Hotline: 0941068156
Thứ hai, 14/10/2024 15:10
Thứ sáu, 09/08/2024 07:08
TMO - Sóc Trăng là một trong những địa phương chịu ảnh hưởng lớn bởi các hình thái cực đoan của thời tiết như sạt lở đê sông, đê biển, mưa lớn, dông lốc... làm ảnh hưởng đến sinh hoạt sản xuất, thậm chí đe dọa tính mạng người dân.
Sở Tài nguyên và Môi trường Sóc Trăng cho biết, tình hình thiên tai bão, triều cường, sạt lở bờ sông, bờ biển, xâm nhập mặn,…ngày càng diễn ra gay gắt và gia tăng mức độ nguy hiểm; gây thiệt hại rất lớn đến sản xuất, tài sản của người dân trên địa bàn tỉnh. Thống kê của các ngành, địa phương cho thấy, trong năm 2023 trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 27 vụ dông, lốc; 88 vụ sạt lở bờ bao, đê cồn, đê biển. Các vụ dông, lốc, sạt lở đã gây thiệt hại 276 căn nhà, hàng ngàn m2 đất, cây trồng,... của người dân bị mất, ước tổng thiệt hại hơn 40 tỷ đồng.
Từ đầu năm 2024 đến nay, các hiện tượng cực đoan của biến đổi khí hậu diễn ra gay gắt trên địa bàn tỉnh gây nhiều khó khăn cho người dân ở một số huyện như Long Phú, Trần Đề, TX.Vĩnh Châu,…trong việc lấy nước ngọt phục vụ sinh hoạt, sản xuất; tình trạng sạt lở bờ bao, đê cồn tại một số tuyến sông rạch và đê biển vẫn đang xảy ra.
Tình trạng sạt lở bờ sông gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của người dân tại nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh.
Tính đến cuối tháng 7/2024, các loại hình thiên tai có ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng, gồm: trên tuyến sông Hậu, xâm nhập mặn bắt đầu từ giữa tháng 2 kéo dài đến tháng 5, ranh mặn 4g/lít, vào sâu trong nội đồng từ 50 - 55km; thời điểm triều cường thấp, khu vực cống đầu nguồn vùng Long Phú - Tiếp Nhật không xuất hiện nước ngọt, theo quy luật ảnh hưởng đến sản xuất và sinh hoạt của người dân. Trên địa bàn thị xã Ngã Năm từ cuối tháng 4 đến tháng 6, mặn tiếp tục xâm nhập cường độ cao từ hướng Bạc Liêu và Xẻo Chít, với độ mặn duy trì trên 8g/lít dẫn đến thiếu nước cục bộ tại một số khu vực đã xuống giống lúa Hè - Thu.
Về sạt lở trên tuyến đê biển Vĩnh Châu thuộc K39 - K45 tiếp tục bị xâm thực rừng phòng hộ không còn, sóng biển uy hiếp trực tiếp vào chân đê; bờ sông huyện Cù Lao Dung bị sạt lở nghiêm trọng trên đê Tả Hữu; xã Song Phụng, huyện Long Phú đã xảy ra 3 vụ sạt lở nghiêm trọng khu vực Âu thuyền đến vàm sông Hậu. Tuyến đê cồn trên sông Hậu thuộc địa bàn huyện Kế Sách, sạt lở trên địa bàn các xã: An Mỹ, Trinh Phú, Thới An Hội. Tuyến đê sông Mỹ Thanh, huyện Trần Đề sạt lở đang tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn trong mùa lũ sắp tới. Tại huyện Mỹ Tú, dòng chảy làm sạt lở nghiêm trọng bờ sông Nhu Gia, xói lở khu vực cống Tam Sóc.
Để đảm bảo an toàn cho người dân trước các loại hình thiên tai, trong thời gian qua UBND tỉnh Sóc Trăng đã ban hành các chương trình, kế hoạch thực hiện các hoạt động ứng phó, thích ứng với biến đổi khí hậu (BĐKH). Qua đó, hầu hết các nội dung trong chương trình, kế hoạch của địa phương về ứng phó, thích ứng với BĐKH đều có danh mục các đề tài, nhiệm vụ, dự án cụ thể làm cơ sở để thu hút, huy động các nguồn lực tài chính thực hiện các nhiệm vụ.
Ngành Nông nghiệp tỉnh đã triển khai thực hiện hiệu quả nội dung Công điện số 19/CĐ-TTg, ngày 8/3/2024 của Thủ tướng Chính phủ và Chỉ thị số 661/CT-BNN-TL Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn về việc tập trung ứng phó xâm nhập mặn cao điểm tại đồng bằng sông Cửu Long; Kế hoạch số 18/KH-UBND, ngày 29/1/2024 Phòng chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn, phục vụ sản xuất nông nghiệp và nhân dân mùa khô năm 2023 - 2024 trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng; Công văn số 153/UBND-KT, ngày 17/1/2024 của UBND tỉnh về việc chủ động ứng phó với nguy cơ hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn trong những tháng cao điểm mùa khô tới trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng…
Riêng ở lĩnh vực nông nghiệp, để đảm bảo an toàn thành quả sản xuất của bà con nông dân trong điều kiện mưa bão, Sở NN&PTNT tỉnh đã tiến hành khảo sát công tác vận hành hệ thống thủy lợi tại các địa phương thuộc địa bàn vùng trũng của tỉnh. Hiện nay, hệ thống cống thủy lợi do tỉnh quản lý theo phân cấp là 160 cống và hệ thống kênh cấp 1 là 65 tuyến, với tổng chiều dài hơn 1.000 km, cơ bản đảm bảo thực hiện kịp thời việc tiêu úng, thoát nước trong trường hợp mưa bão kéo dài.
Ngành Nông nghiệp chủ động triển khai giải pháp đảm bảo nguồn nước cho sản xuất trong điều kiện hạn, mặn gia tăng.
Nhiều giải pháp kết hợp vẫn đang được ngành tập trung triển khai nhằm hạn chế thấp nhất rủi ro thiệt hại đến đời sống cũng như hoạt động sản xuất của người dân. Ngoài ra, Sóc Trăng cũng quan tâm bảo vệ và phát triển diện tích hệ thống rừng phòng hộ ven biển nhằm tạo vành đai chắn sóng, giảm nhẹ thiên tai; đồng thời tạo sinh kế cho người dân dưới tán rừng.
UBND tỉnh Sóc Trăng cho biết, sạt lở là loại hình thiên tai cần nguồn kinh phí thực hiện rất lớn, do đó, để khắc phục sạt lở lớn thì phải xin nguồn kinh phí từ Trung ương, còn đối với các sạt lở ảnh hưởng cấp thiết đến đời sống người dân và đã công bố tình trạng khẩn cấp, thì địa phương cần có báo cáo cụ thể để tỉnh cân đối nguồn kinh phí hỗ trợ khắc phục.
UBND tỉnh đề nghị các địa phương rà soát lại nguồn vốn đầu tư công trình trên địa bàn; đối với tình huống bị sạt lở nguy hiểm thì địa phương báo cáo Ban Chỉ huy Phòng thủ dân sự - Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh để thực hiện các hồ sơ công bố tình trạng sạt lở khẩn cấp. Các địa phương cung cấp danh sách các hộ dân sống ngoài đê nếu có tình huống thiên tai, kịp thời di dời hộ dân đến nơi an toàn. Tăng cường công tác tuyên truyền cho chủ tàu trong tỉnh, không cho thuê, cho mượn tàu đối với các đối tượng ngoài tỉnh; lập danh sách hộ dân bị ảnh hưởng thiên tai; rà soát lại hệ thống đê sông, đê biển có gia cố trước khi mưa bão…
Thời gian qua, Sở TN&MT đã tham mưu UBND tỉnh Sóc Trăng đang triển khai thực hiện dự án “Điều tra, đánh giá diễn biến dòng chảy, bồi lắng, xói lở lòng, bờ, bãi sông trên các sông chính trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng” dự án được triển khai thực hiện trong 2 năm (năm 2023, 2024) với mục tiêu dự án làm rõ đặc điểm cấu trúc địa chất, địa chất công trình, hiện trạng tai biến địa chất và phân bố dân cư, công trình hạ tầng dọc theo các tuyến sông chính; điều tra, đáng giá diễn biến dòng chảy các sông chính; điều tra, đánh giá hiện trạng bồi lắng, xói lở lòng bờ, bãi sông trên các sông chính để đề xuất các giải pháp quản lý, phòng ngừa, ứng phó hiện trạng sạt lở lòng bờ, bãi sông, xói lở bờ biển, đảm bảo an toàn cho người dân ven sông, ven biển.
Bên cạnh đó, tỉnh Sóc Trăng cũng đã và đang xây dựng các tyến đê sông, đê biển, cống ngăn mặn, giữ ngọt, bảo vệ và phát triển rừng phòng hộ chắn sóng để phòng, chống xâm nhập mặn và sạt lở bờ sông, bờ biển; tăng cường vận động nhân dân không xây dựng nhà ở gần ngã ba sông, các khúc sông cong và những đoạn sông, kênh dễ bị sạt lở do địa chất nền để tránh thiệt hại về người và tài sản. Thường xuyên kiểm tra, rà soát những điểm có nguy cơ sạt lở để kịp thời tham mưu đề xuất UBND tỉnh có biện pháp xử lý; đồng thời triển khai thực hiện các dự án tái định cư để di dời, bố trí dân cư vùng đặc biệt khó khăn, vùng có nguy cơ bị ảnh hưởng bởi sạt lở, xâm nhập mặn.../.
Minh Hưng
Bình luận