Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 19/01/2025 07:01
Thứ hai, 04/04/2022 20:04
TMO - Các địa phương trên địa bàn tỉnh Phú Yên cần đẩy nhanh tiến độ đấu giá quyền khai thác khoáng sản; cấp phép hoạt động khoáng sản cho những doanh nghiệp có tiềm lực lớn, công nghệ thân thiện với môi trường, các dự án khai thác sử dụng hợp lý, tiết kiệm tài nguyên.
Theo báo cáo của UBND tỉnh Phú Yên, việc quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường và than bùn trên địa bàn tỉnh đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 có 55 mỏ cát xây dựng (hơn 840ha), đá xây dựng 75 mỏ (hơn 879ha), đất, cát san lấp 83 mỏ (hơn 632ha).
Về quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng khoáng sản tỉnh Phú Yên đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 (trừ khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường và nguyên liệu sản xuất xi măng) gồm 6 loại khoáng sản, trong đó: Vàng 1 mỏ (hơn 33ha), đá ốp lát 27 mỏ (hơn 363ha), diatomit 2 mỏ (hơn 80,7ha), fenspat 1 mỏ (32,3ha), bauxit 1 mỏ (51ha), sét bentonit 1 mỏ (2,7ha).
Hoạt động khai thác cát trên sông Đà Rằng, tỉnh Phú Yên
Từ tháng 7/2011 đến nay, UBND tỉnh Phú Yên đã cấp 131 giấy phép khai thác khoáng sản (trong đó 80 giấy phép cấp mới, 47 giấy phép gia hạn, 3 giấy phép chuyển nhượng và 1 giấy phép điều chỉnh), hiện nay còn 37 giấy phép khai thác khoáng sản còn hiệu lực.
Giai đoạn 2015-2020, đã thu ngân sách nhà nước 250 tỉ đồng từ hoạt động khai thác khoáng sản. Từ năm 2011 đến nay, UBND tỉnh thường xuyên tổ chức các đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành, nhất là kiểm tra hoạt động khai thác cát, sỏi lòng sông; các sở, ngành, địa phương, Công an tỉnh cũng thường xuyên phối hợp tổ chức nhiều đợt kiểm tra, thanh tra định kỳ, nhất là kiểm tra đột xuất. Qua đó, đã phát hiện và xử lý đối với 110 trường hợp vi phạm với số tiền khoảng 2,4 tỉ đồng.
Tuy nhiên, cho đến nay chất lượng quy hoạch một số điểm mỏ khoáng sản trên địa bàn tỉnh còn có mặt hạn chế như: Quy hoạch khoáng sản chưa kết hợp đồng bộ với quy hoạch của các ngành liên quan, chưa đồng bộ với phát triên kết cấu hạ tầng, một số mỏ được quy hoạch nhỏ lẻ, manh mún, chưa tập trung. Thời gian qua, lợi dụng việc sơ hở trong quản lý của cơ quan nhà nước, một số tổ chức, cá nhân đã khai thác trái phép các loại khoáng sản, nhất là đối với đất san lấp.
Khai thác đá tại xã Hòa Xuân Đông, thị xã Đông Hòa, tỉnh Phú Yên
Một số địa phương chưa làm tốt trách nhiệm quản lý, bảo vệ khoáng sản chưa được cấp phép khai thác trên địa bàn; còn xảy ra tình trạng khai thác, vận chuyển khoáng sản trái phép tại các địa phương nhưng chưa có biện pháp ngăn chặn, xử lý triệt để. Trong quá trình khai thác, một số doanh nghiệp đã trực tiếp hoặc bán cho các doanh nghiệp khác vận chuyển cát bán ra ngoài tỉnh gây bức xúc trong dư luận.
Nhằm tháo gỡ những khó khăn trên, UBND tỉnh Phú Yên yêu cầu cấp ủy, chính quyền các địa phương tăng cường chỉ đạo quản lý nhà nước lĩnh vực khoáng sản, có giải pháp chấn chỉnh những thiếu sót, khắc phục những tồn tại, hạn chế trên địa bàn; tăng cường hoạt động tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về khoáng sản để nâng cao nhận thức của tổ chức, cá nhân hoạt động khoáng sản; quản lý chặt chẽ tài nguyên khoáng sản chưa khai thác.
Bên cạnh đó, tăng cường công tác phối hợp giữa các ngành, các cấp trong công tác quản lý, bảo vệ khoáng sản; đẩy nhanh tiến độ công tác đấu giá quyền khai thác khoáng sản, đảm bảo phù hợp với đặc điểm của từng loại khoáng sản. Ưu tiên lựa chọn, cấp phép hoạt động khoáng sản cho các doanh nghiệp có tiềm lực lớn, công nghệ thân thiện với môi trường, các dự án khai thác sử dụng hợp lý, tiết kiệm tài nguyên khoáng sản.
Đồng thời, chú trọng đến các hoạt động thanh tra, kiểm tra hoạt động khoáng sản, nhất là kiểm tra đột xuất; phối hợp với các địa phương tiếp tục theo dõi, giám sát và có biện pháp xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về khoáng sản.
Khánh Nam
Bình luận