Hotline: 0941068156
Thứ sáu, 22/11/2024 23:11
Thứ hai, 24/04/2023 03:04
TMO - Tỉnh Ninh Thuận xác định, sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị là hướng đi bền vững giúp nâng cao hiệu quả sản xuất và thu nhập cho nông dân và doanh nghiệp. Hình thức này đảm bảo cho các tác nhân tham gia trong chuỗi giá trị chia sẻ quyền lợi, trách nhiệm với nhau, điều tiết cung cầu thị trường và truy xuất nguồn gốc sản phẩm.
Nghị định số 98/2018/NĐ- CP ngày 5/7/2018 của Chính phủ về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp thì: Liên kết theo chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp là hình thức liên kết trong sản xuất nông nghiệp theo chuỗi từ cung ứng vật tư, dịch vụ đầu vào, sản xuất, sơ chế hoặc chế biến gắn với tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp.
Ngày 9/2/2021, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quyết định số 194/QĐ-TTg về Đề án Đổi mới phương thức kinh doanh tiêu thụ nông sản giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030. Theo đó, mục tiêu chung của Đề án là hình thành và phát triển đa dạng các phương thức kinh doanh tiêu thụ nông sản theo chuỗi bền vững có ứng dụng thương mại điện tử và truy xuất nguồn gốc, phù hợp với điều kiện tự nhiên, trình độ, đặc điểm của sản xuất nông nghiệp và yêu cầu của thị trường.
Một số sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh đã được tổ chức liên kết theo chuỗi chặt chẽ dưới nhiều hình thức.
Hiện toàn tỉnh Ninh Thuận có tổng diện tích tự nhiên 3.358km2, trong đó hơn 83.736ha đất sản xuất nông nghiệp. Một số sản phẩm chủ lực của tỉnh như lúa, nho, táo, mía, mỳ, bắp (ngô) giống, hành tỏi, nha đam, măng tây, dê, cừu, heo, vịt thịt... đã được tổ chức liên kết theo chuỗi chặt chẽ dưới nhiều hình thức. Việc thực hiện hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trong tỉnh bước đầu đã có những kết quả nhất định.
Trong năm 2022, Ninh Thuận thực hiện 61 liên kết theo chuỗi giá trị với quy mô thực hiện 14.328 ha/16.539 hộ, sản lượng đạt 261.506 tấn, trên các cây trồng: lúa, bắp giống, nho, măng tây xanh, nha đam, tỏi, kiệu, ớt, hành tím, chanh không hạt, đậu xanh, điều, mía đường, mỳ. Trong lĩnh vực chăn nuôi duy trì 05 chuỗi liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi tại các huyện thành phố gồm: chuỗi chăn nuôi bò; dê, cừu thịt vỗ béo, heo, gia cầm, vịt chạy đồng, heo đen và gà bản địa. Đối với lĩnh vực thuỷ sản duy trì liên kết nuôi hàu với quy mô 70 bè/10 hộ tại xã Tri Hải, huyện Ninh Hải.
Tính đến nay, toàn tỉnh đã có 43 liên kết theo chuỗi sản xuất, chế biến tiêu thụ được 15 sản phẩm gắn với Chương trình OCOP trên địa bàn tỉnh, các chuỗi giá trị này được công nhận sản phẩm OCOP từ 3 - 4 sao. Hiện nay 09 chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn vẫn duy trì hoạt động và phát triển gồm các chuỗi cung ứng các sản phẩm an toàn, táo tươi, nho tươi, măng tây tươi, dưa lưới, bưởi da xanh Phước Bình, nước mắm cá cơm.
Sản xuất theo chuỗi giá trị đang góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế cây trồng trên địa bàn tỉnh. Ảnh: DQ.
UBND tỉnh Ninh Thuận khẳng định, việc phát triển chuỗi liên kết từ sản xuất, chế biến đến tiêu thụ là cần thiết và tất yếu. Khi làm được chuỗi như vậy, cả nông dân, HTX và doanh nghiệp sẽ cùng nhau đi xa hơn, bền vững hơn và thành công hơn trên việc bảo vệ uy tín, thương hiệu sản phẩm. Chuỗi liên kết cũng sẽ giúp tổ chức lại sản xuất, khắc phục hạn chế quy mô sản xuất nhỏ, manh mún, đầu ra tiêu thụ không ổn định.
Thời gian tới, địa phương này sẽ ban hành Đề án phát triển sản xuất nông nghiệp bền vững thuộc hệ thống thủy lợi Tân Mỹ để mở rộng không gian sản xuất, trong đó ưu tiên nghiên cứu, phát triển các cây trồng, vật nuôi chủ lực, đặc thù. Cùng với đó, tập trung rà soát để quy hoạch các vùng sản xuất tập trung ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, công nghệ cao, cũng như hỗ trợ nâng cao năng lực cơ quan quản lý, doanh nghiệp, HTX và hộ sản xuất nhằm mục đích gắn kết chặt chẽ chuỗi liên kết, nâng cao chất lượng sản phẩm…
Để nhân rộng mô hình chuỗi liên kết sản xuất tiêu thụ sản phẩm hiệu quả, thời gian tới, ngành Nông nghiệp tiếp tục phối hợp với các sở, ngành và địa phương triển khai mạnh mẽ cơ cấu lại ngành Nông nghiệp; phát triển cơ cấu sản xuất theo hướng sản phẩm chủ lực, sản phẩm đặc thù của tỉnh gắn với chỉ dẫn địa lý. Tiếp tục đổi mới và phát triển các hình thức tổ chức sản xuất, xây dựng các vùng nguyên liệu tập trung; đẩy mạnh liên kết phát triển tổ hợp tác, HTX; thu hút đầu tư doanh nghiệp tư nhân vào xây dựng các chuỗi liên kết. Nâng cao năng lực chế biến nông sản, bảo quản, đóng gói, bao bì, nhãn mác để nâng cao giá trị sản phẩm.
Thúc đẩy nghiên cứu, chuyển giao ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ. Tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại, giới thiệu và quảng bá các sản phẩm nông nghiệp thế mạnh của tỉnh. Xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu các sản phẩm nông sản, sản phẩm giá trị gia tăng, cấp mã số vùng sản xuất và truy xuất nguồn gốc. Tổ chức các hội nghị kết nối cung - cầu và xây dựng chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ các mặt hàng nông sản trên địa bàn tỉnh nhằm tạo điều kiện cho các chủ thể, HTX, tổ hợp tác, hộ gia đình gặp gỡ, trao đổi với doanh nghiệp cơ sở thu mua trực tiếp thực hiện chuỗi liên kết và bao tiêu sản phẩm, đáp ứng yêu cầu xuất khẩu.
Thanh Tùng
Bình luận