp phòng ngừa quyết liệt nhằm nâng cao ý thức của người dân và bảo vệ diện tích rừng trên địa bàn tỉnh.
Tỉnh Lai Châu có 494.841,24ha rừng (trong đó có 229.682,51ha rừng thuộc vùng trọng điểm nguy cơ cháy rừng cao và rất cao). Trong thời gian qua, công tác quản lý, bảo vệ rừng và PCCCR đã được cấp ủy, chính quyền các cấp từ tỉnh đến cơ sở quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo; các ngành, các cấp đã thực hiện tốt công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về lĩnh vực lâm nghiệp, góp phần nâng cao ý thức, trách nhiệm về bảo vệ rừng và PCCCR của các chủ rừng và Nhân dân.
Các lực lượng công an, quân đội, dân quân tự vệ, kiểm lâm, các tổ chuyên trách bảo vệ rừng đã thực hiện tốt quy chế phối hợp trong công tác quản lý, bảo vệ rừng, PCCCR; các hành vi vi phạm pháp luật về lâm nghiệp được phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời, đúng quy định. Trước mùa khô, tỉnh đã xây dựng và triển khai kế hoạch phòng chống cháy rừng chi tiết, cụ thể. Các tổ, đội PCCCR được thành lập và duy trì hoạt động ở từng địa phương.
Hệ thống các bảng tin cảnh báo cháy rừng, bản đồ dự báo nguy cơ cháy rừng được cập nhật thường xuyên để các cấp chính quyền và người dân chủ động ứng phó. Tuy nhiên do địa hình đồi núi cao, hiểm trở, việc tiếp cận các khu rừng cháy gặp nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, thời tiết khô hanh kéo dài, các hoạt động canh tác nông nghiệp gắn liền với rừng như đốt nương và việc người dân vào rừng khai thác tài nguyên còn tồn tại những hành vi thiếu ý thức, đã góp phần gia tăng nguy cơ cháy rừng. Tính từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 42 vụ cháy làm ảnh hưởng 58,85ha rừng tự nhiên, rừng trồng.
Cháy rừng không chỉ gây tổn thất nghiêm trọng về tài nguyên thiên nhiên mà còn để lại những hậu quả lâu dài đối với môi trường, kinh tế và đời sống của người dân. Khi rừng bị thiêu rụi, thảm thực vật bị phá hủy, đất đai bị xói mòn, mất đi khả năng giữ nước, làm gia tăng nguy cơ lũ quét và sạt lở đất. Không khí cũng bị ô nhiễm nặng nề do khói bụi từ các đám cháy, tác động tiêu cực đến sức khỏe con người và hệ sinh thái.
Lực lượng chức năng tỉnh Lai Châu diễn tập dập tắt đám cháy rừng. (Ảnh minh hoạ: MN).
Tỉnh Lai Châu hiện có 229.682,51ha rừng thuộc vùng trọng điểm nguy cơ cháy rừng cao và rất cao. Thời điểm này đã bắt đầu bước vào mùa khô hanh, để bảo vệ “lá phổi xanh”, giảm thiểu đến mức thấp nhất số vụ cháy và diện tích rừng bị cháy trong mùa khô hanh năm 2024 - 2025, tỉnh Lai Châu đã và đang triển khai các giải pháp cụ thể như: chỉ đạo UBND các huyện, thành phố tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả Luật Lâm nghiệp và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật.
Củng cố, kiện toàn và tăng cường hoạt động của Ban Chỉ huy PCCCR các cấp tại địa phương; tổ chức tổng kết rút kinh nghiệm công tác bảo vệ rừng, PCCCR năm 2024. Duy trì các tổ đội chuyên trách bảo vệ rừng thôn, bản; rà soát, bố trí lực lượng, phương tiện chủ động sẵn sàng tham gia chữa cháy rừng theo đúng phương châm "bốn tại chỗ". Kiểm soát chặt chẽ người ra vào những khu vực rừng có nguy cơ cháy cao; nghiêm cấm các hoạt động có sử dụng lửa trong rừng, ven rừng…
Chủ tịch UBND các huyện, thành phố chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh và trước pháp luật nếu buông lỏng, thiếu trách nhiệm trong quản lý, chỉ đạo để xảy ra cháy rừng, phá rừng, khai thác, mua bán, vận chuyển lâm sản trái pháp luật trên địa bàn. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tăng cường chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc các địa phương, đơn vị, chủ rừng thực hiện nghiêm các biện pháp phòng cháy chữa cháy rừng theo phương châm "bốn tại chỗ".
Phối hợp với các sở, ngành, đơn vị có liên quan tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao ý thức, trách nhiệm trong công tác phòng cháy chữa cháy rừng; chủ động sẵn sàng lực lượng, phương tiện, thiết bị, dụng cụ, ứng cứu chữa cháy rừng khi có cháy lớn xảy ra trên địa bàn tỉnh.
Thường xuyên theo dõi tình hình thời tiết, cảnh báo cấp dự báo cháy rừng để phối hợp với các cơ quan thông tin, truyền thông tổ chức tuyên truyền đến người dân khi dự báo cháy rừng ở cấp IV và cấp V… Thực hiện nghiêm chế độ thông tin, báo cáo về Ban Chỉ huy PCCCR của tỉnh thông qua cơ quan thường trực Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để tổng hợp và tham mưu cho Trưởng Ban Chỉ huy PCCCR tỉnh và Chủ tịch UBND tỉnh có phương án chỉ đạo.
Các lực lượng: Công an tỉnh, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh chủ động sẵn sàng lực lượng, phương tiện để tham gia chữa cháy rừng; chỉ đạo các đơn vị trực thuộc sẵn sàng lực lượng, phương tiện, vật tư kịp thời ứng cứu các tình huống khẩn cấp về cháy rừng khi có yêu cầu của địa phương…
Là tỉnh miền núi biên giới, Lai Châu có nguồn tài nguyên rừng phong phú và đa dạng. Tuy nhiên, mùa khô hanh từ tháng 11 đến tháng 4 hàng năm luôn tiềm ẩn nguy cơ cháy rừng cao. Do đó, để bảo vệ nguồn tài nguyên quý giá này, tỉnh Lai Châu đã và đang triển khai nhiều biện pháp quyết liệt nhằm phòng cháy, chữa cháy rừng (PCCCR) hiệu quả. Trong đó, chú trọng công tác phối hợp tuần tra bảo vệ rừng, luyện tập phương án chữa cháy rừng; đồng thời tuyên truyền, vận động người dân nâng cao ý thức bảo vệ rừng. Công tác bảo vệ rừng được các địa phương chú trọng thực hiện. Đơn cử như tại xã Pa Vây Sử - một xã vùng cao biên giới của huyện Phong Thổ. Toàn xã có tổng diện tích tự nhiên 4.200,08ha, trong đó, diện tích có rừng là 2.934,65ha, diện tích rừng phòng hộ là 2.901,82ha, diện tích rừng sản xuất là 32,83ha.
Các lực lượng chuyên trách tỉnh Lai Châu tuần tra, bảo vệ rừng. (Ảnh minh hoạ).
Xác định công tác PCCCR là nhiệm vụ quan trọng nhằm bảo vệ tài nguyên thiên nhiên và môi trường sống, ngay từ đầu năm, xã đã kiện toàn Ban Chỉ huy PCCCR xã. Duy trì 6 tổ chuyên trách bảo vệ rừng, Chi trả dịch vụ môi trường rừng và PCCCR ở các bản. Xây dựng phương án, kế hoạch bảo vệ rừng và phòng chống cháy rừng mùa khô năm 2024-2025.
Chỉ đạo các bản triển khai họp bản, tuyên truyền Luật Lâm nghiệp, ký cam kết bảo vệ rừng, PCCCR và chi trả dịch vụ môi trường rừng giữa các hộ gia đình với các trưởng bản; giữa 6 trưởng bản với Chủ tịch UBND xã. Phân công lực lượng canh gác lửa rừng 24/24 giờ, đặc biệt trong mùa khô để phát hiện sớm đám cháy, huy động lực lượng dập tắt kịp thời. Lãnh đạo UBND xã cho biết, xã Pa Vây Sử có 6 bản với 485 hộ, 2.297 nhân khẩu. Xác định công tác tuyên truyền đóng vai trò quan trọng nhằm nâng cao nhận thức cho người dân về nguy cơ cháy rừng, xã đã đẩy mạnh tuyên truyền về tầm quan trọng của rừng và các biện pháp PCCCR.
Các tổ đội PCCCR tại chỗ được thành lập, đảm bảo phản ứng kịp thời khi xảy ra sự cố. Ngoài ra, việc tuần tra, kiểm soát các khu vực rừng trọng yếu được xã thực hiện định kỳ, kết hợp với việc xây dựng các đường băng cản lửa và cấm lửa trong rừng... Nhờ làm tốt công tác bảo vệ rừng, PCCCR, nhận thức của người dân ngày càng được nâng cao. Bà con hiểu sâu sắc hơn về vai trò, giá trị của rừng đối với đời sống nhân dân.
Mùa khô năm 2023 - 2024 trên địa bàn xã Pa Vây Sử không xảy ra các vụ vi phạm pháp luật về rừng. Tổng số tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng năm 2023 đạt hơn 3 tỷ đồng. Độ che phủ của rừng của xã đạt 69,87%, nhân dân yên tâm gắn bó và bảo vệ rừng, quyết tâm bảo vệ “lá phổi xanh” của Pa Vây Sử.
Bước vào mùa hanh khô, thời tiết diễn biến bất thường sẽ làm gia tăng nguy cơ cháy rừng, nhất là các khu vực trọng điểm. Vì vậy, việc chú trọng tăng cường lực lượng, phương tiện, vật tư thực hiện tốt phương châm “4 tại chỗ” trong công tác phòng cháy, chữa cháy rừng đóng vai trò rất quan trọng. Cùng với sự chủ động của các cấp, các ngành thì người dân cũng cần có ý thức bảo vệ, PCCCR nhất là vào những ngày tiết hành khô, nắng nóng. Từ đó, góp phần ngăn chặn các vụ cháy rừng, bảo vệ diện tích rừng hiện có và nâng cao tỷ lệ che phủ rừng.
Xuân Sinh
Bình luận