Hotline: 0941068156
Thứ bảy, 23/11/2024 18:11
Thứ ba, 13/06/2023 07:06
TMO - Trước dự báo về tình hình nắng nóng thời gian tới, tỉnh Phú Yên chủ động các giải pháp từ tuyên truyền cho nhân dân đến diễn tập để chủ động phòng cháy, chữa cháy rừng, sẵn sàng ứng phó với mọi tình huống cháy rừng xảy ra trên địa bàn.
Dự báo từ tháng 6 đến tháng 8/2023, địa bàn tỉnh Phú Yên sẽ có nắng nóng cao điểm, gay gắt hơn so với cùng kỳ năm trước. Phú Yên hiện có hơn 253.671 ha rừng gồm cả rừng tự nhiên và rừng trồng. Vùng trọng điểm có khả năng cháy rừng toàn tỉnh là hơn 63.762 ha, trong đó cấp cháy V (vùng cực kỳ nguy hiểm) hơn 24.560 ha, cấp cháy IV (vùng rất nguy hiểm) hơn 25.600 ha, cấp cháy III (vùng nguy hiểm) hơn 11.790,56 ha, còn lại là diện tích trong vùng nguy hiểm trung bình và nguy hiểm ít. Những địa phương có diện tích rừng lớn, cần sự quan tâm, theo dõi chặt chẽ để tránh xảy ra cháy rừng là hai huyện Đồng Xuân, Phú Hòa và thị xã Sông Cầu…
Chi cục Kiểm lâm tỉnh Phú Yên cho biết, thời gian tới, trên địa bàn tỉnh khả năng cao hiện tượng El-Nino sẽ dẫn đến thời tiết nắng nóng và khô hạn, nguy cơ xảy ra cháy rừng rất cao. Nhiều nguyên nhân dẫn đến cháy rừng nhưng chủ yếu do người dân chủ quan khi sử dụng lửa trong rừng, đốt dọn thực bì sau khai thác rừng trồng ở điều kiện thời tiết nắng nóng gay gắt kéo dài. Kiểm lâm với vai trò là lực lượng nòng cốt phối hợp cùng nhiều đơn vị, chủ rừng triển khai giải pháp phòng cháy, chữa cháy rừng (PCCCR) theo phương châm “phòng là chính, chữa cháy khẩn trương, kịp thời và triệt để”.
Các ngành chức năng tăng cường kiểm tra công tác PCCCR tại khu vực có nguy cơ cao xảy ra cháy rừng. Ảnh: A.N
Tính đến tháng 5/2023, địa bàn tỉnh Phú Yên đã xảy ra 7 vụ cháy rừng trồng với diện tích gần 35 ha. Hạt Kiểm lâm các địa phương đã điều tra, lập biên bản vi phạm quy định của pháp luật về phòng cháy, chữa cháy rừng 5 vụ, trong đó có một vụ chuyển cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an huyện Sông Hinh để xử lý hình sự. Để thực hiện hiệu quả công tác phòng cháy, chữa cháy rừng, Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên yêu cầu phát huy vai trò, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền địa phương và chủ rừng. Chữa cháy rừng cần thực hiện theo phương châm "4 tại chỗ". Việc chữa cháy rừng đảm bảo an toàn theo thứ tự ưu tiên, người, tài sản, các công trình, phương tiện, thiết bị tham gia chữa cháy rừng.
Chi cục Kiểm lâm Phú Yên cho biết, đến nay, cơ quan chức năng và chính quyền các địa phương đã tuyên truyền trực tiếp 117 lượt/2.859 người dân tham dự; vận động 520 hộ dân sống ở gần rừng và ven rừng ký cam kết bảo vệ rừng, PCCCR; phát trên đài truyền thanh xã 64 lượt (gồm các huyện Đồng Xuân, Tây Hòa) và tối thiểu 2 lần/tháng (đối với các huyện còn lại). Bên cạnh đó, các cơ quan, đơn vị, địa phương còn tuyên truyền với nhiều hình thức khác như: phát trên loa lưu động 8 lượt, phát 3.210 tờ rơi tuyên truyền cho người dân, đóng 250 bảng cấm lửa và bảng cấm, chặt phá rừng.
Ngoài ra, Chi cục Kiểm lâm Phú Yên phối hợp với các đơn vị chức năng tăng cường thông tin, truyền thông về các nội dung quan trọng liên quan đến công tác bảo vệ rừng và PCCCR, góp phần nâng cao ý thức cho người dân; kịp thời đưa thông tin về cảnh báo và dự báo cháy rừng hàng ngày khi cơ quan chuyên môn thông tin cấp dự báo cháy rừng từ cấp III (cấp cao) đến cấp V (cấp cực kỳ nguy hiểm) trong thời kỳ cao điểm.
Để công tác bảo vệ rừng và PCCCR hiệu quả, đòi hỏi sự phối hợp tốt của lực lượng chức năng, chính quyền địa phương và người dân, doanh nghiệp trồng rừng. Hạt Kiểm lâm và UBND các xã cần tăng cường tuyên truyền công tác bảo vệ rừng và PCCCR đến với người dân; thường xuyên trao đổi thông tin về cấp dự báo cháy rừng, điểm cháy rừng để chủ động phòng ngừa cháy rừng và huy động lực lượng chữa cháy rừng kịp thời, hiệu quả. Hạt Kiểm lâm cũng phải thường xuyên phối hợp với chính quyền địa phương tăng cường tuần tra, kiểm soát, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm đối với các hộ gia đình, cá nhân sinh sống trong rừng và ven rừng.
Các lực lượng phối kết hợp trong PCCCR tại huyện Đồng Xuân.
Nhằm ứng phó kịp thời và hiệu quả khi có tình huống cháy rừng xảy ra trên quy mô lớn, vừa qua tại thao trường Suối Cối (huyện Đồng Xuân), tỉnh Phú Yên tổ chức diễn tập cháy rừng rừng. Lực lượng tham gia chữa cháy là 450 người gồm: lực lượng tại chỗ của địa phương (quân sự, công an, kiểm lâm, các đội phòng cháy, chữa cháy, y tế…); khi đám cháy lan rộng tăng cường thêm lực lượng từ Phòng Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ, Công an tỉnh, Trung đoàn Bộ binh 888 thuộc Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh
Huyện Đồng Xuân, tỉnh Phú Yên có hơn 74.000 héc ta diện tích rừng và đất lâm nghiệp (chiếm 72,20% tổng diện tích tự nhiên). Trong đó, diện tích đất, rừng quy hoạch phòng hộ là 32.653,04 héc ta và diện tích đất, rừng quy hoạch sản xuất là 41.785,61 héc ta. Độ che phủ rừng toàn huyện Đồng Xuân năm 2022 đạt 62,48%. Với diện tích rừng và đất lâm nghiệp lớn, để chủ động, sẵn sàng lực lượng, phương tiện, con người và các phương án phòng, chống cháy rừng có hiệu quả, giảm tối đa thiệt hại về người và tài sản của Nhà nước và nhân dân, một trong những giải pháp thiết thực nhất được huyện Đồng Xuân triển khai là tổ chức diễn tập thực binh về nhiệm vụ này.
Chi cục Kiểm lâm tỉnh Phú Yên cho biết, việc diễn tập phòng cháy, chữa cháy góp phần nâng cao ý thức cho người dân trong công tác bảo vệ rừng. Với các tình huống giả định được đặt ra, chủ rừng từ cấp cơ sở đến cấp tỉnh nắm bắt được phương pháp chỉ huy, huy động lực lượng tham gia chữa cháy rừng hiệu quả.
Cũng trên cơ sở này, từng đơn vị căn cứ hiện trạng rừng, cấp độ cảnh báo cháy rừng để xây dựng kịch bản ứng phó với cháy rừng hiệu quả, giảm thiểu thiệt hại đến mức thấp nhất. UBND tỉnh Phú Yên yêu cầu các địa phương khẩn trương thực hiện một số nhiệm vụ cấp bách như: tăng cường kiểm tra, giám sát về phòng cháy, chữa cháy rừng coi đây là nhiệm vụ trọng tâm, tuyệt đối không được chủ quan; phân công lực lượng ứng trực 24/24 giờ trong suốt mùa khô và các ngày nắng nóng. Đặc biệt, các địa phương có phương án sẵn sàng, chủ động di dời dân ra khỏi khu vực nguy hiểm khi cần thiết, đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản của nhân dân và Nhà nước…
Lê Xuân
Bình luận