Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 24/11/2024 16:11
Thứ hai, 13/03/2023 04:03
TMO - Dự kiến trong năm 2023, tỉnh Hà Tĩnh sẽ triển khai kế hoạch đấu giá quyền khai thác khoảng sản trên cơ sở kết quả rà soát thực địa.
Theo quy hoạch tỉnh Hà Tĩnh (thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050) được Thủ tướng phê duyệt, thì tỉnh đã khoanh định 217 khu vực bảo vệ, thăm dò, khai thác và sử dụng tài nguyên khoáng sản. Trong đó, có 191 khu vực mỏ vật liệu xây dựng và 26 khu vực mỏ khoáng sản kim loại, khoáng chất, than bùn và khoáng sản khác. Các loại quặng khoáng sản như quặng sắt và titan có 7 khu; quặng thiếc, vàng, sericit có 1 khu được khoanh định. Đáng lưu ý, Khu vực mỏ sắt Thạch Khê được thực hiện theo pháp luật về khoáng sản, quy hoạch và tuân thủ chỉ đạo của Bộ Chính trị.
Đối với khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường có 39 khu đá xây dựng với tổng diện tích dự kiến 738,5 ha; cát, sỏi xây dựng có 37 khu với tổng diện tích dự kiến 382,5 ha; sét gạch ngói 21 khu, diện tích dự kiến 170,5 ha. Đặc biệt đất san lấp chiếm số lượng lớn với 94 khu, tổng diện tích 1.083,1 ha. Một số địa phương được khoanh định có số lượng khu và diện tích khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng nổi bật như: huyện Kỳ Anh, huyện Hương Sơn, huyện Đức Thọ, huyện Thạch Hà, huyện Hương Khê.
Ngoài ra, còn các khu quặng khoáng sản kim loại, khoáng chất, than bùn và khoáng sản khác được khoanh định gồm: 7 khu quặng sắt và titan, 1 khu quặng thiếc, vàng, sericit… Trong quy hoạch cũng xác định các mỏ, khu vực địa điểm có khoáng sản nhưng chưa khai thác, cấm khai thác, cần bảo vệ với từng loại khoáng sản như: Khu vực đất có di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh đã được xếp hạng hoặc được khoanh vùng bảo vệ theo quy định của Luật Di sản văn hóa; khu vực đất rừng đặc dụng, đất rừng phòng hộ hoặc đất quy hoạch trồng rừng phòng hộ; khu bảo tồn địa chất; Khu vực đất quy hoạch dành cho mục đích quốc phòng, an ninh hoặc gây ảnh hưởng đến việc thực hiện các nhiệm vụ quốc phòng, an ninh...
Tỉnh Hà Tĩnh tăng cường công tác quản lý nhà nước về khoáng sản, cấp phép thăm dò, khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng.
Hiện trên địa bàn tỉnh có 77 giấy phép khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng (VLXD) thông thường còn hiệu lực và 8 mỏ khoáng sản đã đấu giá nhưng chưa cấp giấy phép khai thác. Về dự báo tình hình nhu cầu đất san lấp, cát xây dựng trong năm 2023 và các năm tiếp, đối với cát xây dựng: từ năm 2023 đến năm 2025, mỗi năm nhu cầu sử dụng khoảng 2.459.000m3. Ngoài tổng công suất khai thác của các mỏ đã cấp phép khai thác (142.123m3/năm) thì nhu cầu cát xây dựng còn thiếu khoảng 2,3 triệu m3/năm. Đối với đất san lấp: từ năm 2023 đến năm 2025, mỗi năm nhu cầu sử dụng khoảng 5.439.000m3. Ngoài tổng công suất khai thác của các mỏ đã cấp phép (2.563.156m3/năm) thì nhu cầu đất san lấp còn thiếu khoảng 2,5-3,0 triệu m3/năm.
UBND tỉnh Hà Tĩnh cho biết, dự kiến trong năm 2023 địa phương sẽ triển khai kế hoạch đấu giá quyền khai thác khoảng sản trên cơ sở kết quả rà soát thực địa, có 10 khu vực mỏ (2 mỏ đá xây dựng, 7 mỏ đất san lấp và 1 mỏ cát) đáp ứng các quy định, điều kiện liên quan để lập kế hoạch đấu giá quyền khai thác khoáng sản năm 2023.
Thời gian tới, nhằm đảm bảo nguồn cung vật liệu xây dựng cho các công trình, dự án trên địa bàn, đồng thời kết hợp khai thác hiệu quả nguồn tài nguyên khoáng sản, UBND tỉnh yêu cầu các Sở, ngành, địa phương tập trung thực hiện các giải pháp tăng cường công tác quản lý Nhà nước về khai thác, chế biến khoáng sản nhằm đảm bảo nguồn cung VLXD ổn định phục vụ hoạt động đầu tư, xây dựng; không để giá VLXD tăng đột biến.
Sở TN&MT tham mưu xử lý kịp thời các hồ sơ đăng ký khai thác khoáng sản, hồ sơ công suất khai thác để phục vụ dự án đường cao tốc Bắc - Nam và các dự án trên địa bàn; có giải pháp quy hoạch đấu giá quyền khai thác khoáng sản để tạo nguồn cung VLXD phục vụ hoạt động đầu tư, xây dựng; tăng cường quản lý Nhà nước đối với hoạt động khai thác, ký quỹ phục hồi môi trường, công tác phục hồi môi trường và đóng cửa mỏ, đảm bảo đúng quy định.
Thực hiện cấp phép, kiểm tra, kiểm soát nghiêm việc sử dụng vật liệu nổ công nghiệp tại các mỏ đá; tổ chức thẩm định thiết kế đảm bảo công nghệ tiên tiến, bảo vệ môi trường và phù hợp quy hoạch khoáng sản; theo dõi sát thị trường để cập nhật, công bố giá vật liệu xây dựng; thường xuyên kiểm tra các mỏ đất đang khai thác, bãi kinh doanh cát, sỏi nằm trong hồ sơ phục vụ dự án đường cao tốc Bắc - Nam, khả năng cung ứng VLXD trên địa bàn tỉnh…
Tăng cường thẩm tra nguồn gốc VLXD khi thanh quyết toán; không thanh quyết toán đối với khối lượng VLXD là khoáng sản mà không xuất trình được các chứng từ chứng minh nguồn gốc hợp pháp. Chủ động thực hiện công tác nghiệp vụ cơ bản, thường xuyên nắm tình hình, kịp thời phát hiện, đấu tranh có hiệu quả, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật trong khai thác, chế biến khoáng sản như: buôn lậu, đầu cơ, gian lận thương mại, trốn thuế, mua bán hóa đơn trái phép…
Các địa phương kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý theo thẩm quyền các hoạt động khai thác khoáng sản trái phép; chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh nếu để tình trạng khai thác khoáng sản trái phép kéo dài; kiểm tra việc chấp hành pháp luật về đất đai trong hoạt động khai thác, chế biến khoáng sản…Các chủ mỏ phải tổ chức khai thác, chế biến khoáng sản theo đúng công suất; thực hiện đầy đủ các thủ tục, hồ sơ sau cấp phép; thông báo giá bán vật liệu xây dựng đúng quy định.
Thái Oanh
Bình luận