Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 19/01/2025 01:01
Chủ nhật, 22/09/2024 06:09
TMO - Trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng hiện còn 8/19 dự án điện gió đã được cấp quyết định chủ trương đầu tư nhưng chưa triển khai thi công.
Là tỉnh có chiều dài bờ biển hơn 72 km, Sóc Trăng không chỉ có lợi thế về nông nghiệp mà còn có điều kiện thuận lợi để phát triển năng lượng sạch như: điện gió, điện mặt trời, điện sinh khối... Thời gian qua, tỉnh đã thu hút nhiều nhà đầu tư trong nước và quốc tế triển khai các dự án sản xuất năng lượng sạch.
Số liệu quan trắc của các đơn vị chuyên môn đã khảo sát thu thập từ các cột đo gió ở độ cao 60 m đến 120 m ở vùng duyên hải Sóc Trăng cho thấy, tốc độ gió tăng dần từ vùng đất liền đến vùng bãi bồi ven biển, là điều kiện lý tưởng để sản xuất điện gió. Cụ thể, ở độ cao 60 m, tốc độ gió trung bình là 6,5 m/s, còn ở độ cao 120 m khoảng 8,3 m/s. Do đó, tiềm năng để phát triển các dự án điện gió trong đất liền và ngoài khơi của Sóc Trăng tương đương quy mô công suất khoảng 7.000 MW. Với bãi bồi ven biển rộng lớn, hơn 50.000 ha, Sóc Trăng có thể đầu tư xây dựng những cánh đồng điện gió với tổng công suất 1,55 GW, đáp ứng nhu cầu điện năng cho một nửa khu vực đồng bằng sông Cửu Long.
Theo quy hoạch đã được phê duyệt của Bộ Công Thương về phát triển điện gió giai đoạn đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, Sóc Trăng có ba vùng quy hoạch phát triển điện gió. Vùng 1 được phân bổ tại khu vực bãi bồi ven biển thị xã Vĩnh Châu, huyện Trần Đề và huyện Cù Lao Dung có diện tích 21.900 ha, công suất dự kiến 860 MW, vận tốc gió trung bình 6,4 m/s. Vùng 2 phân bổ ở khu vực đất liền ven biển thị xã Vĩnh Châu và huyện Trần Đề có diện tích 7.500 ha, công suất dự kiến 295 MW, vận tốc gió 6 m/s. Vùng 3 phân bổ tại khu vực đất liền thị xã Vĩnh Châu có diện tích 7.940 ha, công suất dự kiến 315 MW, vận tốc gió 6,2 m/s. Riêng giai đoạn sau năm 2020, công suất lắp đặt tích lũy đạt khoảng 200 MW với sản lượng điện gió tương ứng là 470 triệu kW giờ.
Theo quy hoạch, trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng có 19 dự án điện gió đã được cấp quyết định chủ trương đầu tư với tổng quy mô công suất 1.395 MW. Đến nay, có 11 dự án triển khai thi công, trong đó có 7 dự án đưa vào vận hành thương mại với tổng quy mô công suất là 340 MW; 2 dự án điện gió đã xây dựng hoàn thành, đang lập các thủ tục để vận hành thương mại với tổng quy mô công suất là 60 MW; 2 dự án đang tiếp tục triển khai thi công với tổng quy mô công suất là 52,4 MW. Còn lại 8 dự án đã cấp chủ trương đầu tư nhưng chưa triển khai thi công.
Tuy nhiên, thời gian qua, việc vận hành thương mại của 4 dự án điện gió trên đất liền thuộc các xã: Vĩnh Hải, Lạc Hòa và Hòa Đông (thị xã Vĩnh Châu) thường xuyên gặp phải phản ánh, khiếu nại của một số hộ dân khu vực dự án. Đặc biệt là sau sự cố gãy cánh quạt LH10 tại dự án điện gió Lạc Hòa 2 (thị xã Vĩnh Châu) vào ngày 11/9/2024.
Sóc Trăng cần tiếp tục tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc để triển khai các dự án điện gió trên địa bàn.
Trước thực trạng trên, Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng nhấn mạnh, cần sớm ban hành chính sách hỗ trợ người dân khu vực dự án, nhằm đảm bảo an ninh trật tự xã hội, an toàn tính mạng, sức khỏe của người dân, cũng như đảm bảo an ninh năng lượng và phục vụ phát triển kinh tế của địa phương. Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng giao Sở Tài nguyên và Môi trường cùng các đơn vị liên quan tham mưu UBND tỉnh xây dựng chính sách riêng liên quan đến dự án điện gió và có khung chính sách hỗ trợ cụ thể, phù hợp với thực tế, để UBND tỉnh xin ý kiến Ban Thường vụ Tỉnh ủy và trình HĐND tỉnh thông qua.
Đồng thời, Chủ tịch giao các sở, ngành, địa phương rà soát lại diện tích các hộ bị ảnh hưởng trong phạm vi hành lang an toàn cột tháp gió, hành lang an toàn công trình điện gió, và báo cáo UBND tỉnh. Thị ủy, UBND thị xã Vĩnh Châu cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền cho người dân khu vực dự án điện gió chia sẻ với Nhà nước và chủ đầu tư trong việc thực hiện các dự án; đồng thời quan tâm nắm bắt tâm tư, nguyện vọng chính đáng của người dân để kịp thời hỗ trợ, ổn định tình hình. Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng yêu cầu Sở Công Thương sớm làm việc với chủ đầu tư và người dân để thống nhất định mức hỗ trợ, trên cơ sở đảm bảo hài hòa lợi ích giữa người dân và doanh nghiệp.
Hồng Anh
Bình luận