Hotline: 0941068156
Thứ bảy, 23/11/2024 09:11
Thứ bảy, 05/02/2022 07:02
TMO - Mới đây, Bộ Công Thương vừa nghiệm thu Đề tài "Nghiên cứu tạo chế phẩm sinh học tái tổ hợp sinh tổng hợp Bioplastic từ phụ phẩm chế biến thủy sản" do Viện Công nghệ sinh học (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) chủ trì thực hiện.
Nằm trong khuôn khổ Đề án phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học trong lĩnh vực công nghiệp chế biến, đề tài trên được thực hiện với mục tiêu xây dựng được quy trình công nghệ, mô hình thiết bị và sản xuất chế phẩm sinh học có khả năng tổng hợp nhựa sinh học Polyhydroxyalkanoate (PHA) đạt trên 50%.
Theo nhóm tác giả, nhựa có thể được coi là vật liệu nhân tạo được sử dụng rộng rãi nhất ngày nay. Chúng cần thiết trong hầu hết các lĩnh vực của đời sống con người bởi các tính chất đặc trưng được biết đến như: Khả năng uốn dẻo, độ bền, khả năng chịu nước, độ dẫn điện và dẫn nhiệt thấp.
Ảnh minh họa
Tuy nhiên, các monome (là những phân tử nhỏ có thể được nối với nhau theo kiểu lặp lại, từ đó tạo thành các phân tử phức tạp hơn) cho phần lớn các chất dẻo như polyester, polyethylen, polypropylen và polystyren có nguồn gốc từ hydrocarbon hóa thạch và không bị phân hủy trong tự nhiên, vì thế chúng gây ô nhiễm nghiêm trọng, ảnh hưởng đến môi trường tự nhiên cũng như đời sống con người.
Chính vì vậy, việc tìm và phát hiện ra các loại nhựa sinh học đã mở ra cánh cửa mới thu hút được sự quan tâm của các nhà nghiên cứu trên khắp thế giới. Nhựa sinh học có nhiều ưu điểm so với nhựa thông thường có nguồn gốc hóa dầu (nhựa hóa dầu) do khả năng phân hủy sinh học vốn có, tính bền vững và tính chất thân thiện với môi trường, giúp bảo tồn nguồn nhiên liệu hóa thạch hạn chế và cũng góp phần trong việc giảm phát thải khí nhà kính, từ đó trở thành nhân tố quan trọng phát triển bền vững.
Hiện trên toàn cầu, có gần 70 triệu tấn thủy sản đang được chế biến ở dạng philê, đông lạnh, đóng hộp hoặc ngâm tẩm. Theo số liệu thống kê, tổng sản lượng thủy sản của Việt Nam đạt khoảng 7 triệu tấn/năm. Trong đó phụ phẩm chiếm khoảng 15-20% (khoảng hơn 1 triệu tấn). Tuy nhiên, nguồn phế phẩm này chưa được tái sử dụng nhiều mà một lượng lớn đã thải ra môi trường gây ô nhiễm nghiêm trọng.
Đến nay, nhóm nghiên cứu đã khảo sát được khả năng sinh tổng hợp PHA của cả 4 chủng (DV01, G505, G515, G300) trên nguồn dinh dưỡng phụ phẩm cá và 2 chủng cho hàm lượng nhựa sinh học cao nhất là chủng GB515 (7,325%) và chủng DV01 (30,4%).
Đồng thời, nhóm tác giả đã nghiên cứu được các yếu tố ảnh hưởng đến quá trình nuôi cấy, thu bào tử tạo chế phẩm và điều kiện bảo quản chế phẩm từ chủng tái tổ hợp; xây dựng được quy trình công nghệ và mô hình thiết bị cho tạo chế phẩm vi sinh quy mô pilot 100 lít/mẻ và xây dựng được quy trình xử lý phế phụ phẩm cá tra làm nguyên liệu lên men…
Việc phát triển nhựa sinh học (bioplastic) được coi là xu thế chung của toàn thế giới, sẽ sớm thay thế nhựa polymer với khả năng phân hủy hoàn toàn, thân thiện môi trường.
Nguyễn Ngọc
Bình luận