Hotline: 0941068156
Thứ hai, 20/01/2025 02:01
Thứ năm, 03/11/2022 21:11
TMO - Trước những nguy cơ và nhiệm vụ đặt ra trong công tác bảo vệ, phòng chống cháy rừng mùa khô, UBND tỉnh Bắc Giang chỉ đạo các đơn vị chức năng tăng cường phối hợp với các địa phương sẵn sàng các phương án chủ động ứng phó với tình huống cháy rừng, hạn chế tối đa thiệt hại.
Hiện nay tình hình thời tiết trên địa bàn tỉnh Bắc Giang đang diễn biến bất thường. Ban ngày trời nắng hanh, kết hợp độ ẩm không khí và độ ẩm vật liệu cháy giảm thấp. Nhiều địa phương có nguy cơ cháy rừng ở cấp nguy hiểm. Trên địa bàn tỉnh Bắc Giang khu vực các huyện: Sơn Động, Lục Ngạn, Lục Nam, Lạng Giang, Yên Dũng, Việt Yên và thành phố Bắc Giang cấp dự báo cháy rừng đang ở cấp IV (cấp nguy hiểm). Khu vực các huyện: Yên Thế, Hiệp Hòa, Tân Yên cấp dự báo cháy rừng đang ở cấp III (cấp cao).
UBND tỉnh đề nghị các đơn vị chức năng đảm bảo phương án chủ động phòng chống cháy rừng. Ảnh: Bảo Lâm
Trước tình hình trên, Chi cục Kiểm lâm Bắc Giang đề nghị Chủ tịch Ủy ban nhân dân và Ban Chỉ huy phòng cháy, chữa cháy rừng cấp huyện trực tiếp chỉ đạo các biện pháp phòng cháy, chữa cháy rừng tại địa phương theo quy định. Kịp thời thông tin về dự báo, cảnh báo nguy cơ cháy rừng, nội quy dùng lửa trong rừng, ven rừng và tình hình cháy rừng hằng ngày ở địa phương trên các phương tiện thông tin đại chúng. Nghiêm cấm các hoạt động sản xuất, kinh doanh trong rừng; trực, tuần tra canh gác lửa rừng 24/24 giờ, kịp thời phát hiện và tổ chức dập tắt ngay các đám cháy khi mới xuất hiện.
Trước dự báo về nguy cơ cao xảy ra cháy rừng tại các địa phương, Ban Chỉ huy Phòng cháy, chữa cháy rừng (PCCCR) tỉnh Bắc Giang vừa triển khai Kế hoạch kiểm tra công tác PCCCR mùa khô 2022 - 2023. Theo đó, mục đích triển khai kế hoạch nhằm nâng cao tinh thần trách nhiệm, ý thức chủ động của các cấp chính quyền, các ngành, đơn vị và chủ rừng trong công tác PCCCR mùa khô 2022-2023; hạn chế đến mức thấp nhất số vụ và diện tích thiệt hại do cháy rừng gây ra tại địa phương.
Đối tượng kiểm tra công tác PCCCR mùa khô 2022-2023 bao gồm UBND các huyện: Sơn Động, Lục Ngạn, Lục Nam, Yên Thế, Yên Dũng, Việt Yên (trực tiếp là Ban Chỉ huy PCCCR cấp huyện) và UBND các xã, thị trấn trọng điểm cháy rừng (trực tiếp là Ban Chỉ huy PCCCR cấp xã). Các Hạt Kiểm lâm và chủ rừng lớn bao gồm: Các Ban quản lý rừng phòng hộ, đặc dụng; công ty, doanh nghiệp lâm nghiệp; đơn vị lực lượng vũ trang được Nhà nước giao quản lý rừng và các hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư quản lý diện tích rừng từ 30 ha trở lên.
Lực lượng kiểm lâm phối hợp với địa phương triển khai diễn tập ứng phó với tình huống cháy rừng. Ảnh: BL
Đoàn kiểm tra công tác PCCCR mùa khô 2022-2023 sẽ tập trung kiểm tra đánh giá kết quả thực hiện công tác PCCCR mùa khô 2021-2022; việc chấp hành nghiêm các quy định về PCCCR; công tác chuẩn bị sẵn sàng lực lượng, phương tiện, thiết bị, hậu cần cần thiết để chữa cháy rừng theo phương châm “4 tại chỗ”; tổ chức lực lượng thường xuyên tuần tra, canh gác và trực PCCCR tại các chòi canh lửa, các chốt, trạm bảo vệ rừng….
Bên cạnh đó, Đoàn kiểm tra tỉnh cũng sẽ tiến hành kiểm tra đột xuất về công tác PCCCR đối với các địa phương, đơn vị, chủ rừng có nguy cơ xảy ra cháy rừng cao vào thời gian cao điểm mùa khô khi nắng nóng, khô hạn kéo dài. Thời gian kiểm tra vào thời gian cao điểm mùa khô 2022-2023 (từ tháng 10 năm trước đến tháng 5 năm sau). Trưởng Ban Chỉ huy PCCCR tỉnh giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan, tham mưu thành lập Đoàn kiểm tra liên ngành và tổ chức kiểm tra theo Kế hoạch.
Tính từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh xảy ra 2 vụ cháy rừng (diện tích thiệt hại hơn 2,3ha), giảm 7 vụ so năm 2021. Trước đó, ngày 1/11, tại thôn Phấn Sơn, xã Đồng Sơn, thành phố Bắc Giang xảy ra vụ cháy rừng trồng. Lực lượng chức năng đã phải huy động hơn 400 người, gồm các lực lượng: Kiểm lâm, quân đội, công an tham gia chữa cháy. Theo thống kê, diện tích bị cháy khoảng 5ha; diện tích thiệt hại khoảng 1,7ha (mức độ thiệt hại 35%). Toàn bộ rừng trồng được quy hoạch là rừng phòng hộ; loài cây trồng chủ yếu là keo, thông.
Nguyễn Hoàng
Bình luận