Hotline: 0941068156
Thứ tư, 19/02/2025 12:02
Thứ sáu, 14/02/2025 13:02
TMO - Tỉnh Sơn La đang khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế về đất đai, khí hậu để phát triển dược liệu theo hướng bền vững, ứng dụng công nghệ cao, hình thành các chuỗi liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân.
Hiện tỉnh Sơn La có trên 1.000 loài cây dược liệu, nhiều loài có giá trị kinh tế cao, như: thảo quả, giảo cổ lam, đương quy, sa nhân, đinh lăng, ba kích... Đến nay, công tác bảo tồn và phát triển cây dược liệu bước đầu đã được các cấp chính quyền, các ngành liên quan và người dân quan tâm thực hiện.
Trong giai đoạn 2020 - 2025, tỉnh Sơn La dành riêng 250 tỷ đồng từ ngân sách tập trung phát triển 55 loài dược liệu quy mô lớn, giá trị kinh tế cao và bảo tồn 86.292ha rừng đặc dụng có cây dược liệu dưới tán rừng. Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La ban hành Quyết định phê duyệt dự án quy hoạch phát triển cây dược liệu trên địa bàn tỉnh Sơn La đến năm 2020, định hướng đến năm 2030. HĐND tỉnh Sơn La ban hành cơ chế, chính sách hỗ trợ thông qua nhiều nghị quyết về các chính sách đặc thù khuyến khích doanh nghiệp, hợp tác xã đầu tư phát triển cây dược liệu trên địa bàn tỉnh Sơn La để kêu gọi, thu hút đầu tư dược liệu.
Tranh thủ nguồn lực hỗ trợ từ các chương trình mục tiêu quốc gia, đặc biệt là Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030; giai đoạn I từ năm 2021-2025, nhiều nông dân và hợp tác xã (HTX) ở tỉnh Sơn La đã mạnh dạn chuyển đổi khai thác, chế biến các sản phẩm dược liệu tự nhiên.
Nhiều nông dân và hợp tác xã (HTX) ở tỉnh Sơn La đã mạnh dạn chuyển đổi khai thác, chế biến các sản phẩm dược liệu tự nhiên.
Tại huyện Sốp Cộp, trong giai đoạn 2021 - 2023, huyện được giao hơn 120 tỷ đồng để thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia 1719. Bên cạnh tập trung đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng, giao thông phục vụ sản xuất, kinh doanh và dân sinh, huyện Sốp Cộp đặc biệt chú trọng phát huy tiềm năng, lợi thế về điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng để phát triển các mô hình liên kết trồng cây dược liệu như cây đẳng sâm, khôi nhung, cát sâm, hà thủ ô...
Từ nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia 1719, huyện Sốp Cộp đã vận động đồng bào dân tộc thiểu số phát triển các mô hình liên kết trồng cây dược liệu. Trong đó, Ban Dân tộc tỉnh Sơn La phối hợp với Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện đẩy mạnh tuyên truyền, vận động các HTX, hộ gia đình chuyển đổi diện tích đất trồng cây hoa màu năng suất thấp sang trồng cây dược liệu hoặc trồng xen cây dược liệu với diện tích cây ăn quả chưa cho thu hoạch để tăng giá trị trên một đơn vị diện tích. Đến nay, toàn huyện Sốp Cộp có trên 60ha cây quế, 16ha cây sa nhân, 20ha gừng, 4ha hà thủ ô, cát sâm, khôi nhung, đẳng sâm.
Mường La là huyện đang triển khai nhiều mô hình trồng dược liệu theo chuỗi liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm. Tiêu biểu như: HTX Nam y dược Phú Tuệ - Mường La, xã Mường Chùm, thành lập năm 2021, hiện có 15 thành viên, với 1,5 ha sâm bố chính. Ở huyện Bắc Yên, tại các xã vùng cao: Háng Đồng, Hang Chú, Tà Xùa đang duy trì, mở rộng diện tích trồng dược liệu trên 1.000 ha, với giống cây chủ yếu: Thảo quả, sa nhân, quế.
Trong đó, HTX Dược liệu núi huyện Mường La đã tận dụng nguồn nguyên liệu sẵn có thể phát triển dược liệu. Theo đó, các những quả táo mèo tươi ngon được trồng và thu hái trên rẻo cao Mường La, các thành viên HTX đã cắt lát và phơi khô để giữ lại hương vị cũng như dưỡng chất; chế biến qua các công đoạn sấy khô, nghiền mịn và đóng gói...
Ngoài Trà táo mèo đạt sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh năm 2023, HTX Dược liệu núi, huyện Mường La còn nghiên cứu công thức, quy trình chế biến các loại trà thảo dược khác, cùng các sản phẩm dầu gội, dầu tắm từ cây dược liệu.... HTX đã sử dụng 20 loại thảo dược khác nhau, như bồ kết, bồ hòn, chanh, gừng, sả, hà thủ ô... để ngăn rụng tóc, trị gàu, trị ngứa, có mùi thơm tự nhiên, an toàn.
Cùng với việc đầu tư xây dựng nhà xưởng, trang thiết bị, HTX Dược liệu núi, huyện Mường La còn liên kết với 100 hộ trồng dược liệu trên địa bàn để thu mua nguyên liệu, đảm bảo sản xuất theo mùa. Trung bình mỗi năm, HTX thu mua từ bà con 5-10 tấn sơn tra, mướp đắng, hoa đu đủ, thìa canh, sâm, linh chi...
Vườn ươm cây sơn tra trên địa bàn huyện Mường La. Ảnh: MT.
Tại huyện Quỳnh Nhai, HTX Nhân Thuận (xã Cà Nàng) quyết định mở hướng phát triển mới với việc trồng cây thiên niên kiện (cây gai xanh) dưới tán rừng. Nhờ áp dụng khoa học kỹ thuật vào quy trình trồng và chăm sóc cây thiên niên kiện, năm 2023, HTX thu hoạch được 2 vụ, năng suất vỏ cây khô đạt 30 tạ/ha/vụ, sản lượng 9 tấn/2 vụ; năng suất lá khô đạt 50 tạ/ha/vụ, sản lượng đạt 15 tấn/2 vụ. Năm 2024, HTX thu trên 400 triệu đồng từ cây thiên niên kiện, đảm bảo thu nhập bình quân cho các thành viên ở mức 5 - 7 triệu đồng/người/tháng; phấn đấu năm 2025, mở rộng diện tích trồng cây dược liệu lên khoảng 100ha.
Đề án phát triển nông, lâm nghiệp và thủy sản tập trung, bền vững, ứng dụng công nghệ cao đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 tỉnh Sơn La đề ra mục tiêu: Phát triển vùng nguyên liệu dược liệu theo hướng sản xuất quy mô lớn, tập trung gắn với bảo quản, chế biến và tiêu thụ theo chuỗi giá trị, định hướng đến năm 2030, tỉnh Sơn La có 30.000 ha dược liệu. Với việc triển khai đồng bộ các giải pháp, đến nay, toàn tỉnh có trên 15.000 ha cây dược liệu và sơn tra.
Trong phát triển dược liệu, tỉnh khuyến khích phát triển 55 loài dược liệu với quy mô lớn, tập trung, gồm: actisô, đậu ván trắng, đỗ trọng, đương quy, gấc, giảo cổ lam, gừng, hà thủ ô đỏ, hoa hòe, hoài sơn, kim tiền thảo, mã đề, nghệ, quế, sả, sa nhân, sâm Ngọc Linh, tam thất, trinh nữ hoàng cung, ý dĩ... và các loài dược liệu có giá trị kinh tế cao. Đồng thời, khuyến khích trồng dược liệu dưới hình thức liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, phát triển vùng dược liệu gắn với sơ chế, chế biến, bảo quản, chiết xuất dược liệu, mở hướng phát triển trồng dược liệu bền vững, phát triển theo chuỗi giá trị, nâng cao hiệu quả kinh tế cho nhân dân.
Minh Thư
Bình luận