Hotline: 0941068156
Thứ năm, 08/05/2025 17:05
Thứ tư, 07/05/2025 15:05
TMO - Nhằm đảm bảo nước tưới phục vụ sản xuất nông nghiệp, góp phần nâng cao năng suất cây trồng, các địa phương trên địa bàn tỉnh Sơn La tăng cường công tác quản lý, khai thác hiệu quả các công trình thủy lợi.
Bước vào mùa khô, công tác ứng phó, chống hạn, bảo vệ cây trồng đang là một trong những nhiệm vụ quan trọng được nhiều địa phương triển khai, bảo đảm nước phục vụ sản xuất nông nghiệp. Huyện Yên Châu hiện có hơn 28.220 ha đất trồng các loại cây, bao gồm: Khoảng 10.120 ha cây lương thực và rau màu; hơn 5.600 ha cây công nghiệp và 12.500 ha cây ăn quả. Hệ thống thủy lợi của huyện gồm 9 hồ chứa, 185 công trình thủy lợi và gần 250 km mương nội đồng đã được đầu tư kiên cố, đảm bảo khoảng 90% nhu cầu nước tưới cho cây lương thực.
Trước dự báo về tình hình nắng nóng để chủ động phòng, chống hạn cho cây trồng, huyện Yên Châu đã phối hợp với đơn vị khai thác công trình thủy lợi trên địa bàn huyện kiểm tra, đánh giá nguồn nước hiện có; đồng thời, xây dựng kế hoạch điều tiết nước hợp lý. Ngoài ra, huyện cũng cử cán bộ xuống cơ sở hướng dẫn người dân cách lấy và sử dụng nước hiệu quả, hạn chế thất thoát nước.
Phòng Nông nghiệp và Môi trường huyện Yên Châu phối hợp với các xã tuyên truyền, vận động người dân chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống hạn. Cụ thể, khoanh vùng rõ những diện tích có nguy cơ thiếu nước để ưu tiên cấp nước hợp lý; hướng dẫn người dân tích nước, sử dụng nước tưới tiết kiệm. Với cây lúa, áp dụng phương châm “cao, xa tưới trước; thấp, gần tưới sau”. Đối với cây ăn quả, khuyến khích tưới tiết kiệm. Những nơi địa hình cao, khó khăn về nước thì chuyển đổi sang trồng rau màu ngắn ngày, phù hợp với điều kiện khô hạn.
Các địa phương tăng cường quản lý, vận hành hiệu quả hệ thống thủy lợi nội đồng.
Tại huyện Thuận Châu, toàn huyện có 246 công trình thủy lợi, trong đó, 4 công trình hồ chứa nước, 179 đập xây bê tông, 29 rọ thép;19 phai tạm, 13 công trình cửa cống, tường chắn lấy nước, 2 hệ thống thoát lũ và 1 công trình thủy lợi tưới cây trồng cạn. Theo Chi nhánh Công ty TNHH MTV quản lý khai thác công trình thủy lợi huyện Thuận Châu, đơn vị thường xuyên phối hợp với UBND các xã, tổ thủy lợi cơ sở vận động bà con nạo vét mương, khơi thông dòng chảy trên các sông, suối; sửa chữa, đắp thêm các phai tạm, phát quang cỏ hai bên bờ mương. Tuyên truyền nhân dân không lấn chiếm hành lang các công trình thủy lợi, hồ chứa.
Qua kiểm tra, đánh giá nguồn nước, dự báo thời gian tới, một số công trình có khả năng cao thiếu nước, nguy cơ gây hạn cho khoảng 140 ha lúa ruộng. Tập trung tại các xã: Phổng Lăng, Chiềng Pha, Chiềng La, Mường É, Muổi Nọi, Tông Lạnh...Trước tình hình trên, huyện Thuận Châu chỉ đạo các xã, đơn vị chuyên môn xây dựng kế hoạch cấp nước cụ thể cho từng công trình, có lịch điều tiết, xả nước nhằm đảm bảo cung cấp nước tưới tiêu, không để thất thoát, lãng phí.
Tổ chức các đoàn kiểm tra, đánh giá tình hình nguồn nước tại các suối, ao, hồ tại một số điểm thường xuyên xảy ra hạn hán, thiếu nước, từ đó có giải pháp khắc phục. Đối với các khu vực ruộng không đảm bảo nguồn nước, tùy điều kiện cụ thể của từng xã, chủ động chuyển sang cây trồng ngắn ngày khác như ngô, đậu tương, lạc, rau màu các loại... đảm bảo tốt nhất các điều kiện cho sản xuất vụ xuân, mang lại mùa bội thu cho người nông dân.
Hệ thống mương nội đồng đảm bảo nguồn nước tưới cho sản xuất tại các địa phương. Ảnh: BSL.
Trước dự báo về tình hình nắng nóng, huyện Mai Sơn đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn phối hợp với các địa phương khai thác, vận hành hiệu quả các công trình thủy lợi, điều tiết nước phù hợp, đảm bảo nguồn nước phục vụ sản xuất nông nghiêp. Trên địa bàn huyện Mai Sơn có 204 công trình hồ, đập thủy lợi, 236 km mương nội đồng cấp nước phục vụ sản xuất trên 16.600 ha lúa, ngô, cây ăn quả, rau màu và nuôi thủy sản.
Chi nhánh Công ty TNHH MTV Quản lý, khai thác công trình thủy lợi Sơn La tại Mai Sơn đã phối hợp với các đơn vị liên quan trực tiếp hướng dẫn kỹ thuật tưới tiết kiệm nước, chống thất thoát lãng phí; hướng dẫn bơm, làm thêm guồng nước để đảm bảo đủ nước phục vụ sản xuất. Chỉ đạo các tổ thủy lợi vận hành công trình và điều tiết nước tưới, khai thông mương dẫn nước, đầu mối lấy nước. Chi nhánh đã sửa chữa, nâng cấp 8 công trình thủy lợi tại các xã Chiềng Ban, Mường Chanh, Chiềng Mung, Chiềng Ve, Cò Nòi và Chiềng Chăn, tổng mức đầu tư trên 3,5 tỷ đồng. Ngoài ra, đơn vị còn cử nhân viên phụ trách từng xã hoặc cụm xã, phối hợp với địa phương nâng cao khả năng quản lý, khai thác các công trình thủy lợi; thường xuyên theo dõi mực nước hồ chứa để điều tiết hợp lý, tiết kiệm tối đa.
Chủ động nguồn nước tưới phục vụ sản xuất nông nghiệp, thị xã Mộc Châu chỉ đạo các địa phương, tổ thủy nông vận hành an toàn các công trình thủy lợi. Vận động, tuyên truyền bà con nâng cao ý thức bảo vệ, sử dụng hiệu quả các công trình thủy lợi, đưa nước về ruộng. Thị xã Mộc Châu có 171 công trình thủy lợi, hơn 137 km mương nội đồng được xây dựng kiên cố, vận hành ổn định đảm bảo diện tích đất được tưới tiêu ổn định trên 1.580 ha. Trong đó, trên 1.300 ha lúa, 280 ha cây trồng khác.
Chi nhánh Công ty TNHH MTV Quản lý, khai thác công trình thủy lợi Sơn La tại Mộc Châu, cho biết: Chi nhánh tăng cường quản lý các công trình thủy lợi; thường xuyên tu bổ, sửa chữa kịp thời, bảo đảm vận hành hệ thống tưới tiêu, cơ bản đáp ứng nhu cầu sản xuất nông nghiệp của nhân dân. Từ năm 2023 đến nay, Chi nhánh sửa chữa, nâng cấp 8 công trình thủy lợi bị hư hỏng, xuống cấp. Tại các vùng có nguy cơ bị hạn, các cơ quan chuyên môn của thị xã Mộc Châu đã tuyên truyền, vận động các hộ sản xuất ứng dụng công nghệ tưới nước tiết kiệm, chuyển đổi diện tích sản xuất lúa sang trồng các cây có khả năng chịu hạn tốt.
Trước dự báo trên địa bàn tỉnh tiếp tục nắng nóng gay gắt, ngành nông nghiệp đã và đang chỉ đạo các địa phương huy động tối đa mọi nguồn lực triển khai thực hiện các giải pháp chống hạn. Đồng thời, khuyến cáo người dân sử dụng những biện pháp tưới nước tiết kiệm, nạo vét ao hồ tích trữ nguồn nước; triển khai các biện pháp che phủ gốc đảm bảo độ ẩm cho cây trồng; xây dựng, nhân rộng các mô hình tưới nước tiết kiệm, đảm bảo nguồn nước chống hạn phục vụ sản xuất hiệu quả.../.
Lê Hồng
Bình luận