Hotline: 0941068156
Thứ hai, 20/01/2025 15:01
Thứ tư, 22/02/2023 13:02
TMO - Trước nguy cơ thiếu hụt nghiêm trọng nguồn cung vật liệu xây dựng trên địa bàn, UBND tỉnh Quảng Nam yêu cầu các Sở, ngành, địa phương tăng cường công tác quản lý nhà nước về khoáng sản theo đúng các quy định của pháp luật; đồng thời, đáp ứng kịp thời nhu cầu vật liệu phục vụ thi công các công trình, dự án trên địa bàn tỉnh, không để xảy ra tình trạng tăng giá đột biến trong thời gian tới.
Theo đó, UBND tỉnh Quảng Nam yêu cầu các Sở, ban, ngành có liên quan và UBND các huyện, thị xã, thành phố tiếp tục tổ chức triển khai thực hiện tốt Kết luận số 73-KL/TU ngày 20/7/2021 của Tỉnh ủy về tăng cường công tác quản lý, bảo vệ môi trường và tài nguyên khoáng sản trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025 và các văn bản chỉ đạo của UBND tỉnh trong công tác quản lý quy hoạch, thăm dò, khai thác, sử dụng khoáng sản làm vật liệu xây dựng (VLXD) thông thường trên địa bàn tỉnh.
UBND các huyện, thị xã, thành phố: Khẩn trương tổ chức lấy ý kiến đồng thuận của cộng đồng dân cư trong vùng dự án để tổ chức đấu giá quyền khai thác khoáng sản đối với 39 điểm mỏ khoáng sản vật liệu xây dựng thông thường đã được Ban Thường vụ Tỉnh ủy thống nhất chủ trương và UBND tỉnh phê duyệt danh mục các dự án đầu tư khai thác khoáng sản, giao cho các địa phương tổ chức đấu giá.
Trong hồ sơ đấu giá quyền khai thác khoáng sản phải nêu đầy đủ các nội dung yêu cầu để tổ chức lựa chọn doanh nghiệp có đủ năng lực thực hiện, tuân thủ đúng quy định trong quá trình hoạt động khai thác khoáng sản; hướng dẫn đơn vị trúng đấu giá lập đầy đủ hồ sơ, thủ tục, trình cấp có thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư và cấp giấy phép thăm dò, khai thác khoáng sản theo đúng quy định. Trong quá trình lập hồ sơ, thủ tục, lưu ý rà soát kỹ để cập nhật, điều chỉnh bổ sung các quy hoạch liên quan (quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch lâm nghiệp…) cho phù hợp và đánh giá kỹ tác động môi trường của các dự án.
UBND các huyện, thị xã chỉ đạo phòng TN&MT kiểm tra lại; trường hợp chưa thực hiện rà soát thì chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan khẩn trương rà soát, đề xuất loại bỏ các điểm mỏ khoáng sản VLXD thông thường không còn phù hợp, các điểm mỏ đã khai thác xong và đề xuất bổ sung các điểm mỏ khoáng sản mới phù hợp vào quy hoạch thăm dò, khai thác, sử dụng khoáng sản VLXD thông thường trên địa bàn tỉnh trong thời gian đến (không phải chờ có dự án đầu tư xây dựng các công trình mới xác định nhu cầu vật liệu để đề xuất bổ sung); gửi văn bản về Sở Xây dựng chậm nhất vào ngày 4/3/2023 để chủ trì, phối hợp với các ngành liên quan kiểm tra, tham mưu UBND tỉnh báo cáo HĐND tỉnh thông qua để phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư tích hợp vào Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, trình cấp có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt đảm bảo thời gian yêu cầu.
UBND tỉnh yêu cầu UBND các huyện, thị xã, thành phố thường xuyên theo dõi, giám sát, kiểm tra việc chấp hành các quy định pháp luật của các đơn vị hoạt động khai thác khoáng sản trên địa bàn. Ảnh: MC
Đồng thời, rà soát, cập nhật các dự án khai thác khoáng sản làm VLXD thông thường đề xuất đầu tư trong giai đoạn đến năm 2030 tại các điểm mỏ sau khi điều chỉnh, bổ sung vào Quy hoạch sử dụng đất cấp huyện thời kỳ 2021-2030 để có cơ sở triển khai thực hiện. Trong quá trình rà soát, điều chỉnh, bổ sung các điểm mỏ VLXD thông thường trên địa bàn mình quản lý; trường hợp cần phải điều chỉnh quy hoạch 3 loại rừng, chuyển đổi mục đích sử dụng rừng; các địa phương khẩn trương có văn bản đề xuất gửi về Sở NN&PTNT để tổng hợp, tham mưu trình cấp có thẩm quyền xem xét, điều chỉnh và cập nhật vào Quy hoạch tỉnh, Quy hoạch Lâm nghiệp Quốc gia thời kỳ 2021-2030 theo quy định.
UBND các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo UBND cấp xã và các phòng chức năng thường xuyên theo dõi, giám sát, kiểm tra việc chấp hành các quy định pháp luật của các đơn vị hoạt động khai thác khoáng sản trên địa bàn mình quản lý; yêu cầu chấp hành thực hiện nghiêm các quy định trong hoạt động khai thác, bảo vệ môi trường, lắp đặt trạm cân, hệ thống camera có kết nối Wifi truyền dữ liệu về các cơ quan chức năng tại vị trí đưa khoáng sản nguyên khai ra khỏi khu vực khai thác; kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp khai thác trái phép, vận chuyển, kinh doanh, tiêu thụ khoáng sản không có nguồn gốc hợp pháp.
UBND tỉnh giao các Sở: Xây dựng, Kế hoạch và Đầu tư, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Tài nguyên và Môi trường theo chức năng, nhiệm vụ được giao, hướng dẫn, tham mưu giải quyết kịp thời các hồ sơ, thủ tục có liên quan về quy hoạch, đầu tư, cấp phép hoạt động khoáng sản theo quy định. Sở Tài chính, Cục Thuế tỉnh và Chi cục Thuế ở các địa phương, khu vực tăng cường công tác kiểm tra, giám sát; yêu cầu các doanh nghiệp hoạt động khai thác khoáng sản phải niêm yết công khai giá bán khoáng sản tại mỏ và bán đúng với giá niêm yết.
Trường hợp phát hiện hành vi vi phạm thì xử lý nghiêm theo đúng quy định. Sở Tài nguyên và Môi trường, Thanh tra tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố và các cơ quan chức năng liên quan theo chức năng, nhiệm vụ được giao tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra; xử lý nghiêm hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực TN&MT của các đơn vị được cấp giấy phép trên địa bàn tỉnh theo đúng quy định của pháp luật.
Theo Sở TN&MT tỉnh Quảng Nam, năm 2022, UBND tỉnh đã cấp 22 cấp giấy phép khai thác khoáng sản; ngoài ra, theo ủy quyền của UBND tỉnh, Sở TN&MT đã cấp 7 bản xác nhận đăng ký khai thác khoáng sản trong dự án đầu tư xây dựng công trình. Đến đầu năm 2023, trên địa bàn tỉnh có 74 Giấy phép khai thác khoáng sản và 6 Bản xác nhận đăng ký khai thác khoáng sản đá, cát còn hiệu lực.
Trước đó, nhằm kiểm soát tình trạng các mỏ khai thác khoáng sản đã hết hạn khai thác, UBND yêu cầu UBND các huyện, thị xã, thành phố kiểm tra, đôn đốc các đơn vị khai thác khoáng sản trên địa bàn địa phương mình quản lý, đã hết thời hạn hoạt động theo Giấy phép khai thác khoáng sản được cấp. Chấp hành thực hiện việc nộp Đề án đóng cửa mỏ khoáng sản về Sở Tài nguyên và Môi trường trước ngày 15/3/2023 và báo cáo việc thực hiện về UBND huyện, thị xã để theo dõi, giám sát.
Hải Long
Bình luận