Hotline: 0941068156
Thứ bảy, 18/01/2025 19:01
Thứ sáu, 06/09/2024 08:09
TMO - Ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất và chế biến nông sản là một trong những giải pháp quan trọng để tỉnh Sơn La nâng cao hiệu quả, chất lượng và đảm bảo tính bền vững của chuỗi giá trị nông sản. Qua đó tăng thu nhập, ổn định đời sống kinh tế cho người nông dân.
Với diện tích gần 84.000ha cây ăn quả, sản lượng gần 380.000 tấn, tỉnh Sơn La trở thành địa phương có diện tích cây ăn quả lớn thứ 2 của cả nước và đứng thứ nhất của miền Bắc. Chiến lược sản xuất nông nghiệp của Sơn La là tham gia chuỗi giá trị toàn cầu và nông nghiệp hữu cơ. Trong đó chú trọng ứng dụng công nghệ hiện đại trong chế biến nông sản nhằm tiếp sức cho nông nghiệp vươn xa, nâng tầm giá trị, mang về những mùa trái ngọt.
Bên cạnh đó để bảo quản nông sản tươi lâu trong thời gian dài, nhằm tăng giá trị sản phẩm và phục vụ xuất khẩu, tỉnh Sơn La đã tăng cường đầu tư, hỗ trợ, thúc đẩy phát triển 17 nhà máy, 543 cơ sở chế biến nông sản. Nhờ đó sản phẩm công nghiệp chế biến của tỉnh Sơn La ngày càng đa dạng, phong phú, chất lượng, mẫu mã.
Đẩy mạnh ứng dụng khoa học và công nghệ tại các nhà máy, cơ sở chế biến nông sản trên địa bàn tỉnh Sơn La, góp phần quan trọng việc nâng cao chất lượng và giá trị sản phẩm nông sản. Đồng thời, cải thiện năng suất, thu nhập cho nông dân cũng như các cơ sở chế biến.
Hiện toàn tỉnh có 154 sản phẩm OCOP, trong đó 1 sản phẩm đạt 5 sao; 56 sản phẩm đạt 4 sao và 97 sản phẩm đạt 3 sao... giá trị sản phẩm chế biến được nâng lên rõ rệt, được người tiêu dùng trong nước và ngoài nước đón nhận. Nổi bật là các sản phẩm chè, cà phê, sữa, tinh bột sắn, đường, hoa quả sấy khô... Trong đó, đã xuất khẩu cà phê sang Đức, Malaysia; chè sang Nhật Bản, Đài Loan, Afganitan; tinh bột sắn sang Trung Quốc, Canada; long nhãn sang Trung quốc, Hàn quốc...
Việc tập trung phát triển công nghiệp chế biến nông sản, góp phần tiêu thụ phần lớn sản lượng nông sản của tỉnh và một số tỉnh lân cận, như chế biến 100% sản lượng chè tươi, cà phê tươi, sữa, mía đường; chế biến trên 40% sản lượng sắn củ; trên 20% sản lượng quả các loại... góp phần quan trọng vào việc tiêu thụ bền vững, nâng cao giá trị hàng nông sản, nâng cao thu nhập, đời sống nông dân, tăng thu ngân sách cho địa phương.
Các doanh nghiệp, đơn vị trên địa bàn tỉnh đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trong hoạt động sản xuất (Ảnh minh họa).
Để thúc đẩy ngành chế biến nông sản phát triển hiệu quả, hướng đến chế biến sâu, trong 3 năm qua, tỉnh Sơn La triển khai 32 nhiệm vụ khoa học và công nghệ, trong đó, lĩnh vực nông nghiệp chiếm gần 70%. Tiêu biểu, với cây cà phê, đã nghiên cứu tuyển chọn các giống cà phê mới có năng suất chất lượng cao, thay thế giống cũ và phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng khí hậu của Sơn La.
Tiến hành nghiên cứu xử lý sâu, bệnh hại và xử lý chất thải từ vỏ cà phê... góp phần mở rộng diện tích lên gần 20.000 ha, sản lượng khoảng 400.000 tấn quả tươi/năm, tăng khoảng 15-20% so với giống cũ và kháng được bệnh gỉ sắt cao, chống chịu một số loại sâu bệnh hại, gia tăng về chất lượng phục vụ xuất khẩu.
Đối với cây ăn quả, nghiên cứu tuyển chọn, nhân giống, trồng thử nghiệm các giống bơ, xoài, mận hậu, hồng giòn thành công. Đặc biệt, đã triển khai Đề tài cấp thiết địa phương quốc gia “Nghiên cứu các giải pháp khoa học và công nghệ nâng cao năng suất, chất lượng và phát triển sản xuất nhãn bền vững tại Sơn La và một số tỉnh phía Bắc” tại tỉnh Sơn La, kết quả đã lựa chọn 4 giống/dòng nhãn có khả năng sinh trưởng khỏe, chất lượng tốt, rải vụ thu hoạch tự nhiên kéo dài trên 60 ngày, như các dòng nhãn chín sớm NS203; nhãn chín chính vụ T6, nhãn ánh vàng 205.
Cùng với đó, việc xây dựng thương hiệu các sản phẩm nông sản chủ lực của tỉnh được thực hiện. Lãnh đạo Sở Khoa học và Công nghệ, cho biết, đến nay, toàn tỉnh có 28 sản phẩm nông sản mang địa danh của tỉnh được Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ cấp văn bằng bảo hộ, trong đó, 3 chỉ dẫn địa lý, 22 nhãn hiệu chứng nhận; 3 nhãn hiệu tập thể; 2 sản phẩm được bảo hộ tại nước ngoài.
Trong đó có sản phẩm chè Shan tuyết Mộc Châu được bảo hộ tại thị trường Thái Lan năm 2017; chè Shan Tuyết và xoài tròn Yên Châu được bảo hộ tại thị trường Châu Âu theo cam kết tại hiệp định EVFTA giữa Việt Nam và liên minh Châu Âu có hiệu lực vào tháng 7/2020, góp phần nâng cao danh tiếng chất lượng các sản phẩm nông nghiệp và sản phẩm chế biến từ các sản phẩm nông nghiệp.
Mặc dù ứng dụng khoa học công nghệ vào quá trình chế biến nông sản đã mang lại nhiều thuận lợi cho người dân và các chủ thể, doanh nghiệp, tuy nhiên quá trình triển khai vẫn gặp một số tồn tại hạn chế như hệ thống giao thông chưa thuận lợi, dẫn đến việc giao thương, vận chuyển hàng hoá còn khó khăn. Các thị trường nhập khẩu đòi hỏi quy chuẩn khắt khe khiến nông sản chưa được thông quan, tiêu chuẩn về mẫu mã, bao bì chưa đúng, đủ…Bên cạnh đó việc ứng dụng công nghệ tại các chủ thể, doanh nghiệp còn manh mún, nhỏ lẻ, chưa có sự tập trung, các doanh nghiệp chưa có nhiều kinh phí để áp dụng những tiến bộ khoa học, công nghệ chế biến mới nhất…
Để quá trình chế biến nông sản đạt được những hiệu quả cao nhất, cần có những chính sách hỗ trợ của chính quyền, nhà nước. Theo Lãnh đạo Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Sơn La, địa phương này cần thêm những giải pháp, chính sách đồng bộ để hỗ trợ cơ sở chế biến nông sản, nâng cao năng lực hấp thụ công nghệ và tiềm lực để cải tiến công nghệ sản xuất. Các giải pháp về chính sách cần được hỗ trợ như giảm thuế, hỗ trợ vay vốn ưu đãi hoặc cung cấp các quỹ phát triển công nghệ, giúp các cơ sở có nguồn lực đầu tư vào công nghệ mới; đẩy mạnh hoạt động ứng dụng, chuyển giao công nghệ và tiến bộ kỹ thuật nhất là với những sản phẩm mang tính chủ lực, đặc sản của tỉnh Sơn La.
Việc triển khai hiệu quả các chính sách hỗ trợ ứng dụng công nghệ trong sản xuất, chế biến nông nghiệp chắc chắn tạo sự chuyển mình cho nền nông nghiệp của tỉnh, góp phần đưa nhiều chỉ tiêu Nghị quyết số 06-NQ/TU ngày 21/01/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển công nghiệp chế biến nông sản tỉnh Sơn La giai đoạn 2021-2025 và định hướng đến năm 2030 vượt so với kế hoạch mà Sơn La đặt mục tiêu phấn đấu.
Ứng dụng khoa học công nghệ vào quá trình chế biến và sản xuất nông sản tại tỉnh Sơn La không chỉ nâng cao chất lượng sản phẩm mà còn tạo nền tảng vững chắc cho phát triển bền vững. Với sự hỗ trợ của các chính sách nhà nước và nỗ lực từ các doanh nghiệp, hợp tác xã, và nông dân, tỉnh Sơn La đang hướng tới một tương lai nông nghiệp hiện đại, bền vững, đạt mọi tiêu chuẩn trong nhập khẩu nông sản trên thị trường quốc tế.
Đức Trịnh
Bình luận