Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 19/01/2025 15:01
Chủ nhật, 19/05/2024 07:05
TMO - Sông Đồng Nai là nơi khai thác nước phục vụ cho phần lớn các hoạt động sinh hoạt và sản xuất của vùng Đông Nam bộ, trong đó có tỉnh Đồng Nai. Vì thế, UBND tỉnh Đồng Nai yêu cầu các sở, ngành, địa phương triển khai đồng bộ các giải pháp bảo vệ nguồn nước sông Đồng Nai, đảm bảo cho an toàn trong lĩnh vực cấp nước sạch trên địa bàn tỉnh.
Sông Đồng Nai là một trong 4 sông lớn thuộc lưu vực hệ thống sông Đồng Nai. Sông có chiều dài hơn 580km, chảy qua các tỉnh, thành: Lâm Đồng, Đắk Nông, Bình Phước, Đồng Nai, Bình Dương và TP.HCM. Sông có giá trị lớn về kinh tế, xã hội, lịch sử và môi trường. Đây là nguồn cung cấp nước sinh hoạt, sản xuất công nghiệp, tưới tiêu cho nhiều tỉnh, thành phố. Bên cạnh đó, nhờ nguồn nước dồi dào từ sông Đồng Nai đã hình thành các vùng chuyên canh cây trồng, vùng nuôi trồng thủy sản, góp phần ổn định đời sống cư dân; đồng thời còn là tuyến giao thông thủy, điểm du lịch sinh thái.
Theo đơn vị cấp nước tỉnh Đồng Nai, phần lớn nước thô khai thác phục vụ sinh hoạt và sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh đều lấy từ sông Đồng Nai. Vị trí lấy nước là phía sau hồ Trị An. Những năm gần đây, lưu lượng nước và chất lượng nước tương đối ổn định. Do đó, chi phí xử lý giảm, chất lượng nước đảm bảo hơn.
Về thủy điện, trên lưu vực sông có nhiều dự án thủy điện, trong đó có Nhà máy Thủy điện Trị An tại huyện Vĩnh Cửu. Đây là dự án thủy điện lớn nhất khu vực phía Nam tính đến thời điểm hiện tại. Năm 2022, nhà máy cung ứng khoảng 2 tỷ kWh điện cho khu vực. Bên cạnh đó, việc đầu tư công trình thủy điện trên sông tạo nên hồ nước nhân tạo lớn để khai thác nước phục vụ sản xuất công nghiệp, nông nghiệp và sinh hoạt.
Sông Đồng Nai là nơi khai thác nước phục vụ cho phần lớn các hoạt động sinh hoạt và sản xuất của vùng Đông Nam bộ, trong đó có tỉnh Đồng Nai. Ảnh: HL.
Hiện nay, các địa phương trong lưu vực đang đẩy mạnh khai thác tiềm năng, lợi thế sông Đồng Nai để giảm tải cho giao thông đường bộ, kiến tạo không gian kiến trúc đặc trưng cho đô thị. Riêng Đồng Nai, ngoài các dự án đường, cầu kết nối với Bình Dương, TP.HCM, Bà Rịa - Vũng Tàu, tỉnh đặc biệt quan tâm, xúc tiến dự án Cảng biển nước sâu Phước An (H.Nhơn Trạch) và khu vực dịch vụ hậu cần cảng tạo đột phá cho ngành logistics.
UBND tỉnh Đồng Nai cho biết, sau khi xem xét Báo cáo số 66/BC-STNMT ngày 12/3/2024 của Sở TN&MT về kết quả hoạt động kinh doanh dịch vụ trên mặt nước của sông Đồng Nai đoạn từ hạ lưu hồ Trị An đến cầu Ghềnh làm ảnh hưởng đến an ninh nguồn nước cấp cho sinh hoạt theo đề nghị của Công ty CP Cấp nước Đồng Nai; UBND tỉnh Đồng Nai giao Sở TN&MT Đồng Nai chủ trì, phối hợp với Sở TN&MT Bình Dương và Sở TN&MT TP.HCM để thống nhất các giải pháp thực hiện bảo vệ nguồn nước sông Đồng Nai thực hiện kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ các tổ chức, cá nhân đang hoạt động sản xuất và kinh doanh dịch vụ trên mặt nước sông Đồng Nai.
Đồng thời, Sở TN&NT Đồng Nai kiên quyết xử lý nghiêm đối với các tổ chức, cá nhân hoạt động sản xuất kinh doanh gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến chất lượng nước sông Đồng Nai, làm tăng nguy cơ suy giảm chất lượng nước thô để sử dụng cấp nước cho sinh hoạt theo Quy chế phối hợp số 37/QCPH-TPHCM-BRVT-ĐN-BD-TN-LA-TG-BP-LĐngày 06/01/2017 về quản lý nhà nước trong lĩnh vực tài nguyên nước, tài nguyên khoáng sản, bảo vệ môi trường ở các vùng giáp ranh địa giới hành chính giữa các tỉnh: Đồng Nai, Bình Dương, Lâm Đồng, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Phước và TP.HCM. Kết quả thực hiện, Sở TN&MT Đồng Nai dự thảo văn bản trình UBND tỉnh Đồng Nai gửi UBND tỉnh Bình Dương và UBND TP.HCM để cùng thống nhất chỉ đạo thực hiện.
Cùng với đó, Sở TN&MT Đồng Nai phối hợp với các Sở, ban, ngành, các đơn vị có liên quan và Công ty CP Cấp nước Đồng Nai, Tổng Công ty Cấp nước Sài Gòn thường xuyên kiểm tra các hoạt động của các tổ chức, cá nhân sản xuất và kinh doanh dịch vụ trên sông Đồng Nai tại đoạn thu lấy nước để kịp thời phát hiện xử lý các vi phạm pháp luật môi trường, tài nguyên nước tránh ảnh hưởng đến nguồn nước thô của các đơn vị cấp nước; tăng cường quan trắc chất lượng nước sông Đồng Nai, trường hợp chất lượng nước mặt sông Đồng Nai không đảm bảo an toàn cho hoạt động cấp nước sạch kịp thời tổng hợp, báo cáo và đề xuất UBND tỉnh Đồng Nai có biện pháp xử lý theo quy định; tăng cường hoạt động thanh tra, kiểm tra dọc sông Đồng Nai, đặc biệt quan tâm đoạn từ hạ lưu hồ Trị An đến cầu Ghềnh, xử lý nghiêm các trường hợp đổ chất thải, rác thải, đổ hoặc làm rò rỉ các chất độc hại, xả nước thải chưa được xử lý đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường về nước thải vào sông Đồng Nai.
Sở TN&MT Đồng Nai lấy nước sông Đồng Nai để kiểm tra chất lượng nguồn nước. Ảnh: BĐN
UBND tỉnh Đồng Nai giao Sở NN&PTNT tăng cường, kiểm tra, theo dõi các hoạt động chăn nuôi, đánh bắt thuỷ sản trên sông Đồng Nai. Nghiêm cấm sử dụng các chất độc hại để đánh bắt thuỷ sản trên sông Đồng Nai; tích cực chủ động, phòng ngừa tình trạng hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn nhằm hạn chế tình trạng gây mất an ninh, an toàn nguồn nước ảnh hưởng đến việc cấp nước cho sinh hoạt.
Đồng thời, giao Sở Giao thông Vận tải, UBND huyện Vĩnh Cửu và TP. Biên Hòa thường xuyên kiểm tra, theo dõi các hoạt động của các bến thuỷ nội địa thuộc khu vực từ hạ lưu hồ Trị An đến cầu Ghềnh. Trường hợp các bến thuỷ nội địa hoạt động nhưng không đủ điều kiện hoặc không có biện pháp bảo vệ môi trường thì đề nghị cấp có thẩm quyền rút giấy phép tạm ngưng hoạt động cho đến khi đủ điều kiện cho hoạt động trở lại.
Ngoài ra, UBND tỉnh Đồng Nai cũng giao Sở Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với các Sở, ngành có liên quan trong quá trình rà soát, xem xét cấp phép đầu tư mới đối với các dự án sản xuất có nguy cơ ảnh hưởng môi trường, nhất là nguồn nước sông Đồng Nai tại khu vực tiếp giáp sông Đồng Nai đoạn thuộc TP. Biên Hoà và huyện Vĩnh Cửu. Đồng thời, giao Công an tỉnh Đồng Nai sử dụng các biện pháp nghiệp vụ để theo dõi, kiểm tra dọc sông Đồng Nai, đặc biệt quan tâm đoạn từ hạ lưu hồ Trị An đến cầu Ghềnh, xử lý nghiêm các trường hợp đổ chất thải, rác thải, đổ hoặc làm rò rỉ các chất độc hại, xả nước thải chưa được xử lý đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường về nước thải vào sông Đồng Nai.
UBND huyện Vĩnh Cửu và TP.Biên Hòa được giao theo dõi, giám sát các hoạt động kinh doanh, dịch vụ trên mặt nước của sông Đồng Nai và hoạt động sản xuất của các tổ chức/cá nhân trên địa bàn; đảm bảo không gây ô nhiễm chất lượng nước sông Đồng Nai dẫn đến nguy cơ đe doạ về tính an toàn trong hoạt động cấp nước sạch; không cấp phép mới cho các tổ chức, cá nhân hoạt động sản xuất có vị trí tiếp giáp với sông Đồng Nai nằm trong vùng bảo hộ vệ sinh theo Thông tư số 24/2016/TT-BTNMT ngày 09/9/2016 của Bộ TN&MT và Quyết định số 60/2022/QĐ-UBND ngày 27/12/2022 của UBND tỉnh Đồng Nai.
UBND tỉnh Đồng Nai còn đề nghị Tổng Công ty Cấp nước Sài Gòn TNHH MTV và Công ty CP Cấp nước Đồng Nai thường xuyên chủ động theo dõi, khảo sát hiện trạng của sông Đồng Nai đoạn thu nước để xử lý nước cấp cho sinh hoạt; kịp thời báo cáo các trường hợp có nguy cơ gây mất an toàn cho việc cấp nước sạch và gây ô nhiễm chất lượng nước sông Đồng Nai đến Sở TN&MT Đồng Nai để kiểm tra, xử lý theo quy định; chủ động xác định nguồn nước dự phòng để cấp nước sinh hoạt trong trường hợp xảy ra sự cố ô nhiễm nguồn nước sông Đồng Nai.
Đức Thành
Bình luận