Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 19/01/2025 09:01
Thứ sáu, 12/07/2024 14:07
TMO - UBND tỉnh Quảng Bình yêu cầu Công an tỉnh chỉ đạo Công an cấp huyện, cấp xã tổ chức kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật khoáng sản trên địa bàn theo chức năng nhiệm vụ được giao, xử lý dứt điểm các bãi tập kết cát, sỏi trái phép.
Theo đó, thực hiện chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy tại Công văn số 745-CV/TU ngày 4/6/2024 về tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo đối với công tác quản lý hoạt động khai thác cát, sỏi lòng sông trên địa bàn tỉnh, UBND tỉnh yêu cầu các Sở, ngành liên quan và UBND các huyện, thị xã, thành phố triển khai thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ:
Tiếp tục quán triệt sâu sắc và triển khai thực hiện toàn diện, đồng bộ, hiệu quả các Nghị quyết, Chỉ thị của Trung ương, của tỉnh trên lĩnh vực khoáng sản, trọng tâm là Nghị quyết số 10-NQ/TW ngày 10/2/2022 của Bộ Chính trị về định hướng chiến lược địa chất, khoáng sản và công nghiệp khai khoáng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Chỉ thị số 13/CT-CT ngày 16/9/2020 của UBND tỉnh về việc tăng cường quản lý Nhà nước về tài nguyên khoáng sản trên địa bàn tỉnh Quảng Bình
UBND tỉnh Quảng Bình yêu cầu Sở Tài nguyên và Môi trường chủ động tham mưu UBND tỉnh thực hiện trách nhiệm quản lý nhà nước về khoáng sản trên địa bàn tỉnh theo quy định của Luật khoáng sản và các quy định khác có liên quan, nhất là quản lý nhà nước đối với cát, sỏi lòng sông; bảo vệ lòng, bãi sông. Tham mưu UBND tỉnh tổ chức đấu giá quyền khai thác cát, sỏi lòng sông theo đúng quy định của pháp luật để đáp ứng nhu cầu vật liệu xây dựng trên địa bàn tỉnh.
Phối hợp với cơ quan Thuế kiểm soát chặt chẽ sản lượng cát, sỏi khai thác thực tế của các tổ chức, cá nhân để thu đúng, thu đủ các loại thuế, phí theo đúng quy định, tránh thất thu thuế. Tăng cường phối hơp với các sở, ban, ngành, đơn vị địa phương trong công tác quản lý hoạt động khai thác cát, sỏi lòng sông trên địa bàn tỉnh.
Chấn chỉnh, khắc phục ngay những hạn chế, thiếu sót trong quản lý nhà nước về khoáng sản (nếu có); phòng, chống thất thoát khoáng sản và thất thu ngân sách Nhà nước liên quan đến khoáng sản. Không để xảy ra tình trạng khai thác khoáng sản trái phép; khai thác vượt quá phạm vi, công suất và thời gian được cấp phép; lấn, chiếm và sử dụng đất không đúng mục đích để lập các bến bãi tập kết cát, sỏi trái quy định, tác động tiêu cực đến môi trường và gây bức xúc cho Nhân dân, ảnh hưởng quá trình thực hiện các chủ trương lớn của tỉnh. Đồng thời, kiên quyết đấu tranh, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm các quy định của Nhà nước trong hoạt động khai thác cát, sỏi lòng sông.
Các sở, ngành địa phương tăng cường phối hợp để nâng cao hiệu quả công tác quản lý hoạt động khai thác cát, sỏi lòng sông.
Sở Xây dựng hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện các quy chuẩn kỹ thuật trong việc sử dụng cát, sỏi lòng sông làm vật liệu xây dựng; tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật trong sản xuất, sử dụng vật liệu thay thế cát, sỏi lòng sông. Tăng cường kiểm tra nguồn gốc, xuất xứ, chất lượng vật liệu xây dựng tại các cơ sở sản xuất, các công trình xây dựng trên địa bàn tỉnh; xử lý theo quy định các trường hợp sử dụng vật liệu xây dựng không có nguồn gốc xuất xứ, không đảm bảo chất lượng và không đảm bảo các điều kiện khác theo quy định.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức thực hiện các biện pháp bảo vệ, phòng chống sạt, lở lòng, bờ, bãi sông, hành lang bảo vệ nguồn nước đối với sông nội tỉnh. Chủ trì phối hợp với Sở Giao thông Vận tải các Sở, ngành liên quan và địa phương rà soát các khu vực khai thác cát, sỏi lòng sông, các dự án nạo vét khơi thông luồng đang triển khai thực hiện, xác định các dự án làm ảnh hưởng đến khả năng tiêu thoát lũ, sự ổn định của bờ sông, gây sạt lở bờ, bãi sông hoặc làm ảnh hưởng đến sự an toàn của các công trình ven sông để xử lý theo quy định.
Sở Giao thông Vận tải tham mưu UBND tỉnh rà soát, phê duyệt quy hoạch hệ thống bến, bãi và cấp phép bến, bãi tập kết cát, sỏi lòng sông; phương tiện khai thác, vận chuyển cát, sỏi lòng sông đảm bảo quy định tại Điều 10 và Điều 11 Nghị định số 23/2020/NĐ-CP ngày 24/02/2020 của Chính phủ. Công an tỉnh có phương án đảm bảo an ninh, trật tự trên các tuyến sông, cửa biển. Chỉ đạo lực lượng Cảnh sát Giao thông, Cảnh sát môi trường, Cảnh sát kinh tế thuộc Công an tỉnh chủ trì, phối hơp với các ngành liên quan tổ chức tuần tra, kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật khoáng sản trên địa bàn theo chức năng nhiệm vụ được giao. Xử lý dứt điểm các bãi tập kết cát, sỏi trái phép dọc Quốc lộ 12A thuộc địa phận Cảnh Hoá.
Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố thực hiện trách nhiệm quản lý nhà nước về khoáng sản trên địa bàn theo quy định của Luật Khoáng sản và các quy định khác có liên quan và các nhiệm vụ sau đây: Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo cấp uỷ, chính quyền địa phương đối với công tác quản lý, khai thác, sử dụng cát, sỏi lòng sông, đảm bảo hiệu quả, tiết kiệm, gắn với bảo vệ môi trường sinh thái, môi trường sống của người dân ở các khu vực có các hoạt động khai thác khoáng sản, có tính đến phòng, chống tác động của biến đổi khí hậu tại địa bàn và các khu vực lân cận.
Chỉ đạo Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn thực hiện các biện pháp bảo vệ cát, sỏi chưa khai thác theo phương án đã được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 249/QĐ-UBND ngày 23/01/2018. Rà soát, yêu cầu các chủ phương tiện tàu, thuyền đang hoạt động trên địa bàn đăng ký, đăng kiểm; trên tàu, thuyền phải có gắn biển ghi: số hiệu tàu, thuyền, chủ phương tiện, đơn vị đăng ký khai thác để thuận lợi cho công tác kiểm tra, giám sát của cơ quan chức năng.
Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố quản lý, khai thác, sử dụng cát, sỏi lòng sông, đảm bảo hiệu quả, tiết kiệm, gắn với bảo vệ môi trường sinh thái.
Trên địa bàn huyện Tuyên Hoá (Quảng Bình) hiện có 12 tổ chức, cá nhân được UBND tỉnh cấp giấy phép khai thác cát làm vật liệu xây dựng thông thường tại 8 điểm mỏ. Tổng trữ lượng được phép khai thác gần 954.000m3, công suất được phép khai thác là 100.600m3/năm. Đến tháng 7/2024, có 11 tổ chức, cá nhân đang hoạt động khai thác và 1 tổ chức dừng hoạt động khai thác.
Trong 8 điểm mỏ có 2 điểm mỏ liền kề (mỏ cát bãi Bơi, xã Tiến Hóa và bãi Rì Rì, xã Văn Hóa) được cấp 6 giấy phép khai thác cho 6 tổ chức thông qua đấu giá (3 giấy phép tại khu vực bãi Bơi) và không đấu giá (3 giấy phép) từ năm 2013, 2014. Theo báo cáo thống kê, kiểm kê trữ lượng khoáng sản năm 2023, các đơn vị khai thác đúng theo công suất được phép khai thác.
Thời gian qua, UBND huyện Tuyên Hóa đã thực hiện nhiều biện pháp nhằm tăng cường quản lý hoạt động khai thác, vận chuyển, tập kết và kinh doanh cát, sỏi lòng sông. Đặc biệt, đã kiện toàn Đoàn liên ngành kiểm tra hoạt động khai thác, vận chuyển, tập kết và kinh doanh cát, sỏi trên địa bàn huyện Tuyên Hóa; phối hợp với Sở Tài nguyên-Môi trường và các đơn vị có liên quan kiểm tra, xử lý thông tin theo phản ánh của công dân về hoạt động khai thác cát lòng sông trái phép;
Đồng thời chỉ đạo Công an huyện, Đoàn liên ngành huyện bố trí phương tiện xuồng cao tốc, tổ chức các đợt tuần tra, kiểm tra; chỉ đạo UBND các xã duy trì các tổ kiểm tra liên ngành thường xuyên tuần tra, kiểm soát hoạt động khai thác cát, sỏi trên địa bàn theo thẩm quyền... Trong 6 tháng đầu năm 2024, Công an huyện, đoàn liên ngành huyện Tuyên Hóa phối hợp với chính quyền địa phương kiểm tra, phát hiện 14 trường hợp vận chuyển cát trái phép, không rõ nguồn gốc và lập hồ sơ xử lý theo thẩm quyền.
Tại huyện Quảng Trạch, Công an huyện cũng đã thành lập tổ thường trực chốt ở 2 xã Cảnh Hóa và Phù Hóa để thường xuyên tuần tra, xử lý các hoạt động khai thác cát, sỏi trái phép. Đã xử lý vi phạm hành chính 14 vụ/15 đối tượng có hành vi khai thác cát, sỏi lòng sông trái phép, với tổng số tiền xử phạt hơn 400 triệu đồng, trong đó khởi tố 1 vụ với 1 đối tượng.
Hiện nay, việc khai thác, vận chuyển cát, sỏi lòng sông đã giảm nhưng vẫn còn tiềm ẩn phức tạp. Các đối tượng vi phạm lợi dụng ban đêm, sử dụng các phương tiện nhỏ, cơ động để hút trộm cát ở các khu vực giáp ranh với TX. Ba Đồn và huyện Tuyên Hóa. Bên cạnh đó, các đối tượng vi phạm luôn bố trí người theo dõi hoạt động của chốt, tổ tuần tra của huyện, xã nên việc phát hiện vi phạm còn gặp khó khăn.
Để chấn chỉnh tình trạng trên, huyện Quảng Trạch đã có nhiều văn bản chỉ đạo các địa phương, các ngành về tăng cường quản lý tài nguyên khoáng sản, xử lý khai thác cát, sỏi lòng sông trái phép; thường xuyên tổ chức tuần tra, kiểm soát đối với các khu vực, vị trí có nguy cơ xảy ra hoạt động khai thác, tập kết, vận chuyển, kinh doanh cát, sỏi lòng sông trái phép để kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý ngay từ ban đầu; phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền các xã giáp ranh (TX.Ba Đồn và huyện Tuyên Hóa) và các lực lượng chức năng ngăn chặn và xử lý các đối tượng vi phạm; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, rà soát các trường hợp vi phạm còn tồn đọng, kéo dài qua thanh tra, kiểm tra để xử lý dứt điểm.../.
Nguyễn Hoàng
Bình luận