Hotline: 0941068156
Thứ hai, 25/11/2024 13:11
Thứ sáu, 27/05/2022 12:05
TMO - Quảng Nam là địa phương có diện tích đất lâm nghiệp lớn của cả nước. Việc khai thác hiệu quả điều kiện trên sẽ tạo điều kiện thuận lợi để Quảng Nam phát triển kinh tế lâm nghiệp, đặc biệt là trồng rừng gỗ lớn.
Theo báo cáo của Sở NN&PTNT, Quảng Nam có diện tích tự nhiên khoảng 1.057.474ha; trong đó, tổng diện tích rừng và đất quy hoạch phát triển rừng hơn 769.276ha (chiếm 72,75% tổng diện tích tự nhiên của tỉnh). Giai đoạn 2016 - 2020, diện tích trồng rừng hằng năm bình quân đạt 19.105ha, chủ yếu là rừng trồng lại sau khai thác.
Thống kê của Chi cục Kiểm lâm tỉnh cho thấy, tính đến cuối năm 2021, toàn tỉnh có tổng diện tích rừng trồng khoảng 216.893ha, tập trung tại các huyện Bắc Trà My, Tiên Phước, Hiệp Đức, Đại Lộc, Đông Giang…
Trong những năm qua, mặc dù đã triển khai nhiều chương trình phát triển kinh tế trồng rừng, nhưng hiệu quả kinh tế trồng rừng của tỉnh vẫn chưa tương xứng với tiềm năng. Điều này thể hiện ở chất lượng rừng trồng trên địa bàn tỉnh còn thấp, năng suất chưa cao; sản lượng gỗ khai thác từ rừng trồng bình quân hằng năm đạt khoảng 1,4 triệu khối, năng suất rừng bình quân đạt 70 - 75m3/ha/chu kỳ 5 năm.
Rừng trồng tại tỉnh chủ yếu là những cánh rừng keo Ảnh: Nhật Hòa
Theo Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Nam, để khai thác hiệu quả tiềm năng trong phát triển kinh tế từ trồng rừng gỗ lớn cần đẩy mạnh nâng cao giá trị chuỗi sản phẩm lâm nghiệp gắn quy trình sản xuất, chế biến phù hợp theo nhu cầu của thị trường. Xây dựng các vùng nguyên liệu và đẩy mạnh công tác hợp tác liên kết (các địa phương và các hộ dân).
Các đơn vị sản xuất, chế biến xuất khẩu lâm sản trên địa bàn tỉnh Quảng Nam cho rằng, để tạo điều kiện cho các đơn vị này phối hợp với người dân trong đẩy mạnh phát triển liên kết trồng rừng gỗ lớn, các địa phương cần đẩy nhanh việc cấp giấy chứng nhận những diện tích trồng rừng gỗ lớn cho các hộ dân để người dân và công ty yên tâm đầu tư sản xuất.
Liên kết trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm lâm nghiệp giúp tỉnh nâng cao hiệu quả từ trồng rừng gỗ lớn. Ảnh: TH
Cùng đó, các địa phương cần triển khai bảo hiểm trồng rừng cho bà con, doanh nghiệp, nhằm hạn chế rủi ro trong quá trình sản xuất. Ngoài ra, chính quyền các cấp cần sớm cấp sổ đỏ diện tích đất trồng rừng cho các hộ dân, tạo ra liên kết trồng rừng bền vững.
Với những lợi thế về điều kiện tự nhiên trong phát triển kinh tế lâm nghiệp, tỉnh Quảng Nam đặt mục tiêu đến năm 2030 có 45.000 ha rừng gỗ lớn. Để hiện thực hóa mục tiêu này, UBND tỉnh Quảng Nam đề nghị Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng khẩn trương đưa ra quy trình thâm canh rừng gỗ lớn.
Tập trung tuyên truyền cho người dân hiểu về lợi ích của trồng rừng gỗ lớn, tổ chức các lớp tập huấn về trồng rừng thâm canh và cây dược liệu cho người dân. Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Nam tập trung giải ngân trồng rừng gỗ lớn, xây dựng chương trình kiểm tra giám sát trồng rừng gỗ lớn tại các địa phương.
Đức Hùng
Bình luận