Hotline: 0941068156
Thứ năm, 21/11/2024 17:11
Thứ bảy, 26/10/2024 06:10
TMO - Hiện nay, tình trạng sạt lở, thiếu nước ngọt vùng Đồng bằng Sông Cửu Long đang diễn ra ngày càng phức tạp, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống, sinh hoạt của người dân. Trước tình hình này, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tập trung, tăng cường các giải pháp để giải quyết hiện trạng thiếu nước ngọt và ngăn chặn nguy cơ sạt lở bờ sông, lòng sông.
Theo nhận định của các chuyên gia, tốc độ sạt lở, sụt lún ở Đồng bằng sông Cửu Long đang diễn ra đến mức đáng báo động. Nếu như trước năm 2005, mỗi năm vùng đồng bằng châu thổ được bồi 100ha đất thì khoảng 15 năm trở lại đây, mỗi năm đồng bằng bị mất tới hơn 350ha đất. Theo kết quả thống kê gần đây của viện Khoa học Thủy lợi miền Nam, toàn vùng đang có 743 điểm sạt lở, gồm bờ sông 686 điểm, dài 591km; bờ biển 57 điểm, dài 203km.
Do đó, việc đầu tư, cải thiện hạ tầng cho vùng Đồng bằng sông Cửu Long và triển khai đồng bộ nhiều giải pháp đã giúp vùng ĐBSCL tăng cường khả năng ứng phó trước mối đe dọa ngày càng khốc liệt của thiên tai là rất cấp thiết.
Để triển khai thực hiện, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết tới đây sẽ phối hợp với các bộ, ngành, địa phương nghiên cứu các phương án xây hồ chứa nước ngọt; phòng chống sạt lở lòng, bờ sông ở Đồng bằng sông Cửu Long.
Trước tình hình biến đổi khí hậu ngày càng nghiêm trọng, các hiện tượng sạt lở, sụt lún, hạn mặn, thiếu nước ngọt thường xuyên xảy ra ở Đồng bằng sông Cửu Long, trong thời gian tới, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ tập trung theo dõi dòng chảy sông Mekong để kịp thời dự báo, phục vụ công tác chỉ đạo điều hành sản xuất cho vùng vựa lúa số 1 Việt Nam.
Cùng với đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ xây dựng, hoàn thiện hệ thống quan trắc khí tượng, thủy văn, tài nguyên nước vùng Đồng bằng sông Cửu Long; tăng cường hợp tác với các quốc gia thượng lưu sông Mekong (Trung Quốc, Myanma, Lào, Thái Lan, Campuchia) trong quan trắc, giám sát và chia sẻ thông tin về nguồn nước, các tác hại do nguồn nước xuyên biên giới gây ra trên cơ sở các thỏa thuận, cơ chế hợp tác trong Hiệp định Mekong 1995. Đại diện Bộ Tài nguyên và Môi trường nhấn mạnh để giảm thiểu rủi ro thiên tai sạt lở, việc quan trọng là cần phải cảnh báo sớm và các địa phương phải có hành động sớm đối với các điểm xung yếu.
Bên cạnh đó, cơ quan quản lý Nhà nước về lĩnh vực tài nguyên nước cũng sẽ tập trung xây dựng và công bố kịch bản nguồn nước trên lưu vực sông Cửu Long. Căn cứ kịch bản nguồn nước, Bộ Tài nguyên và Môi trường đề nghị các Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Công Thương, Bộ Xây dựng và ủy ban nhân dân 13 tỉnh thuộc vùng Đồng bằng sông Cửu Long xây dựng kế hoạch sử dụng nước phù hợp với kịch bản nguồn nước nhằm chủ động nguồn nước cho sản xuất, nhất là nước cho sinh hoạt của nhân dân.
Người dân tỉnh Tiền Giang lấy nước từ các xe bồn cung cấp nước mùa khô hạn. (Ảnh minh hoạ: VP).
Bộ cũng sẽ phối hợp với các bộ, ngành, địa phương đề xuất các phương án tăng cường khả năng trữ nước, điều tiết nguồn nước, liên kết vùng, chủ động nguồn nước cấp cho sinh hoạt, kinh tế-xã hội vùng Đồng bằng sông Cửu Long; xây dựng, vận hành hệ thống thông tin, mô hình số, bộ công cụ hỗ trợ ra quyết định để đánh giá nguồn nước trên lưu vực trong điều kiện bình thường, thiếu nước hỗ trợ điều hòa, phân bổ nguồn nước trong vùng.
Đặc biệt, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ phối hợp với các bộ, ngành, địa phương nghiên cứu các phương án xây hồ chứa để tăng cường khả năng trữ lũ, giữ nước ngọt với quy mô phù hợp với Đồng bằng sông Cửu Long. Song song với đó, Bộ sẽ đôn đốc các bộ, cơ quan ngang bộ và ủy ban nhân dân các tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long trong việc tổ chức thực hiện các biện pháp bảo vệ, phòng chống sạt lở lòng, bờ, bãi sông, hồ, hành lang bảo vệ nguồn nước theo quy định tại Nghị định số 53/2024/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Tài nguyên Nước và Nghị định số 23/2020/NĐ-CP.
Đồng thời khoanh định khu vực cấm, tạm thời cấm khai thác cát, sỏi lòng sông. Theo đó, trong thời gian tới, các cơ quan chức năng cần tăng cường hơn nữa công tác quản lý, kiểm soát chặt chẽ các hoạt động nạo vét, khai thác cát, sỏi trên sông; ngăn chặn triệt để, xử lý nghiêm hoạt động khai thác cát trái phép; kiểm tra, thanh tra, xử lý vi phạm pháp luật về khai thác cát, sỏi trên sông, hồ, vùng cửa sông ven biển; phòng, chống sạt, lở lòng, bờ, bãi sông.
Sạt lở ở Đồng bằng sông Cửu Long có nhiều nguyên nhân, đặc biệt là việc khai thác cát dẫn đến hạ thấp đáy sông, làm thay đổi dòng chảy. Trong khi lượng cát bị lấy đi lớn, nhưng lượng phù sa, bùn cát từ thượng nguồn về Đồng bằng sông Cửu Long sụt giảm càng khiến tình trạng sụt lún, sạt lở xảy ra ngày càng nghiêm trọng hơn.
Đồng thời, trước tình hình thiếu nước ngọt do ảnh hưởng của hạn hán, xâm nhập mặn, các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long cũng đã triển khai linh hoạt các biện pháp ứng phó nhằm bảo đảm cho hoạt động sản xuất nông nghiệp và đời sống của người dân.
Ánh Nguyệt
Bình luận